Ưu đãi ngư dân
Ngày 7-7, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định về một số chính sách phát triển thủy sản, trong đó quy định các chính sách hỗ trợ về đầu tư, tín dụng, bảo hiểm… cho ngư dân. Đây là lần đầu tiên ngư dân được hưởng những chính sách ưu đãi thiết thực và cụ thể như vậy.
Năng lượng Mới số 338
Hơn chục năm về trước, nhà nước cũng đã có chính sách hỗ trợ ngư dân vay vốn đóng tàu đánh bắt xa bờ. Nhưng tiền vay ngân hàng với lãi suất vẫn cao và thời hạn vay ngắn, hơn nữa, khi gặp rủi ro, bất khả kháng thì ngư dân vẫn phải chịu hoàn trả toàn bộ số vốn vay đó; họ lâm vào cảnh nặng nợ, bần cùng. Đồng thời, hạn mức vay cũng thấp, không đủ đóng tàu to, vỏ thép, công suất lớn nên khả năng vươn khơi và đánh bắt dài ngày cũng bị hạn chế.
Đánh bắt xa bờ mang lại nguồn lợi hải sản lớn, nhất là đối với việc đánh bắt cá ngừ đại dương. Nhưng suốt mấy chục năm qua, cả cơ quan quản lý và bà con ngư dân chỉ biết nhìn nguồn lợi lớn ấy rơi vào tay các đội tàu cá nước ngoài. Không có tàu lớn lại thiếu cả đội tàu dịch vụ hậu cần, thiếu cảng cá, “cái khó bó cái khôn”. Như vậy, mỗi năm nước ta mất đi hàng tỉ USD từ xuất khẩu hải sản bởi “cá ao nhà” mà bị “hàng xóm” đánh bắt mất.
Từ tháng 8-2014 này, chính sách mới do Chính phủ vừa ban hành sẽ đi vào cuộc sống, mở ra cho ngư dân con đường mới thênh thang để bước vào thời kỳ sản xuất công nghiệp hơn, hiện đại hơn.
Theo chính sách đó, chủ tàu đóng mới tàu vỏ thép làm dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ có công suất máy chính 400 sức ngựa trở lên được vay vốn ngân hàng thương mại tối đa 95% tổng giá trị đầu tư đóng mới với lãi suất 7%/năm, trong đó chủ tàu trả 1%/năm, ngân sách Nhà nước cấp bù 6%/năm. Đối với chủ tàu đóng mới tàu vỏ gỗ được vay tối đa 70% tổng giá trị đầu tư đóng mới, với lãi suất 7%/năm, trong đó chủ tàu trả 3%/năm, ngân sách Nhà nước cấp bù 4%/năm.
Đối với chủ tàu đóng mới tàu hải sản xa bờ vỏ thép có công suất từ 400CV đến dưới 800CV được vay tối đa 90% tổng giá trị đầu tư đóng mới với lãi suất 7%/năm, trong đó chủ tàu trả 2%/năm, ngân sách Nhà nước cấp bù 5%/năm. Những chủ tàu đóng mới tàu vỏ thép có công suất từ 800CV trở lên, được vay tối đa 95% tổng giá trị đầu tư đóng mới tàu với lãi suất 7%/năm, trong đó chủ tàu trả 1%/năm, ngân sách Nhà nước cấp bù 6%/năm. Thời hạn cho vay sẽ kéo dài trong 11 năm, trong đó năm đầu tiên chủ tàu được miễn lãi và chưa phải trả nợ gốc. Chủ tàu được thế chấp giá trị tài sản hình thành từ vốn vay làm tài sản để đảm bảo khoản vay. Trong trường hợp chủ tàu gặp rủi ro do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng, tùy từng trường hợp, chủ tàu được ngân hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ và được xử lý theo hợp đồng bảo hiểm.
Ngư dân còn được hỗ trợ 100% kinh phí mua bảo hiểm tai nạn thuyền viên cho mỗi thuyền viên làm việc trên tàu. Đồng thời hỗ trợ hằng năm kinh phí mua bảo hiểm thân tàu, trang thiết bị, ngư lưới cụ trên mỗi tàu với mức: 70-90% kinh phí. Chính phủ cũng miễn thuế tài nguyên, thuế môn bài, tiền thuê đất, thuê mặt nước, thuế thu nhập và thuế nhập khẩu đối cho các cá nhân và doanh nghiệp khai thác và nuôi trồng thủy sản. Đi cùng với việc hỗ trợ toàn bộ chi phí đào tạo thuyền viên trên tàu vỏ thép, chi phí thiết kế, duy tu và sửa chữa tàu vỏ thép có công suất từ 400CV trở lên.
Ngư dân hoạt động đánh bắt hải sản trên biển lâu nay vốn nặng nhọc, vất vả và nguy hiểm nhưng vẫn nghèo khó. Hàng vạn hộ ngư dân được xếp vào diện nghèo và cận nghèo. Họ yêu biển, bám biển suốt ngày đêm, cả cuộc đời nhưng vẫn chưa thoát cảnh lo miếng cơm, manh áo và việc học hành cho con trẻ. Muốn vươn khơi đánh bắt hải sản để tăng thu nhập thoát nghèo nhưng thiếu vốn đầu tư đóng tàu và mua sắm ngư cụ luôn luôn đeo bám trong tâm trí họ. Hôm nay, chính sách mới mở ra, ước mơ lâu đời của họ sắp trở thành hiện thực. Họ sẽ yên tâm bám biển dài ngày, góp phần quan trọng vào việc bảo vệ và gìn giữ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
2. Một tin vui nữa vừa đến là Vinaphone công bố gói cước biển đảo dành cho ngư dân Việt Nam. Để hỗ trợ ngư dân yên tâm bám biển, giữ vững ngư trường và thuận tiện trong việc liên lạc với người thân, cũng trong ngày 7-7, tại Hà Nội, Vinaphone chính thức công bố gói cước mới có tên “Gói cước Biển đảo”.
Khi sử dụng “Gói cước Biển đảo” khách hàng là ngư dân sẽ được hưởng các khuyến mại đặc biệt như tặng ngay 50.000 đồng sau khi kích hoạt 30.000 đồng/tháng trong 11 tháng tiếp theo, mỗi tháng được tặng 50MB Data; ngoài ra khách hàng còn được tặng 100% giá trị cho thẻ nạp đầu tiên, 50% giá trị cho 5 thẻ kế tiếp và thời gian sử dụng được khuyến mại lên đến 180 ngày.
Ngoài ra, khách hàng còn được cung cấp các gói thông tin miễn phí như thời tiết, thông tin về tình hình an ninh, trật tự trên biển và các tỉnh ven biển, các thông tin tư vấn hữu ích để nâng cao hiệu quả đánh bắt, bảo quản hải sản…
Gói cước còn cung cấp thêm tính năng cộng đồng khi đăng ký gọi theo nhóm. Chỉ cần soạn tin nhắn CDBD gửi 900, khách hàng sẽ được hưởng mức cước 345 đồng/phút và miễn được phí 3 tháng cước thuê bao. Trong các trường hợp cần thông báo tin tức khẩn cấp cho nhau, tính năng gửi SMS nhóm sẽ là phương pháp hỗ trợ đắc lực cho các ngư dân (mỗi nhóm thuê bao được đăng ký tối đa 30 thành viên).
Tàu cá vỏ thép
Để bảo đảm cho ngư dân có thể sử dụng dịch vụ viễn thông, Vinaphone đã lắp đặt hơn 1.000 trạm thu phát sóng dọc bờ biển và các hải đảo. Các trạm thu phát sóng này có độ phủ sóng xa tới 40 hải lý.
Nếu như trước đây, trong những chuyến ra khơi dài ngày, radio là phương tiện duy nhất để ngư dân có thể nghe các thông tin thời tiết biển hay việc chủ động liên lạc với kiểm ngư cũng như người thân là điều vô cùng khó, thì nay, với “Gói cước Biển đảo” của Vinaphone, những việc ấy sẽ trở nên thuận tiện và đơn giản. Thông tin liên lạc thông suốt sẽ rất hữu ích cho ngư dân, đặc biệt vào mùa mưa bão với những diễn biến ngày càng phức tạp, bất thường. Với vùng phủ sóng rộng, thông suốt trên biển cũng như đất liền, sóng của Vinaphone sẽ giúp nâng cao đời sống của ngư dân cũng như sự phát triển kinh tế - xã hội.
Bao năm qua, chỉ vì thiếu phương tiện thông tin liên lạc với đất liền mà mỗi khi tàu thuyền ngư dân gặp nạn ngoài khơi, tính mạng của hàng trăm con người đã bị đe dọa. Có khi chỉ vì hỏng máy, tàu trôi dạt nhiều ngày trên biển, hết nước ngọt và lương thực, ngư dân đành chịu chờ cái chết đến từ từ. Có khi gặp giông tố, bão táp, tàu bị lật chìm; không liên lạc được với lực lượng cứu hộ, ngư dân cũng làm mồi cho cá biển. Vì vậy, với phương tiện viễn thông hiện đại, vật bất ly thân ấy sẽ giúp ngư dân gần gũi hơn với đất liền và nếu xảy ra bất cứ sự cố gì, họ cũng kịp thời được ứng cứu.
Được vay vốn ưu đãi đóng mới tàu thuyền và mua sắm ngư cụ, được trang bị phương tiện thông tin hiện đại, ngư dân như được tiếp thêm sức mạnh và tạo động lực mới để vươn khơi, bám biển dài ngày. Họ cũng là lực lượng hùng hậu sát cánh cùng cảnh sát biển và kiểm ngư bảo vệ vững chắc hơn chủ quyền biển đảo.
Bùi Đức