“Đại gia” mua 100 tàu cá ra Biển Đông đã lường trước những rủi ro
Ông Phạm Ngọc Lâm, Chủ tịch Tập đoàn Đức Khải khẳng định: “Ý tưởng đầu tư 100 tàu cá ra biển khơi được hình thành trước khi xảy ra sự kiện Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào Biển Đông, xâm phạm vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam”.
>> Vì sao "đại gia" mua 100 tàu cá từ bỏ ý định sắm 2 máy bay trực thăng
“Đời người ai không từng vấp ngã?”
Các dự án bất động sản trước đây, ông Lâm đầu tư vào để triển khai phải quyết tâm rất cao. Trong 3 năm liền ở thời điểm thị trường bất động sản đóng băng nên gặp nhiều khó khăn trở ngại. Bằng tất cả sự ủng hộ của nhân viên Tập đoàn đã giúp vị đại gia này vượt qua tất cả và có được như ngày hôm nay. Các dự án của Tập đoàn Đức Khải đã triển khai hoàn thành đúng mục tiêu đề ra theo đúng tiêu chí và tiêu chuẩn.
Câu chuyện của ngành đánh bắt cá cũng vậy. Ông Lâm một lần nữa tái khẳng định, đưa ra đề án không phải quảng bá hình ảnh, quảng bá thương hiệu mà chỉ muốn thực hiện một cách thành công. Vị đại gia này cũng đã nhận được nhiều góp ý về việc ngư dân đánh bắt cá thường xuyên bị Trung Quốc quấy rối, bắt bớ hay ủi vào tàu của mình. Mọi vấn đề đều nằm trong giả định của vị chủ nghiệp đoàn đánh bắt cá.
Ông Phạm Ngọc Lâm nói về đề án mua 100 tàu cá, ụ nổi và máy bay.
Trong đề án trình chính phủ ông Lâm cũng nói rõ việc đầu tư “100 tàu đánh cá” gặp một số rủi ro như trên để có những giải pháp tháo gỡ. Ông Lâm trò chuyện một cách đầy tự tin: ‘”Tôi muốn khẳng định điều này hoàn toàn có thể xảy ra nhưng tình huống trên nhiều khi cũng không dễ đến. Tôi tin tưởng vào lực lượng Cảnh sát biển, kiểm ngư bảo vệ trong quá trình đánh bắt trên vùng biển thuộc đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Tôi cũng đã đưa ra những phương pháp riêng cho mình bằng cách tránh những va chạm không cần thiết”.
Trở lại câu chuyện từng dự tính mua trực thăng, ông Lâm muốn trấn an người lao động: “Nếu xảy ra những rủi ro thì cứ cố gắng ôm phao. Trong vòng nửa tiếng đồng hồ sẽ có trực thăng đến cứu và tránh được khả năng thiệt mạng”. Thậm chí, trực thăng còn có khả năng đưa ngư dân đến bệnh viện để cấp cứu một cách kịp thời. Trong đề án này, ông Lâm đã tính toán đến cả những tình huống xấu nhất có thể xảy ra và tìm cách giảm thiểu rủi ro một cách tốt nhất.
Ông Lâm nói một cách cởi mở: “Dư luận cũng có 2 chiều, có mặt trái và có cả mặt phải. Tôi luôn nhìn nhận những mặt trái mà dư luận dành cho tôi để biết chấp nhận và vượt lên tất cả. Tôi không sợ bất kỳ điều gì, quá khứ của tôi thì ai cũng biết và tôi cũng không cần phải kể khổ. Cuộc đời này ai mà chẳng có một quá khứ”. Vị đại gia phân tích: “Có những cái quá khứ ấy để giúp cho họ vươn lên bằng chính nghị lực của mình để hướng đến tương lai. Có ai dám khẳng định với tôi rằng trong quá khứ tất cả chúng ta đều tốt hết đâu”.
Có những điều chúng ta vấp phải rồi té ngã nhưng có thể đứng lên được hay không thôi. Còn hôm nay, ông Phạm Ngọc Lâm, Chủ tịch Tập đoàn Đức Khải là một doanh nhân và chỉ mong muốn tiếp tục đạt được thành công khi bước chân vào ngư trường giữa biển lớn.
“Bí quyết” bất ngờ từ ụ nổi giữa biển khơi
Từ một doanh nhân có mối quan hệ kinh tế với các thương gia Nhật Bản, ông Lâm nhanh chóng tìm được đầu mối để cung ứng cá xuất khẩu. Uy tín của một thương gia Việt Nam phân phối độc quyền cho hàng điện tử Toshiba càng làm cho thương lái tại Nhật dễ “gần” hơn.
Ông Phạm Ngoc Lâm chia sẻ, một sản phẩm quan trọng nhất vẫn là đầu ra. Đối với thị trường Nhật Bản, cá ngừ đại dương được bạn hàng hứa bao tiêu số lượng không giới hạn. Nhưng đầu ra phải đáp ứng 2 điều kiện tiên quyết là đảm bảo sơ chế, phân loại đáp ứng được yêu cầu. Kế đến, cá ngừ bảo quản quá 10 ngày sẽ không đạt chất lượng như mong muốn. Giới kinh doanh cá ngừ tại Nhật Bản đưa ra yêu cầu chỉ được bảo quản từ 5 đến 6 ngày là phải xuất ngay để đưa vào các cơ sở chế biến.
Một trong những chiếc tàu cá đầu tiên của ông Lâm sẽ về Việt Nam.
Thị trường thủy sản Nhật Bản đòi hỏi khắt khe về việc bảo quản thực phẩm. Từ những thiếu sót, ông Lâm tìm cách khắc phục được những yêu cầu khắc khe trên. Ụ nổi ngoài khơi sẽ tiếp nhận sản phẩm để bảo quản và đưa đi tiêu thụ. Tiêu thụ ở đây không đơn giản là bắt lên và mang đi bán. Trong khâu bảo quản, các chuyên gia Nhật Bản đã nhận lời hỗ trợ nghiệp đoàn cá của ông Lâm trong vòng 6 tháng đầu tiên để làm nền tảng đặt chân vào thị trường đầy “khó tính” này. Các chuyên gia sẽ hỗ trợ từ việc phân loại cá ngừ và sơ chế theo đúng tiêu chuẩn.
Những công đoạn trên sẽ được làm trực tiếp trên ụ nổi. Sau đó, các tàu hàng được điều tàu ra bốc cá đã sơ chế và xuất thẳng sang Nhật Bản. Để làm được việc trên, ông Lâm khẳng định, chỉ cần cơ chế hỗ trợ tại trạm để xuất hàng ra nước ngoài. Hai u nổi này nói cho dễ hiểu là được ông Phạm Ngọc Lâm mua tàu cũ rồi tân trang lại để làm trạm trung chuyển.
Những ụ nổi sẽ được đặt tại ngư trường và ngoài biển khơi. Đây cũng là nơi tiếp tế dầu, lương thực cho các thuyền viên trên biển. “Tôi đã tính toán tất cả từ khi hình thành đề án, cơ cấu làm việc cho đến quy trình và phát sinh ra nhiều vấn đề. Kể cả việc ngư dân không phải nghiệp đoàn mắc nạn tấp vào u nổi để xin tiếp tế dầu, lương thực khi cần sự hỗ trợ. Ngay khi trường hợp, người dân bán cá cho ụ nổi của tôi trên biển thì vô hình chung đã “biến tướng” thành dịch vụ thu gom cá”, ông Lâm phân tích.
Trong câu chuyện này, vị đại gia muốn nói đến yếu tố có nhiều thuận lợi, có nhiều khó khăn khác chứ không đơn giản “làm là được và làm là thành công”. Ông Lâm nói đến sự quyết tâm đầu tư đoàn tàu đánh cá 100 chiếc ra ngư trường bám biển và nhất định phải làm được: “Nếu gặp khó khăn thì tôi sẽ khắc phục bằng chính thực tế của mình chứ ngồi chờ đợi một điều may mắn sẽ đến thì không thể”
Khi đặt ra đề án mua “100 tàu cá” bản thân ông Phạm Ngọc Lâm và Tập đoàn Đức Khải rất trăn trở. Từ chuyện nó sẽ có tác động về ý thức và tư tưởng của người đi tiên phong. Vị đại gia cũng đặt ra tình huống giả định, nếu làm không tốt thì chắc chắn sau này sẽ là cả một vấn đề của dư luận quan tâm nên phải cố gắng làm cho tốt.
(Còn tiếp)
Đỗ Hưng