Vietinbank được tăng vốn
Trong gần 5.000 tỉ đồng thu được từ phương án tăng vốn điều lệ, Vietinbank sẽ dùng 1.823 tỉ đồng để tăng cường tín dụng, 1.000 tỉ đồng để mở rộng mạng lưới, 850 tỉ đồng đầu tư cơ sở vật chất, công nghệ, phát triển dịch vụ mới và 900 tỉ đồng mở rộng hoạt động đầu tư liên doanh, góp vốn…
Ngày 08/7/2014, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) có Quyết định về việc sửa đổi nội dung Giấy phép thành lập và hoạt động của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) với nội dung liên quan đến vốn điều lệ.
Trong Giấy phép thành lập và hoạt động do Thống đốc NHNN (sửa đổi) cấp cho Vietinbank, từ ngày 8/7, vốn điều lệ của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam là hơn 37.234 tỉ đồng, thay vì hơn 32.661 tỉ đồng.
Đại diện lãnh đạo VTB nhận giải thưởng NH cung cấp dịch vụ Tài trợ thương mại tốt nhất Việt Nam
Trước đó, giữa năm 2013, Thống đốc NHNN đã ban hành văn bản số 5832/NHNN-TTGSNH chấp thuận đề nghị được tăng vốn điều lệ thông qua phát hành thêm cổ phần cho cổ đông hiện hữu của Vietinbank.
Cụ thể, Thống đốc chấp thuận việc Vietinbank tăng vốn điều lệ theo phương án tăng vốn điều lệ đã được đại hội đồng cổ đông bất thường lần 2 năm 2013 của Vietinbank thông qua ngày 13/7/2013.
Văn bản này có hiệu lực trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày ký. Trường hợp việc tăng vốn điều lệ chưa hoàn tất trong thời hạn cho phép, nếu đại hội đồng cổ đông Vietinbank thông qua việc thay đổi phương án tăng vốn điều lệ đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận, văn bản này hết hiệu lực pháp lý.
Như vậy, Vietinbank đã hoàn tất thủ tục tăng vốn điều lệ trong thời hạn cho phép của mình.
Tỷ lệ sở hữu của các cổ đông sau khi Vietinbank hoàn thành việc tăng vốn, dự kiến: cổ đông nhà nước nắm giữ 64,46%, cổ đông chiến lược nước ngoài Bank of Tokyo Mitsubishi UFJ (BTMU) nắm giữ 19,73% và cổ đông khác nắm giữ 15,81%.
Lê Tùng