Phận hàng rong
Họ là những người tá túc và lấy thành phố nơi kiếm cơm. Họ là những người bán hàng rong với chiếc mẹt bên hông, đôi quang gánh nặng trĩu trên đôi vai gầy, hoặc với chiếc xe ba gác đẩy ngược xuôi trên mọi nẻo đường. Cuộc sống muôn màu và nỗi nhọc nhằn của họ cũng không kém phần muôn vẻ
Trên nhiều con phố
Vừa ngang qua đường Phạm Ngọc Thạch, chúng tôi đã gặp gánh hàng rong của một phụ nữ trẻ, nói rặt tiếng miền Nam. Chỉ trong không gian chật hẹp, chị đã có thể vừa pha bột, vừa chiên bánh, vừa gắp những chiếc bánh đã chín xếp gọn ghẽ vào mâm. Đầu gánh bên kia, cái lò than nhỏ được che bằng vỏ thùng giấy các tông. Tất cả đồ nghề đều lọt thỏm trong đôi quang gánh được chị che nilon rất kỹ để tránh bụi đường.
Người đàn bà vô danh trong lòng thành phố Sài Gòn ấy đã thức dậy từ rất sớm ở một con hẻm nhỏ tận quận 10, tất tả gánh gồng “tiệm bánh” của mình tới địa điểm quen thuộc hằng ngày, bắt đầu một ngày bươn chải mưu sinh.
Sáng, chiều, sớm, tối ngày nắng cũng như ngày mưa, đường phố Sài Gòn điểm xuyết những đôi quang gánh của đủ mọi con người từ mọi vùng miền đất nước tạo nên nét riêng cho con phố. Với chiếc đòn gánh trên vai, biến đôi quang gánh thành một “cửa hàng lưu động” bằng số vốn nhỏ nhoi, những người phụ nữ ngược xuôi trong lòng phố ấy tần tảo dưới nắng mưa vì cuộc sống gia đình.
Chị Mùi (bán trái cây rong tại Công viên 23-9) cười buồn: “Ôi, ăn còn không dám, nói chi đến thuê phòng hả cô! Tụi tôi chỉ mướn một chỗ ngủ vài ba giờ đồng hồ thôi. Hồi xưa giá có 6.000-8.000 đồng/đêm, giờ thì 15.000-20.000 đồng/đêm rồi”.
Ở bất cứ con đường nào của TP HCM, người ta cũng đều dễ dàng bắt gặp những gánh hàng rong như thế này
Theo chị Mùi, mấy xóm trọ trên đường Rạch Bùng Binh (quận 3), Cầu Ông Lãnh (quận 1) và cả dưới quận Bình Thạnh, Thủ Đức đều có những chỗ cho người bán rong “mua ngủ” qua đêm. Bất kể già, trẻ, nam, nữ gì cũng có thể mua, bởi giá thuê phòng trọ ở những quận này rất đắt. Hơn nữa, tâm lý chung của người bán hàng rong là “mỗi ngày ngủ chừng 3, 4 tiếng đồng hồ là nhiều, thuê phòng chi cho tốn kém”.
Căn phòng mấy chục mét vuông có đến cả mấy chục người chen chúc. Tiếng thở dài, tiếng ngáy, ho và cả những tiếng rì rầm chẳng rõ nghĩa vọng lại trong đêm. Tôi hỏi, như vậy chị có ngủ được không? Chị lắc đầu. Từ ngày vô Sài Gòn đến giờ, chị chưa biết cảm giác ngả lưng xuống giường, chiếu, có gối, có mền thế nào. Thời gian đầu, buồn và tủi thân lắm. Nhiều lúc muốn bỏ hết, về quê với chồng con, nhưng nghĩ đến cảnh ruộng ít, nhà lụp xụp, về thì tiền đâu đóng học phí, mua sách vở cho con, vậy là đành ở lại.
Nhưng, có một sự thật là, đối với những người bán hàng rong nay đây mai đó, mua được chỗ ngủ qua đêm xem như vẫn còn may. Nhiều người vì không “mua” được một khoảng nền bé tẹo trong các nhà trọ ấy, đành ra quán cóc vỉa hè thuê võng, mướn ghế ngủ ngồi. Có dịp ghé chợ đầu mối Bình Điền, Thủ Đức hay chợ Bình Tây lúc nửa đêm về sáng, sẽ không khó bắt gặp những phận đời ngủ ngồi giữa tiếng xe cộ ồn ào, khói thuốc lá nặng mùi và tiếng ngáy o o của cánh đàn ông.
Quần ngư tranh thực
Trong giới bán rong, tranh giành khách và lãnh địa hành nghề không phải chuyện hiếm. Đó là một thứ “luật bất thành văn”, tồn tại bằng những quy ước ngầm giữa họ. Những người đến bán trước luôn có quyền quyết định đối với người đến sau.
Do không hiểu “luật”, những ngày đầu bán hàng tại Công viên Gia Định (quận Phú Nhuận) bà Hường đã bị “ma cũ” chèn ép đủ điều, hành hạ đến khổ. Ít vốn, tuổi đã ngoài 50, nên họ chọn bán kẹp tóc để mưu sinh cho nhẹ nhàng. Ngày đầu bày hàng trên vỉa hè, bà đã nhận được những ánh mắt dữ tợn và nhiều lời la mắng, hăm dọa của “ma cũ” đến phát khiếp. Sau một hồi hết cự cãi rồi năn nỉ xin xỏ, họ “phân phát” cho bà một diện tích đất bán bằng... 3 gang tay đo từ miệng cống vào. “Họ làm thế khác nào đuổi thẳng?! Hàng kẹp tóc cồng kềnh và chiếm nhiều diện tích, 3 gang tay thì bày được mấy cái”, bà Hường nhớ lại.
Không sống được. Bà quyết định chuyển sang bán bánh tráng trộn Tây Ninh trên chiếc xe đạp dựng tạm vào gốc cây, vừa nhẹ vừa đỡ chiếm diện tích. Lâu dần, bà cũng được bạn hàng nhân nhượng cho bán, nhưng vẫn không được bày bán mặt hàng tùy thích để giành khách của họ.
Nhiều người tấp vào mua bánh tráng được bà mời mua nước giải khát. Thế nhưng, khi khách gật đầu thì bà dáo dác nhìn trước nhìn sau mới đưa nước ra với vẻ giấu giếm. Thấy chúng tôi thắc mắc, bà giải thích: “Nếu chỉ bán bánh tráng trộn thì chẳng lời được bao nhiêu, tôi muốn bán thêm nước ngọt nhưng bên kia đã có người bán rồi nên phải bán lén”.
Lưng còng, gương mặt bơ phờ, hốc hác, bà lão ngồi gục mặt bên gánh hàng rong vì thiếu ngủ. Thấy thế, một cậu bé khoảng 11-12 tuổi sà vào. Sau khi ăn một mạch 5-6 bịch bánh tráng, cậu gọi một quả cóc và yêu cầu bà gọt vỏ. Lúi húi một hồi cũng xong, bà đưa đôi tay run run lên giao hàng thì bất ngờ cậu bé giật phăng rồi bỏ chạy. Hốt hoảng, bà bổ nhào ra đường đuổi theo, nhưng chỉ được một đoạn bà đã khuỵu xuống đất, nước mắt chảy dài, cậu bé lặn mất tăm giữa đám đông.
Chị Gái góp chuyện: “Hôm rồi, tôi ngồi bán ở ngay đây, có hai thanh niên tới mua cóc, xoài và bánh tráng trộn. Vừa làm xong, chưa kịp nói gì thì cả hai hè nhau giật phăng mấy gói bánh bỏ chạy. Vậy là mất tiền. Tôi đâu thể chạy theo, phần biết sức mình đuổi không kịp, phần lo, lỡ hớ ra, mấy đứa có đồng bọn đằng sau chạy tới trút luôn cái gánh thì cụt đường buôn bán chứ chẳng chơi”.
Bị đám thanh niên quậy phá, ăn xong rồi bỏ chạy... là “chuyện thường ngày ở hàng rong” đối với những người bán hàng rong. Không chỉ bị ăn quỵt, họ còn là đối tượng của bọn móc túi. Đặc biệt, người già thường là nạn nhân do họ không đủ sức rượt đuổi hay chống cự. Ngồi trên bờ kênh Cầu Kinh (quận Bình Thạnh), người bán hoa quả tên Mười Khinh kể lại đã hai lần bị móc túi, ông chép miệng: “Già yếu rồi còn sức đâu địch lại đám thanh niên. Bị móc túi cũng đành im lặng tự nhắc mình cẩn thận hơn thôi chứ biết làm gì được?”.
Theo những người bán rong tại công viên 23-9, Hồ Con Rùa... thì nạn xin đểu luôn là “cơn ác mộng kinh hoàng nhất” với họ. Lưỡi dao sắc nhọn hay ống kim tiêm dính máu (dọa có HIV) là công cụ mà đám thanh niên lười nhác, lêu lổng thường dùng để đe dọa người bán rong xin tiền. Không chỉ cánh phụ nữ, người già, thậm chí đàn ông cũng gặp phải cảnh xin đểu, trấn lột giữa đêm như thường.
Ngót 8 năm bán cá viên chiên, anh Ngô Văn Thành (30 tuổi) không thể nhớ hết số lần mình bị ăn quỵt, xin đểu. Anh Thành ấm ức: “Phần lớn bọn chúng đi thành nhóm 3- 4 tên, kề dao, kim tiêm vào cổ mình xin “chút đỉnh”. Những lúc như vậy đành rút tiền ra đưa bọn chúng chứ chẳng dám phản ứng gì”.
8 giờ tối. Một tiếng hú dài vang lên dọc theo đoạn đường Nguyễn Trãi. Chiếc xe tải chuyên “dọn dẹp” đường phố gầm gừ di chuyển chầm chậm, dòng băng rôn treo dọc theo thân xe: “Phấn đấu xây dựng thành phố văn minh”.
Nghe thấy tiếng còi, bé gái hớt hài đẩy xe bán bánh khúc băng ngang qua đường bất kể xe cộ chật như nêm. Dáng vẻ em hốt hoảng thể hiện qua đôi mắt cứ dáo dác nhìn ngược lại xem có ai đuổi theo không. Bất ngờ bếp lửa than ủ ấm nồi xôi khúc trượt khỏi xe đổ hẳn ra đường. Dòng xe cộ rẽ thành hình quả bầu tránh những hòn than đang cháy. Vài chiếc xe máy chạy vụt qua, kèm theo tiếng lầm bầm chửi rủa.
Dẫu biết, những gánh hàng rong lê la khắp các con phố làm mất trật tự, mỹ quan đô thị. Nhưng cũng từ đó, bao thế hệ con trẻ khôn lớn, giỏi giang, thành tài. Chẳng biết rồi đây, con đường mưu sinh nào sẽ dành cho họ, để mỗi khi đêm xuống lại có thể bớt đi một tiếng thở dài: “Ước gì ngày mai, tôi chẳng còn phải đi bán hàng rong…”?
Nguyên Phương