Cảnh giác với tội phạm công nghệ cao đến từ Trung Quốc (Bài cuối)
Không chỉ dùng các phương thức thông thường, tội phạm sử dụng công nghệ cao người Trung Quốc còn sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi, liên tục thay đổi để lẩn tránh sự phát hiện của các cơ quan bảo vệ pháp luật. Chỉ cần một cuộc điện thoại vu vơ, bọn tội phạm này có thể lừa được cả tỉ đồng của những nạn nhân nhẹ dạ.
Bài cuối: Những cuộc điện thoại tiền tỉ
Tâm lý “sợ” công an
Thời gian qua, trên địa bàn Hà Nội xuất hiện trò lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua điện thoại. Thủ đoạn của bọn tội phạm là giả danh công an đang điều tra các vụ án lớn liên quan đến chủ thuê bao. Chúng hăm dọa, yêu cầu nạn nhân phải “chạy án” bằng cách gửi tiền vào số tài khoản do chúng cung cấp. Nhiều người nhẹ dạ đã mắc bẫy.
Bà Nguyễn Thị N (ở quận Đống Đa, Hà Nội), tường trình tại Cơ quan Công an như sau: Khoảng 15 giờ ngày 20-6-2014, bà nhận được cuộc gọi vào máy điện thoại cố định, khi nhấc máy bên kia đầu dây là một nam giới tự xưng là nhân viên bưu điện thành phố Hồ Chí Minh. Người này thông báo rằng, bà đang nợ cước viễn thông số tiền 8,93 triệu đồng. Khi bà thắc mắc vì số tiền cước quá lớn, người đàn ông này hướng dẫn bà bấm phím “0” để được nói chuyện với Cơ quan Công an.
Làm theo hướng dẫn, bên kia đầu dây là một người đàn ông khác tự xưng là công an thông báo cho bà N biết, số điện thoại cố định của gia đình bà đăng ký ngày 18-2-2014 tại một địa chỉ trên đường Nguyễn Trãi (phường 2, quận 5, TP Hồ Chí Minh).
Chang Khai Yeu và Hsieh Ming Hsin - 2 đối tượng trong ổ nhóm lừa đảo thông qua việc gọi điện giả danh công an
Sau đó, đối tượng giả danh công an yêu cầu bà N cung cấp số điện thoại di động. Sau đó, hắn tắt máy và chuyển sang liên lạc với bà N vào điện thoại di động. Bà N thấy màn hình hiển thị số máy (+83) 923xxxx. Để lấy lòng tin của bà N, đối tượng này nói có thể gọi tổng đài 1080 để kiểm tra số điện thoại 083.923xxxx có phải của Cơ quan Công an hay không.
Khi bà N gọi vào số 1080 thì được trả lời, số 083.923xxxx là số điện thoại của một đơn vị Công an TP Hồ Chí Minh. Khi đối tượng này liên lạc trở lại bằng số điện thoại (+83) 923xxxx, bà N hoàn toàn tin tưởng rằng, mình đang nói chuyện với cơ quan điều tra.
Khi đã chiếm được lòng tin, đối tượng này thông báo, số chứng minh thư của bà N đang nằm trong đường dây buôn bán ma túy xuyên quốc gia do đối tượng Nguyễn Văn Hùng cầm đầu. Hùng đang quản lý 18 tài khoản tại các ngân hàng khác nhau, trong đó bà N đứng tên một tài khoản trị giá khoảng 4 tỉ đồng tại Ngân hàng Sacombank.
Để phục vụ công tác điều tra, Cơ quan Công an sẽ phong tỏa những tài khoản này. Bên cạnh đó, kẻ tự xưng là công an còn yêu cầu bà N cung cấp toàn bộ thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, thông tin sổ tiết kiệm. Tên này yêu cầu bà N chuyển toàn bộ tiền có tại ngân hàng vào số tài khoản do hắn cung cấp để phục vụ công tác điều tra, khi vụ án kết thúc sẽ trả lại tiền.
Không chút do dự, bà N đã đến ngân hàng làm thủ tục chuyển 230 triệu đồng vào tài khoản theo hướng dẫn của đối tượng tự xưng là cán bộ điều tra. Chuyển tiền xong, bà N gọi lại số máy (+83) 923xxxx thì không liên lạc được, gọi vào số máy 083.923xxxx thì được trả lời đây là điện thoại của một Cơ quan Công an tại TP Hồ Chí Minh, nhưng đơn vị không giải quyết vụ việc nào như trên. Lúc này, bà N mới biết mình bị lừa.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Đ (ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cũng bị lừa số tiền lên tới 720 triệu đồng. Sáng ngày 23-6, ông Đ nhận được một cuộc điện thoại thông báo, bên kia đầu dây tự xưng là cán bộ công an đang điều tra một vụ án ma túy lớn có liên quan đến ông Đ. Để phục vụ công tác điều tra, họ yêu cầu ông Đ chuyển toàn bộ tiền trong tài khoản vào số tài khoản do hắn cung cấp. Lo sợ, ông Đ ra ngân hàng chuyển toàn bộ số tiền hơn 720 triệu đồng cho chúng.
Bằng các biện pháp nghiệp vụ, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PC50, Công an Hà Nội) đã lần ra tung tích của ổ nhóm lừa đảo này.
Đến 13 giờ ngày 30-6, PC50 Hà Nội bắt quả tang hai đối tượng tên là Chang Khai Yeu và Hsieh Ming Hsin (quốc tịch Đài Loan, Trung Quốc) đang dùng thẻ tín dụng mang tên người khác rút tiền tại một cây ATM trên đường Nguyễn Thị Định (phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội).
Tiến hành kiểm tra, Cơ quan Công an thu giữ 54 thẻ ATM của một số ngân hàng trong nước. Chủ tài khoản có cả người Việt Nam và nước ngoài. Gần 300 triệu đồng tiền mặt do Chang Khai Yeu và Hsieh Ming Hsin đã dùng những chiếc thẻ nói trên rút tại các cây ATM trên địa bàn Hà Nội. Hai đối tượng này nằm trong ổ nhóm chuyên lừa đảo qua điện thoại bằng thủ đoạn giả danh công an để đe dọa bị hại. Chang Khai Yeu và Hsieh Ming Hsin được phân công đi rút tiền sau khi các bị hại đã chuyển vào tài khoản.
Thiếu tá Ngô Minh Quang - Đội trưởng Đội Thương mại điện tử (Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an Hà Nội) cho biết: Trong thời gian từ cuối tháng 5-2014 đến 23-6-2014, PC50 đã thống kê được 16 trường hợp bị lừa đảo với thủ đoạn như trên. Trong đó, có 7 người ở Hà Nội và 2 người ở TP Hồ Chí Minh với tổng số tiền gần 2 tỉ đồng.
Cảnh giác là chống tội phạm
Liên quan đến hành vi lừa đảo này, Thiếu tá Ngô Minh Quang khuyến cáo, để phòng ngừa hiệu quả thủ đoạn lừa đảo qua điện thoại như trên, người dân đề phòng cảnh giác: Giữ bí mật thông tin về cá nhân, số điện thoại, không nên đưa thông tin về đời tư cũng như ảnh lên các trang mạng xã hội. Trường hợp có người tự xưng là công an đề nghị cho biết thông tin cá nhân thì phải yêu cầu làm việc trực tiếp. Khi nhận điện thoại với nội dung nặc danh, tống tiền, hăm dọa, mọi người chú ý bình tĩnh để kiểm tra thông tin, đồng thời thông báo ngay với Cơ quan Công an để có biện pháp xử lý.
Theo các chuyên gia, để đấu tranh có hiệu quả với tội phạm sử dụng công nghệ cao trong thời gian tới, các cơ quan chức năng có liên quan cần ban hành kịp thời các chính sách, biện pháp cụ thể đảm bảo an ninh trật tự trong phát triển các lĩnh vực khoa học - công nghệ.
Đồng thời, tăng cường phối hợp trong công tác quản lý Nhà nước và nâng cao ý thức, trách nhiệm phòng ngừa những nguy cơ xâm hại của tội phạm sử dụng công nghệ cao. Gắn công tác đấu tranh phòng, chống loại tội phạm này với các lĩnh vực phát triển khoa học, kỹ thuật, công nghệ của đất nước. Rà soát, nghiên cứu và đề xuất hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật làm cơ sở pháp lý vững chắc cho công tác đấu tranh với tội phạm sử dụng công nghệ cao. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đấu tranh phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, tập trung trao đổi thông tin tội phạm, tranh thủ tài trợ các thiết bị kỹ thuật, công nghệ hiện đại và đào tạo cán bộ trình độ cao.
Tội phạm sử dụng công nghệ cao gắn liền với sự bùng nổ của công nghệ thông tin và viễn thông. Cùng với xu thế mới của thời đại, tội phạm sử dụng công nghệ cao sẽ tiếp tục gia tăng. Chính vì vậy, cần tổ chức thực hiện một cách đồng bộ các giải pháp cơ bản trên đây nhằm nâng cao hiệu quả cuộc đấu tranh phòng, chống loại tội phạm này!
Không chỉ dùng các phương thức thông thường, tội phạm sử dụng công nghệ cao người Trung Quốc còn sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi, liên tục thay đổi để lẩn tránh sự phát hiện của các cơ quan bảo vệ pháp luật. Chỉ cần một cuộc điện thoại vu vơ, bọn tội phạm này có thể lừa được cả tỉ đồng của những nạn nhân nhẹ dạ.
Thiên Minh