Bí mật của những cuộc đời (Kỳ 2)
Đại úy Tự đi họp ban thi hành án tử hình về đến phòng trực của quản giáo khu D thì gặp anh lính cảnh sát bảo vệ ngoài hành lang. Anh kể lại cho Tự nghe chuyện Lân tự xem bói cho mình và bảo là chỉ sống được mấy tiếng đồng hồ nữa.
>> Bí mật những cuộc đời (Kỳ 1)
Năng lượng Mới số 339
Tự ngẩn người, hỏi lại:
- Nó nói thế à?
- Vâng, anh không tin lát nữa xuống bảo anh ta nói lại cho mà nghe.
Tự thở dài:
- Thế thì giỏi quá. Đúng là sáng mai bắn anh ta với hai thằng nữa đấy.
Nghe Tự nói, anh cảnh sát trợn tròn mắt hỏi lại:
- Chúng em có phải ra bảo vệ trường bắn không?
- Chắc chắn là có. Chú mày sợ à?
- Vâng, em thấy ghê lắm. Có khi em phải giả vờ ốm thôi?
Tự lắc đầu :
- Sao chúng mày hèn thế. Đã làm đơn xin ở lại công an chưa?
- Em làm rồi.
- Vậy thì tốt nhất là rút đơn về. Công an mà hèn nhát như mày thì về đi.
Anh lính trẻ gãi đầu:
- Bố em bảo là sẽ “chạy” cho em về cảnh sát giao thông.
Nghe nói vậy, Tự chán nản xua tay:
- Làm cảnh sát giao thông? Muốn ra đường cướp à!
Tự nói rồi quày quả đi về phòng trực, anh cảnh sát nhìn theo chưng hửng. Tự treo chiếc mũ lên móc, rồi nói với ba quản giáo khác:
- Sáng mai bắn thằng Lân, thằng Thân và thằng Hải. Tối nay các cậu phải ở lại trực hết đấy nhé.
Rồi anh gật gù:
- Cứ nghe đồn thằng Lân biết xem bói, hôm nay mới biết nó bói giỏi.
- Nó bói giỏi cái gì hả anh - Một anh quản giáo hỏi.
- Lúc nãy nó tự xem bói cho nó và nó nói là chỉ sống được tính bằng giờ thôi.
Thằng Hòa đứng bên ngoài lắng nghe rồi vội xách xô nước lảng đi.
***
Cuộc họp tan. Cuối cùng thì Vũ Minh cũng thuyết phục được ông Vân tham gia buổi thi hành án ngày mai. Hai anh chàng lúc trước từ chối đi thi hành án với bất cứ giá nào, nay thấy ông Vân miễn cưỡng nhận lời cũng thay đổi thái độ và nhận nhiệm vụ. Ông Vân bảo hai người cùng với năm cảnh sát nữa đi ra pháp trường để chôn cọc trói tử tù. Còn ông thì trở về phòng làm việc của mình để lấy những chiếc băng đen bịt mắt. Ông kiểm tra kỹ lưỡng từng cái bằng cách kéo căng ra, giơ lên ánh đèn xem có bị thủng hay không rồi xếp lại để vào ngăn tủ. Trong ngăn tủ của ông, có một chồng băng đen. Rồi ông lấy cái kéo chuyên để tỉa cành cây để sẵn trong tủ bên cạnh chồng băng đen bịt mắt và đi ra vườn hoa trước khu biệt giam tử tù.
Mười năm trước, chính ông đề nghị Ban Giám thị trại cho cải tạo khu vườn trồng rau trước khu D thành vườn hoa. Khi được Ban Giám thị đồng ý và giao cho ông phụ trách thiết kế, xây dựng, ông đã rất vui và lao vào công việc với một sự hứng thú đặc biệt. Ông mời hẳn một kiến trúc sư chuyên thiết kế công viên, cây cảnh về để giúp và tự mình đi chọn từng giống hoa trên Hà Nội đem về. Mà ông cũng chỉ chọn trồng mỗi một loại hoa hồng nhưng có đến hai chục loại khác nhau. Nhiều nhất vẫn là loại hồng bạch leo giàn, hoa nhỏ trắng muốt và thơm ngát. Cũng vì thế mà ông Vân rất thích những lúc rảnh rỗi ra chăm sóc vườn hoa.
Rất nhiều lần ông đề nghị với Ban Giám thị cho mở một cánh cửa sắt để tử tù được nhìn thấy vườn hoa. Thế rồi chẳng hiểu từ khi nào, ông lại có một thói quen là nếu hôm sau phải thi hành tử hình thì chiều hôm trước, thể nào ông cũng tha thẩn ngoài vườn hoa với một cây kéo tỉa cành loại nhỏ trong tay. Ông nhặt từng chiếc lá sâu, nhổ từng ngọn cỏ gấu và ông làm công việc đó tỉ mẩn đến lạ lùng. Và với những tử tù đã từng giam lâu ở trại, họ nhận ra điều đấy.
***
Hùng Lân đứng trong phòng giam nhìn qua lỗ tò vò và thấy ông Vân tẩn mẩn cắt từng chiếc lá sâu trên những cây hồng bạch nở hoa rực rỡ. Bỗng nhiên anh ta rùng mình.
Lại có tiếng mở cửa lạch cạnh. Lần này vẫn là Hòa, quản giáo Tự và hai cảnh sát bảo vệ khác. Hòa mang cơm vào cho Lân. Cửa vừa mở, Lân hỏi ngay:
- Có phải người đang tỉa hoa kia là ông Vân không?
- Đúng rồi. Sao anh biết? - Quản giáo Tự hỏi.
- Tôi bị giam ở đây hai năm ba tháng mười bốn ngày. Tôi thấy cứ mỗi lần ông ấy ra vườn tỉa hoa hồng vào buổi chiều là sáng sớm hôm sau, có thằng dựa cột.
Đại úy Tự ngẩn người:
- Ông ấy rất quý vườn hồng này. Ngày nào ông ấy chả ra đây.
- Bình thường ông ấy ra lúc sáng sớm. Các anh tin tôi đi. Cái nhìn của kẻ sắp chết không đến nỗi nào đâu. Ngày mai chắc là đến lượt tôi phải không?
Tự cười nhăn nhó:
- Thôi, anh ăn cơm đi. Toàn suy diễn lung tung.
- Hy vọng là ngày mai tôi được ra pháp trường. Sống thế này khổ hơn chết.
Lân nói với giọng dửng dưng như không rồi lấy thìa xúc cơm ăn ngon lành. Xuất ăn của tử tù là một bát cơm lớn, trong đó có cả rau muống luộc, mấy miếng cà bát muối thâm xì, một khúc cá mè kho khô, ngoài ra còn có một ca nước rau, tất cả đồ dùng cho bữa ăn đều là bằng nhựa, kể cả chiếc thìa. Trước kia, tử tù còn được ăn cơm bằng đũa, nhưng 5 năm trước, có một gã đã lấy đũa nhét vào lỗ tai rồi ngã người xuống nền nhà, chiếc đũa tre xuyên từ lỗ tai trái sang tai phải và gã chết ngay. Từ đó, tất cả đồ dùng của tử tù đều bằng nhựa.
Trong buồng giam nóng ngột ngạt, Tự bảo Hòa:
- Anh trông cho anh Lân ăn, trong này nóng quá, tôi đứng ngoài này.
Nói xong, ba người kéo nhau ra đứng ngoài cửa sắt.
Trong phòng giam, gã tù tự giác im lặng nhìn Lân hồi lâu bằng ánh mắt ái ngại. Chợt Lân ngẩng lên, bắt gặp cái nhìn của gã, hắn hỏi nhỏ:
- Sao, có chuyện gì mày nhìn tao như vậy.
Hòa liếc nhìn ra cửa rồi thì thào:
- Sáng mai, đến lượt anh đấy. Cả anh Hải nữa.
Lân sững người:
- Thật không?
- Thật! Em nghe quản giáo Tự nói ở nhà trực.
- Cả thằng Hải nữa à. Tội cho nó quá, vì mình mà nó phải chết.
Lân bỏ bát cơm xuống, thẫn thờ:
- Lần đầu tiên mình tự xem bói cho mình. Sao mà đúng thế. Thế nào, việc tao nhờ mày từ ngày trước có lo được không?
- Dạ, có chứ ạ!
Hắn nói rồi lần trong gấu quần lấy ra một nửa lưỡi dao cạo râu đưa cho Lân. Lân nhét vội vào dưới gối.
- Cám ơn mày. Khi nào mày ra tù, mày nhớ gặp con gái tao, nói là số tiền tao chôn ở gốc cây mít, nó đào lên, giữ lấy mà dùng. Tao cho mày một ngàn đôla.
- Nhưng em nói thế nào để con gái anh tin. Mà gốc mít ở đâu.
- Mày cứ nói là đã giúp tao không phải ra trường bắn. Còn gốc mít nào, con tao khắc biết.
- Em cám ơn anh. Nhưng em không không dám nhận số tiền đó đâu. Ngày xưa gia đình em chịu ơn anh nhiều rồi. Thôi chúc ông anh “đi” can đảm.
- Yên tâm đi. Tao thừa can đảm để tự lo lấy cuộc đời mình. À, mày để lại cho tao nhiều nước uống nhé.
***
Họp bàn kế hoạch thi hành án xong, Thượng tá Trần Quang Vũ phóng xe máy về nhà và anh chợt thấy đầu óc mình rỗng tuếch. Từ trại giam về nhà anh chỉ không đầy chục cây số nhưng Vũ đi hết hơn nửa tiếng. Nghĩ đến ngày mai phải đi giám sát thi hành án Trần Hùng Lân, anh thấy trong lòng ập đến bao cảm xúc khó tả.
Anh về đến nhà rồi lẳng lặng lấy cơm cho đứa con trai lớn ăn. Đó là một thằng bé bị dị tật bẩm sinh do chất độc da cam. Thằng bé ngồi ngật ngưỡng trên chiếc xe đẩy thi thoảng lại toét miệng ra cười ngây dại. Chị Thục, vợ Vũ người gầy khô như hạc, nét mặt u uất của một người đàn bà vất vả và chịu nhiều đau khổ. Trong lúc Vũ cho con ăn, chị lặng lẽ ngồi trước bàn máy tính và đánh máy. Bấy lâu nay, chị nhận tài liệu về nhà đánh thuê. Vũ cho con ăn xong, anh xắp xếp lại mâm cơm rồi bảo vợ:
- Em nghỉ tay ra ăn cơm đi.
- Vâng, hôm nay em phải cố cho xong tập tài liệu này. Sáng mai họ đến lấy và trả tiền luôn. Ông này trả cao lắm. Ba ngàn một trang đấy.
- Anh biết ông ấy rồi. Con ông ta ngày trước xuýt bị ngồi tù oan. Anh điều tra và minh oan cho con ông ta. Chắc ông ấy thuê em đánh với giá cao cũng là để trả ơn thôi.
- Em có biết đâu.
Chị nói rồi đi ra ăn cơm. Thấy chồng lặng lẽ ăn, chị linh cảm là anh đang suy nghĩ về một điều gì đó nên gặng hỏi:
- Anh lại có việc gì phải nghĩ à?
Vũ gượng cười:
- Làm nghề này lúc nào mà chả nghĩ. Ăn xong, lát nữa anh đến thăm mấy đứa con nhà thằng Lân. Mấy đứa ngoan lắm, may mà chúng không phải sống với mụ Lệ ngày nào, chứ không thì hỏng hết.
- Ai bảo đâm đầu vào lấy con cave ấy. Hồi chị Mai mới mất được nửa năm, em biết chuyện anh Lân định lấy con Lệ làm vợ, em đã gàn rồi. Nhưng lúc đó anh ta bảo thà lấy đĩ về làm vợ... Nghe thế, em cũng chẳng buồn nói nữa.
- Anh Lân liệu có thoát tử hình không?
Quang Vũ thở dài:
- Không thoát được. Vả lại, nó có làm đơn xin tha tội chết đâu?
- Sao anh ấy dại thế. Cứ làm đơn đi, biết đâu Chủ tịch nước tha cho. Chết hay không bằng sống dở.
- Tội nó nặng quá. Tham ô đến gần ba chục tỉ, lại chủ mưu giết hai người nữa, làm sao tha được. Nó quá biết điều ấy mà.
Chị Thục buông bát đũa thở dài:
- Giá cứ sống bằng nghề câu trộm hay đi bán thịt lợn thì lại còn được yên ấm cửa nhà. Một bước lên voi, rồi lại một bước xuống vực. Em nhớ mãi hồi em chửa, anh ta đi câu được cá chép, thi thoảng lại cho để nấu cháo ăn.
Rồi chị trách chồng:
- Sao hồi anh ấy mới phạm tội, anh không bảo cho anh ta biết.
- Nói nhưng nó có nghe đâu. Nó tưởng nó là con nuôi chủ tịch tỉnh, con nuôi Thứ trưởng nên không ai có thể làm gì được nó. Có ai nghĩ nó chỉ là thằng bán thịt lợn mà một chốc lên quan, điều hành cả một công ty lớn đâu?
- Anh đến đó bao giờ về, em chờ cửa?
- Em cứ ngủ đi nhé. Có lẽ hôm nay, anh phải ở các cháu.
Chị Thục dường như hiểu ra chuyện, chị nói run run:
- Sáng mai tử hình anh Lân à?
Vũ nhìn vợ hồi lâu rồi lặng lẽ gật đầu.
***
Ngọn đèn cao áp ngoài vườn hồng đã tỏa ánh sáng vàng rực rỡ. Nhưng khi những tia sáng đó luồn qua được khe cửa lọt vào buồng giam tử tù thì chỉ còn là một thứ ánh sáng vàng ệch. Còn trên trần phòng giam, một bóng đèn 40W luôn luôn sáng bất kể ngày hay đêm. Hồi mới vào phòng giam, Lân ghét cay ghét đắng cái thứ ánh sáng đỏ đùng đục như mắt người mất ngủ này. Nhưng rồi thời gian cũng làm cho con người ta quen tất cả. Quen từ cách sống trong buồng giam tử tù đến quen ngủ ngày, thức đêm. Cứ sau mỗi một đêm dài đằng đẵng chờ đợi rằng không hiểu ngày mai có phải đến lượt mình không và khi nghe thấy tiếng kèn báo thức của một đơn vị bộ đội đóng cách đó gần cây số thì các tử tù thở phào nhẹ nhõm và lăn ra vùi mình vào giấc ngủ ngủ nướng, cho đến khi quản giáo đánh thức dậy ăn trưa.
Trần Hùng Lân nằm ngửa mặt lên trần nhà và nhắm mắt lại. Từ chiều đến giờ, khi nhận được tin ngày mai sẽ bị thi hành án, bỗng dưng Lân thấy trong lòng mình nhẹ hẳn đi và thậm chí còn thấy thanh thản. Có lẽ đó là tâm trạng của một người đã chán sống đến cùng cực và chỉ mong chờ cái chết đến coi như một sự giải thoát. Cũng có lúc Lân thoáng rùng mình khi nghĩ đến cảnh mình sẽ bị trói vào cột, bị nhét giẻ vào miệng cho khỏi kêu gào, bị bịt mắt và... Nhưng sự sợ hãi đó qua đi rất nhanh và thay vào là cảm giác khoan khoái nhè nhẹ khi Lân tin chắc rằng mình có đủ can đảm để tự chấm dứt cuộc đời mình.
“Không hiểu công an sẽ nghĩ thế nào khi mà họ đến dựng mình dậy để đưa ra pháp trường thì mình đã đi rồi?- Lân thầm nghĩ và mỉm cười với vẻ khoái chí - Thế nào cũng có anh bị kỷ luật và thiên hạ tha hồ bàn ra tán vào. Kể thế cũng chẳng hay gì, mình chết lại để khổ cho người khác. Giá như có giấy bút thì viết lại mấy chữ, như vậy sẽ chẳng còn phiền hà cho ai và cũng còn được sự tha thứ của người đời”.
Rồi Lân nằm xuống sàn, ngón tay cái và ngón trỏ của bàn tay phải cứ mân mê nửa lưỡi dao cạo...
***
“Tôi sinh ra trong một gia đình nghèo. Bố tôi là một người có chữ theo đúng những nghĩa tốt đẹp nhất của từ này. Ông giỏi chữ Hán và từng là thầy đồ gõ đầu trẻ giỏi có tiếng ở thị xã Nam Sơn. Khi thấy thời thế đổi thay, chữ Hán không thể đem lại cơm áo, ông xoay sang học tiếng Pháp và cũng học rất giỏi rồi đi làm thông ngôn cho một viên quan tư. Và cũng vì như vậy mà sau này cuộc đời ông không thể nào mọc mũi sủi tăm lên được. Chính quyền chưa bao giờ tỏ ra tin tưởng vào phẩm chất chính trị của ông, mặc dù không ít người từng là học trò của ông và sau này giữ nhiều chức vụ quan trọng ở tỉnh, thậm chí ở cả Trung ương. Và không chỉ có thế, bố tôi lại biết bốc thuốc và xem tử vi, xem quẻ dịch có tiếng ở vùng. Mẹ tôi là một người phụ nữ đẹp nhưng bất hạnh bởi bà ốm đau bệnh tật liên miên và ngược hẳn với bố tôi, mẹ tôi không biết chữ ngoài tên Chủ tịch Hồ Chí Minh, tên chồng và tên của chính mình. Bố mẹ tôi sinh được bốn người con, hai trai hai gái, nhưng anh tôi đã mất khi mới có ba tuổi vì bị rắn độc cắn vì vậy tôi là con cả.
Nhà tôi nằm ở ven một hồ lớn ở phía ngoài thị xã. Tôi là thằng không thích học hành mà ngay từ nhỏ tôi chỉ thích đi câu. Tuy vậy, tôi cũng là thằng thông minh, bởi vì ngay từ nhỏ tôi đã thuộc khá nhiều chữ Hán đến mức độ có thể đọc được rất nhiều hoành phi, câu đối. Và cũng chẳng hiểu sao tôi lại rất mê những bộ sách tiêu biểu của Nho giáo như Đại học, Luận ngữ... Bố tôi dạy chữ Hán rồi cả tiếng Pháp cho tôi và có điều lạ lùng là nếu tôi học ngang học tắt, học truyền khẩu thì rất nhập tâm, nhưng nếu học theo bài bản thì tôi không sao nhớ nổi. Rồi không chỉ có thế, ông còn dạy tôi xem tử vi, xem bói dịch và tôi cũng có thể tự hào mà nói rằng, tôi có “căn” học những thứ đó”.
***
Trần Quang Vũ phóng xe máy đến nhà Hùng Lân. Anh dừng lại một quán ven đường mua mấy quả bưởi Sài Gòn.
Nhà của Lân là một tòa nhà khá to, nằm ven đường quốc lộ. Tầng một thì đã cho một công ty thuê làm văn phòng. Ba đứa con của Lân, một gái hai trai, ở tầng hai, còn tầng ba thì vẫn đang bỏ trống vì không ai dám mua cả mặc dù tòa án đã tuyên bố tịch thu toàn bộ tầng một và tầng ba và thông báo bán phát mại. Nhưng từ khi tuyên án đến nay, không có ai dám đến mua cả. Thật ra đây là một cách rất tế nhị của tòa án nhằm giữ lại ngôi nhà cho ba đứa con của Lân. Hồi xử án, khi Hội đồng xét xử tuyên bố như vậy, nhiều người đã thắc mắc và họ thấy ngay được cái sự vô lý đằng sau quyết định đó. Nghe nói là sau phiên tòa, chính chị thẩm phán của tòa án tỉnh đã nói với Hương Ly, con gái lớn của Lân là đừng bao giờ nghe ai mà bán phần tầng hai của ngôi nhà, dù họ có trả giá cao đến đâu. Vì sẽ không ai ngu gì đi mua ngôi nhà không những phải đi chung cầu thang mà còn chung cả công trình phụ. Và như vậy, trong thời gian chờ người đến mua (mà chắc chắn là không có) thì ba chị em cứ cho thuê tầng một để lấy tiền ăn học và sử dụng luôn cả tầng ba.
Năm nay, Hương Ly, con gái lớn của Lân đã vào tuổi 18. Cô có vóc người đẹp và đôi mắt buồn u uất.
Thấy Vũ, Ly reo lên:
- Cháu chào bác Vũ. - Rồi Ly quay vào phía buồng trong gọi - Lực ơi, Long ơi, bác Vũ đến đây này.
Lực và Long chạy ào ra, cả ba đứa quây lấy Vũ.
- Cháu chào bác ạ.
- Thế nào, hai đứa học được chứ. Bác xin lỗi các cháu. Dạo này bác bận quá, không đến thăm các cháu thường xuyên được.
Ly mời nước rồi nói:
- Bác đừng lo cho chúng cháu. Nhà bác còn nhiều việc bận hơn. Bác gái dạo này có khỏe không?
- Cũng tàm tạm. Cháu học hành thế nào? Nghe nói vừa rồi được biểu dương trong Hội nghị Thanh niên xuất sắc toàn tỉnh phải không. Ly cười buồn:
- Chị em chúng cháu bảo nhau, bây giờ phải học vì danh dự... vì danh dự bác ạ. Bố cháu thế nào hả bác. Hôm nọ cháu xin vào thăm, chả hiểu thế nào, bố cháu bảo bị ốm, không ra được. Cháu biết là bố cháu không muốn gặp chúng cháu. Trông người dữ tướng thế thôi nhưng khi gặp chúng cháu thì bố chỉ khóc thôi.
- Bác biết. Bố cháu cũng là người đa cảm.
(Xem tiếp kỳ sau)
N.N.P