Lãi suất bao nhiêu là hợp lý?
(Petrotimes) - Trong những ngày qua, lãi suất ngân hàng là vấn đề được doanh nghiệp và dư luận nhân dân quan tâm hơn cả. Có vẻ như nút thắt của nguyên nhân làm nên sự trì trệ lâu nay đã được tìm ra và sẵn sàng cho một cuộc cách mạng…
Lãi suất cho vay sớm hạ xuống dưới 10%?
Giới ngân hàng đang bàn luận việc: Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ tiếp tục hạ lãi suất ngay trong Quý III này. Tất nhiên còn chờ thực tế trả lời, tuy nhiên thông tin trên cũng rất đáng chú ý, bởi lâu nay thường khi giới “chuyên nghiệp” đã đồn thì rất ít khi... trượt. Đây cũng là viễn cảnh nhiều chuyên gia kinh tế mong muốn, bởi khi lạm phát đã 90% được khống chế thành công thì nên cởi nút thắt lãi suất để giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất.
Anh Lê Hồ Bắc, chủ một doanh nghiệp thêu may xuất khẩu hoạt động cầm chừng 3-4 năm nay than thở: “Lúc bí doanh nghiệp nào chẳng hăm hở lao đến ngân hàng. Nhưng rồi cứ nghe những gì cán bộ tín dụng “phán”, khách hàng có thể hiểu rằng, hiện tại nhà băng chỉ mang tiền ra đếm rồi hết giờ lại cất gọn trong két sắt. Họ lo lắng một cách khó hiểu”. Như hàng trăm nghìn doanh nghiệp nhỏ và vừa khác, doanh nghiệp của anh Bắc cũng từng cầm cố chính nhà xưởng để bắt đầu sự nghiệp. Nhưng tất nhiên tài sản hữu hình đó chỉ xài được một lần. Để duy trì sản xuất bằng nguồn vốn từ ngân hàng, lại cần đến tài sản vô hình (mối quan hệ) - điều mà không phải doanh nghiệp nào cũng sẵn sàng chi phụ phí để thiết lập với nhà băng.
Giao dịch tại Ngân hàng Oceanbank
Xuất phát điểm của nền kinh tế chúng ta thấp, tích lũy nội tại của nền kinh tế và của doanh nghiệp yếu, nên dựa vào vốn ngân hàng là chủ yếu, điều đó không có gì lạ. Vấn đề quan trọng là doanh nghiệp sử dụng đồng vốn ấy có hiệu quả không, chứ không phải là cái gì để đảm bảo cho khoản vay ấy?! “Tôi đồng ý là Chính phủ đang đưa lãi suất về mức giúp doanh nghiệp dễ thở hơn. Tuy nhiên, lãi suất hiện tại chỉ giải thoát trong lúc khó khăn, lãi suất còn phải giảm mạnh nữa để tiếp tục thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đưa nền kinh tế vĩ mô trở lại quỹ đạo vốn có”, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh chia sẻ với phóng viên Báo Năng lượng Mới.
Từ cuối năm 2008 đến Quý I năm nay, doanh nghiệp Việt Nam phải vay vốn ngân hàng với lãi suất bình quân khoảng 20% năm. Lãi suất như thế sẽ không thể giúp hàng hóa Việt Nam cạnh tranh được với các doanh nghiệp thế giới hay các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không? Đã thế năm 2011 động tác công bố lãi khủng từ CEO ngân hàng với hàng chục nghìn tỉ đồng toàn hệ thống khiến các doanh nghiệp càng héo hon. Trong 10 chủ doanh nghiệp được hỏi, thì hết 9 chỉ mong ngân hàng lãi ít, trên chi phí thường xuyên một chút, để bù lại hàng ngàn doanh nghiệp khác đang hoạt động cũng có lãi tí ti, từ đó trở thành động lực cho nền kinh tế.
Bởi thế trong bối cảnh các kênh đầu tư khác (vàng, ngoại tệ, chứng khoán, BĐS...) đang bị khống chế và chịu nhiều rủi ro như hiện tại, người dân cũng khó có thể tìm được nơi trú ẩn an toàn cho khoản tiền tiết kiệm của mình, kể cả khi lãi suất huy động xuống 5-6%/năm cho trung hạn. Như vậy, nếu cứ theo mốc 9% mà NHNN đang áp dụng hiện tại, doanh nghiệp còn phải chờ ít nhất 2-3 đợt giảm lãi suất mang tính cách mạng nữa.
Ngân hàng quay lưng với doanh nghiệp?
Nhiều doanh nghiệp phàn nàn rằng, việc định giá tài sản thế chấp lúc này của ngân hàng khắt khe hơn trước. Anh Bắc, chủ doanh nghiệp phàn nàn, giá trị tài sản bị định giá ngày càng thấp, khiến số lượng tài sản dùng để thế chấp tăng. Điều đó đồng nghĩa doanh nghiệp sẽ phải trả nhiều tiền hơn cho các loại phụ phí đi kèm. Bởi vậy, chỉ riêng khoản tài sản thế chấp đã lằng nhằng, nên không có gì ngạc nhiên khi doanh nghiệp nhận được tờ hóa đơn có vài cái gạch đầu dòng khiến lãi suất thực doanh nghiệp phải trả lên tới gần 20%/năm chứ không phải 15%.
Vấn đề xử lý nợ xấu nhưng ngân hàng không quên nhiệm vụ chính - cung cấp tín dụng với lãi suất giảm dần đều cũng đã được Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình chia sẻ trong buổi gặp mặt cộng đồng doanh nghiệp TP HCM gần đây. Thống đốc cho biết, đây cũng là mong muốn của Chính phủ và NHNN. “Nếu lạm phát năm nay dưới 7%, thì cuối năm, lãi suất huy động sẽ giảm xuống 8%. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, không thể giảm lãi suất huy động quá mạnh, vì có thể người dân sẽ không gửi tiết kiệm, bất chấp việc chấp nhận không đầu tư vào các kênh khác. Như vậy, ngân hàng khó huy động để cho vay. Do đó, lãi suất đầu vào có thể sẽ giảm thêm chút nữa, song phải hết sức thận trọng”, Thống đốc nhấn mạnh.
Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng cho rằng, giảm lãi suất huy động sẽ tạo điều kiện để lãi suất cho vay giảm. Tuy nhiên, lúc này, chưa có điều kiện giảm ngay, vì một số ngân hàng thời gian qua đã huy động cao, nên chưa tiêu thụ hết vốn giá cao. Theo đánh giá của TS Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, có khả năng đưa lãi suất xuống 10%, nếu thực hiện tốt ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế ổn định lạm phát, nhưng ít nhất cũng phải sang năm tới. Lý do là, khi trần lãi suất huy động giảm sâu thì các kênh đầu tư khác trở nên hấp dẫn hơn đối với những người có tiền nhàn rỗi. Trong đó, với giá bất động sản đã rất thấp hiện nay, có người sẽ nghĩ đến phương án rút tiền tiết kiệm để mua nhà (với nhu cầu thực). Đến cuối năm nay, lạm phát có thể xuống 8%, song lãi suất huy động vốn ở mức 9% là phù hợp, không nên giảm quá sâu.
Xung quanh yêu cầu của Thống đốc NHNN mới đây với các tổ chức tín dụng điều chỉnh giảm lãi suất các khoản cho vay cũ về mức tối đa là 15%/năm, nhiều ngân hàng đã, đang thực hiện chỉ đạo này, thậm chí còn tung ra nhiều chương trình cho vay với lãi suất ưu đãi, nhưng tất nhiên có điều kiện kèm theo. Thậm chí, từ tháng 8/2012, một số ngân hàng thương mại đang bắt đầu rục rịch tăng lãi suất huy động kỳ hạn dài. Có lẽ các ngân hàng đã quá thấm nỗi khổ của việc sử dụng nguồn vốn ngắn, trung và dài hạn sai mục đích. Trên nguyên tắc cho vay trung, dài hạn, ngân hàng phải có nguồn vốn dài hạn và đã tiên liệu được trước lãi suất của khoản vay đó. Ví dụ: với những khoản vay từ 2009, 2010 với lãi suất chỉ 13,5%, 14%/năm, trong thời điểm hiện nay ngân hàng không thể bắt khách hàng chịu mức 19, 20%/năm. Ngân hàng lấy huy động ngắn hạn để cho vay dài hạn và luôn bắt khách hàng phải gánh chịu những khoản chênh lệch do nghiệp vụ kinh doanh liều lĩnh của mình gây ra. Đó là lý do vì sao nhiều ngân hàng vẫn không thể giảm thêm lãi suất nợ cũ về dưới 15%/năm, dù huy động đã về 9%/năm cách đây 2 tháng. Ngoài ra, nhiều ngân hàng còn thua lỗ do đầu tư vào các lĩnh vực như chứng khoán, bất động sản, bộ máy cồng kềnh… đã dẫn đến nợ xấu. Nếu cân bằng được hai vấn đề này, giảm lãi suất lúc này là liều thuốc kịp thời cứu cho cả ngân hàng và doanh nghiệp.
Hữu Tùng
(Năng lượng Mới số 146, ra thứ Ba ngày 14/8/2012)