Huy động vốn đầu tư lâu dài
Hiện nay, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đang tập trung cho các dự án trọng điểm và tổ chức huy động vốn đầu tư cho những năm tiếp theo với mức đầu tư mỗi năm từ 25-30 nghìn tỉ đồng. Đây là một con số không nhỏ trong điều kiện khai thác khó khăn hiện nay. Và TKV sẽ làm gì để duy trì được nguồn vốn nêu trên?
Năng lượng Mới số 334
Nhu cầu vốn lớn
Đây cũng là vấn đề nóng được thảo luận sôi nổi tại hội thảo tài chính về chiến lược và giải pháp huy động vốn phát triển ngành than - khoáng sản và năng lượng đến năm 2020 vừa được tổ chức tại Ninh Bình. Hội thảo có sự tham gia của hầu hết các đối tác ngân hàng có uy tín trong nước và quốc tế. Theo kế hoạch, từ nay cho đến năm 2020, mỗi năm TKV cần từ 25-30 nghìn tỉ đồng để đầu tư (trong đó, riêng than chiếm 60-70% lượng vốn). Con số này sẽ là một thách thức thực sự đối với Tập đoàn. Trong đó, vốn vay thương mại chiếm từ 70-80% tổng vốn đầu tư, tương đương 0,8-1,2 tỉ USD/năm. Vốn chủ sở hữu chiếm 20% tổng giá trị đầu tư. Đầu tư vào than trong vòng 3-4 năm tới cần nguồn vốn đáng kể, chiếm khoảng 60% tổng nhu cầu đầu tư. Mức vốn đầu tư cho sản xuất than dao động từ 9.000 đến 13.000 tỉ đồng mỗi năm.
Theo tính toán của TKV, để vay được khoảng 1 tỉ USD cho đầu tư phát triển than thì ngành than cũng phải có ít nhất 30% vốn đối ứng. Đây là những khó khăn mà ngành than phải đương đầu. Do vậy, bên cạnh phấn đấu gia tăng vốn tự có (vốn chủ sở hữu), hiện TKV đang tích cực triển khai xã hội hóa đầu tư để thu hút các thành phần kinh tế khác tham gia đầu tư, giảm nguồn vốn đầu tư cho Nhà nước. Hiện nay, ngành than không chỉ khai thác ở mức -100m, -200m mà bằng công nghệ lò giếng đứng đã xuống sâu mức -300m, -400m, thậm chí là -500m so với mặt nước biển. Như vậy, nhu cầu về vốn, thiết bị kỹ thuật đầu tư dự án ngày càng lớn trong điều kiện khai thác ngày càng khó khăn, phức tạp.
Tương ứng như vậy thì giá thành ngày một cao, kể cả các mỏ lộ thiên hiện nay cũng đã vượt ngưỡng giới hạn giá thành để chuyển sang khai thác hầm lò. Điều đó cho thấy, nhiều mỏ lộ thiên giá thành đã bằng, thậm chí còn cao hơn giá thành khai thác than hầm lò. Nhưng để chuyển được từ lộ thiên sang hầm lò cũng không phải là câu chuyện đơn giản, khi mà số lượng công nhân lao động khai thác lộ thiên lên đến hàng nghìn người.
Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam ký thỏa thuận hợp tác toàn diện với Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam
Nguồn thu quan trọng từ điện
Hiện nay, nhu cầu đầu tư vào than chủ yếu để phát triển các mỏ than mới cũng như mở rộng, nâng công suất các mỏ hiện đại, đáp ứng nhu cầu than trong nước là rất cần thiết. Các dự án đầu tư vào lĩnh vực than lớn như: Dự án mỏ hầm lò Núi Béo, công suất 2 triệu tấn/năm; dự án Khe Chàm III, công suất 2,5 triệu tấn/năm; Dự án than Hà Lầm công suất 2,4 triệu tấn/năm; Dự án Khe Chàm II-IV công suất 3,5 triệu tấn/năm và Dự án Mạo Khê 2 triệu tấn/năm…
Kế đó là nhu cầu vốn cho sản xuất điện cũng tăng cao từ năm 2018 trở đi, từ 14.000-16.000 tỉ đồng mỗi năm. Cùng với các lĩnh vực kinh doanh khác, TKV xác định, đến năm 2015 doanh thu từ sản xuất điện sẽ là nguồn thu quan trọng và sẽ chiếm 1/2 doanh thu của toàn Tập đoàn. Bởi vậy, từ năm 2002, TKV đã cho xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Na Dương tại Lạng Sơn. Hiện, TKV đã có 5 nhà máy đang hoạt động, với tổng công suất phát điện là 1.550MW, chiếm khoảng 6% tổng sản lượng phát điện tại Việt Nam. Các nhà máy nhiệt điện than gồm: Na Dương (110MW), Cao Ngạn (110MW), Sơn Động (220MW), Cẩm Phả I và II (tổng là 670MW), Mạo Khê (440MW). Từ đó, doanh thu từ hoạt động kinh doanh điện của TKV cũng tăng dần trong các năm. Cụ thể, doanh thu điện chiếm 3,18% (năm 2010), 5,67% (năm 2011) và 6,44% (năm 2012) trong tổng doanh thu của các năm tài chính tương ứng. Tuy nhiên, tỷ trọng đầu tư vào lĩnh vực than trong vòng 3 đến 4 năm tới là đáng kể, chiếm khoảng 60% tổng nhu cầu đầu tư để phát triển các mỏ than mới cũng như mở rộng, nâng công suất các mỏ hiện đại, đáp ứng nhu cầu than trong nước.
Hiện nay, TKV đang khai thác và bán nhiều loại than khác nhau. Trong thị trường nội địa, khi xét về doanh thu, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và ngành xi măng là khách hàng quan trọng nhất của TKV, thông qua hợp đồng mua than phục vụ cho các nhà máy nhiệt điện, xi măng của mình. Các ngành vật liệu xây dựng, giấy, hóa chất và phân bón cũng đóng vai trò là khách hàng chủ chốt của Tập đoàn hiện nay. Về xuất khẩu than, TKV đang quản lý toàn bộ hoạt động bán hàng cho khách hàng trên toàn cầu. Khách hàng lớn nhất của đơn vị đều là các quốc gia châu Á. Trong đó, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc chiếm tỷ trọng sản lượng xuất khẩu tương ứng là 82,5%; 7,03% và 6,37%. Còn lại, TKV xuất khẩu than ra các thị trường quốc tế khác, bao gồm châu Âu, Brazil, Australia, Nam Phi và Ai Cập.
Huy động vốn tín dụng
Theo tính toán, các nguồn huy động vốn dự kiến sẽ được mở rộng nhiều kênh khác nhau như vay hợp vốn quốc tế, song phương, vay trong nước, phát hành trái phiếu. Nhưng theo TKV, để linh hoạt và tận dụng hết các kênh vốn vẫn cần nhiều giải pháp thiết thực hơn, Tập đoàn dự kiến có thể kêu gọi vốn đầu tư trong nước và quốc tế dưới hình thức niêm yết thu hút vốn đầu tư trên các sàn giao dịch quốc tế như Australia, Canada. Ngoài ra, Tập đoàn cũng sẽ đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa một số lĩnh vực điện, khoáng sản để tái đầu tư các dự án. Cụ thể, Tập đoàn sẽ chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa 3 tổng công ty lớn là Tổng Công ty Điện lực; Tổng Công ty Khoáng sản và Tổng Công ty Công nghiệp mỏ Việt Bắc. Đồng thời kiên quyết thoái vốn từ các lĩnh vực ngoài ngành để tập trung vào các lĩnh vực đầu tư chính là than, điện, khoáng sản. Các đơn vị sẽ thoái vốn như: Công ty Tài chính Than: 1.000 tỉ đồng; Ngân hàng Thương mại Cổ phần SHB: 318 tỉ đồng; Công ty Cổ phần Chứng khoán SHS: 76 tỉ đồng và Công ty Quản lý. Các đơn vị sẽ thoái vốn như: Quỹ BVIM: 48 tỉ đồng.
Trao đổi về sử dụng nguồn vốn và cơ cấu nguồn vốn, lãnh đạo Tập đoàn cho biết, nguồn vốn huy động được sẽ sử dụng linh hoạt trong từng thời điểm, điều kiện của thị trường. Với các chính sách như trên, Tập đoàn tin tưởng sẽ đảm bảo được mục tiêu huy động vốn là đủ nguồn vốn đáp ứng nhu cầu đầu tư và vốn kinh doanh. Đảm bảo sự cân bằng tài chính, cân đối dòng tiền, khả năng trả nợ và duy trì các hệ số tài chính trong phạm vi cho phép. Đảm bảo tuân thủ các cam kết tài chính, các nghĩa vụ nợ vay đối với các nhà tài trợ vốn và với cơ quan bảo lãnh v.v...
Qua trao đổi về các chính sách như trên, nhiều ngân hàng đã cam kết sẽ có chính sách phù hợp để hợp tác và cùng xây dựng kế hoạch tài chính, thu xếp vốn để TKV có thể hoạch định kế hoạch đầu tư theo đúng lộ trình đầu tư của mình. Các ngân hàng, tổ chức tín dụng đều cam kết đồng hành phát triển cùng Tập đoàn theo tôn chỉ “Hợp tác - Tương hỗ”. Với tất cả các đặc điểm trên, TKV có những lợi thế nhất định trong quá trình thu xếp, cũng như huy động các nguồn vốn để đảm bảo nhu cầu hoạt động của mình.
Nguyễn Kiên