Brazil và "công nghệ" xuất khẩu cầu thủ bóng đá
Nhắc đến Brazil, người ta biết đến ba “đặc sản”: đậu nành, cà phê và cầu thủ. Nhưng khi ngành công nghiệp xuất khẩu cầu thủ của Brazil phát triển thì đấy cũng là lúc phát sinh nhiều vấn đề pháp lý.
Diego Costa đang khoác áo cho CLB Atletico Madrid (Tây Ban Nha)
Cứ mỗi năm trôi qua, số lượng cầu thủ từ Brazil chuyển ra nước ngoài thi đấu với nhiều cấp độ khác nhau cứ tăng dần. Năm ngoái, họ đã có 1.085 cầu thủ được cấp phép ra nước ngoài thi đấu, tăng đến 8,4% so với năm trước. Thống kê cho thấy số lượng cầu thủ ra nước ngoài trong năm 2013 gấp hai lần so với 10 năm gần đây và gấp 13 lần so với 30 năm qua.
Nhiều cầu thủ Brazil thi đấu cho các câu lạc bộ châu Âu cũng là lẽ thường tình. Nhưng sau mỗi mùa bóng, một số cầu thủ đó quyết định ở lại và khoác lên mình màu áo đội tuyển của quốc gia đón nhận. Giống như lời tâm sự của Diego Costa, những gì anh trải qua và đã làm với Atletico Madrid (Tây Ban Nha) đã để lại nhiều tình cảm sâu đậm với con người và đất nước Tây Ban Nha.
Nhưng có lẽ sự chọn lựa này lại là một sự kém may mắn. Không những Tây Ban Nha thua tan tác bị loại khỏi Cúp bóng đá 2014, mà Diego Costa còn bị công luận Brazil trách mắng thậm tệ là một “kẻ phản bội”.
Không chỉ riêng Diego Costa, nhiều cầu thủ Brazil khoác áo quốc gia khác cũng bị chỉ trích. Theo quy định của FIFA, hai năm cư ngụ tại một quốc gia đủ để có được một quốc tịch thể thao. Theo giải thích của một nhà địa lý học thuộc Trung tâm nghiên cứu quốc tế Thể thao tại Neuchatel, Brazil là quốc gia xuất khẩu cầu thủ hàng đầu thế giới.
Châu Âu vẫn là miền đất hứa cho các cầu thủ Brazil đổi đời khi có đến 762 cầu thủ góp mặt. Châu Á đứng thứ nhì với 222 cầu thủ. Có 105 cầu thủ đến các nước trong khu vực Nam Mỹ, 69 cầu thủ góp mặt ở khu vực Bắc Trung Mỹ và châu Phi chỉ có 15 cầu thủ.
Giải thích cho hiện tượng này, một giáo sư địa lý học tại La Rochelle (Pháp) cho rằng “mô hình kinh tế chính của các câu lạc bộ Brazil là bán cầu thủ của mình cho các câu lạc bộ nước ngoài, đôi khi ngay từ rất sớm. Nếu như cầu thủ trở thành một sản phẩm, thì công tác đào tạo cũng có thể xem như là một hoạt động sản xuất”.
Gislaine Nunes - “Bà mẹ” của các cầu thủ bóng đá Brazil
Khi việc buôn bán cầu thủ trở thành một ngành công nghiệp đem lại nhiều tỷ ngoại tệ cho Brazil thì đấy cũng là lúc phát sinh nhiều vấn đề pháp lý.
Ở Brazil, bà Gislaine Nunes, luật sư nổi tiếng chuyên biện hộ cho các cầu thủ bóng đá, trong đó có các thân chủ nổi tiếng như “Vua Pelé” hay Ronaldinho. Bà được mệnh danh là “Bà mẹ” của các cầu thủ bóng đá Brazil.
Kết hôn với một cầu thủ, hậu vệ cánh trái Evandro, vốn là người yêu từ thuở nhỏ vào năm 1988 lúc 21 tuổi, Gislaine Nunes theo học luật nhưng không có mục tiêu cụ thể. Cho đến khi người chồng bị chấn thương không thể tham gia các trận đấu, không còn thu nhập nhưng cũng không có quyền bỏ sang các đội khác do vẫn thuộc sở hữu của câu lạc bộ mình – một thông lệ có tại Brazil từ nhiều thập kỷ qua, bà mới khuyến khích chồng đi kiện, sau khi đã bán tháo đồ đạc trong nhà để sống cầm hơi.
Bản thân Gislaine đứng ra biện hộ, viện dẫn điều 5 Hiến pháp Brazil theo đó người lao động có quyền tự do, nhắc nhở hai nguyên tắc căn bản: chồng bà có quyền làm việc và bà có quyền sống. Thắng kiện, bà trở nên nổi tiếng. Thủ môn đội bóng của Evandro giao phó hồ sơ cho bà. Thắng kiện. Nghiệp đoàn các cầu thủ nhờ đến bà, lại thắng.
Đến nay, Ghislaine Nunes đã biện hộ cho trên một nghìn cầu thủ Brazil. Thân chủ của bà có cả Vua Pelé, người đã gọi bà là “nữ hoàng” của bộ luật mang tên ông, quy định rằng sau ba năm, cầu thủ trở nên tự do, và có thể ký kết hợp đồng thời hạn tối đa 5 năm.
Gislaine cho biết: “Mỗi lần gặp các cầu thủ, đôi khi tôi có cảm tưởng nhìn thấy lại chồng tôi hồi trước. Cho đến nay, lãnh đạo các câu lạc bộ vẫn coi là họ nắm quyền tối thượng đối với những cầu thủ mà họ mua về”.
S.Phương