Vỡ ống nước sông Đà lần thứ... 7!
Khoảng 21h ngày 17/6, đường ống dẫn nước DN1500 từ Nhà máy nước Sông Đà (Hòa Bình) về Hà Nội đã gặp sự cố tại tại Km 25 Đại lộ Thăng Long (đoạn qua huyện Thạch Thất, Hà Nội). Sự cố khiến 70 nghìn hộ dân thuộc các quận Hà Đông, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm và Bắc Từ Liêm mất nước sinh hoạt...
Theo ông Nguyễn Văn Tốn - Tổng Giám đốc Công ty nước sạch Vinaconex, ngay sau khi xảy ra sự việc, công ty đã huy động 150 kỹ sư, 2 máy cẩu xuống hiện trường khắc phục sự cố. Công tác khắc phục được triển khai thâu đêm, do vết vỡ đường ống lần này nhỏ, không nghiêm trọng như những lần trước và công tác khắc phục nhanh hơn.dự kiến khoảng 10h sáng nay (18/6) sẽ cấp nước trở lại cho người dân.
Đây là lần thứ 7, đường ống nước Sông Đà DN1500 bị vỡ. Lần đầu tiên xảy ra sự cố vỡ đường ống là ngày 4/2/2012, tại KM10+900 trên Đại lộ Thăng Long. Sự cố gần nhất xảy ra vào đêm 25/4, tại Km 26+600 trên Đại lộ Thăng Long (đoạn qua huyện Quốc Oai).
Sự lần xảy ra cố vào ngày 26/4, Cục Giám định chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) đã lập đoàn kiểm tra toàn diện đường ống dẫn nước để có biện pháp khắc phục nhưng đến nay chưa có kết quả cụ thể. Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng đã chỉ đạo các Bộ, ban ngành liên quan vào cuộc tìm hiểu, đánh giá nguyên nhân và đề ra giải pháp khắc phục triệt để. Nhưng đến thời điểm này, nguyên nhân của việc đường ống cấp nước vẫn chưa được làm rõ và người dân tiếp tục phải đối mặt với tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt.
Liên tiếp các sự cố xảy ra khiến dư luận không khỏi nghi ngờ về tính ổn định của đường ống dẫn nước sạch sông Đà, cũng như chất lượng đường ống. Với nền đất yếu không được xử lý, ai dám khẳng định sẽ không còn xảy ra sự cố.
Hình ảnh sự cố vỡ ống nước xảy ra vào tháng 11/2013.
Từ khi đi vào khai thác đến nay, đường ống dẫn nước DN1500 đã xảy ra 7 lần vỡ đường ống và riêng trong tháng 4/2014 xảy ra hai lần. Sự cố không chỉ gây nhiều thiệt hại lớn về tài sản, nó còn ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống người dân thủ đô. Với tư cách là người chỉ đạo trực tiếp quá trình xây dựng dự án đường ống dẫn nước sông Đà, ông Hoàng Thế Trung - nguyên Giám đốc Ban Quản lý Dự án nước sông Đà khẳng định, Đơn vị đã thực hiện đúng theo quy định của nhà nước đối với tất cả những hạng mục từ khâu lập dự án, thi công, thiết kế. Tuy nhiên, không hiểu sao sự cố lại diễn ra liên tiếp như vậy.
Bên cạnh đó, do thời điểm làm tuyến ống trùng đúng lúc thi công đường Đại lộ Thăng Long, nền đất đã được đơn vị làm đường xử lý nên không xử lý lại để đỡ tốn kém. Toàn tuyến ống nước sạch sông Đà có 11 đoạn nền đất yếu với tổng chiều dài khoảng 3400m, biện pháp thi công tại những nơi đất yếu, thay vì sử dụng những đoạn ống dài từ 6 đến 12 m thì dùng những đoạn ống ngắn từ 2 đến 6 m, với mục đích “mềm hóa” đường ống và cho phép độ lệch trục 2 độ.
Đề cập đến vấn đề chất lượng đường ống không đảm bảo và trước đó các chuyên gia đã cảnh báo không chọn đường ống với chất liệu sợi thủy tinh do sức chịu lực kém, theo ông Hoàng Thế Trung, chưa hề nhận được ý kiến hay văn bản nào khiến cáo. Dù liên tục xảy ra nứt vỡ đường ống nhưng đến nay vẫn thấy dùng ống chất liệu sợi thủy tinh là… phù hợp.
Còn theo ông Nguyễn Văn Tốn - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nước sạch Vinaconex, từ khi bắt đầu hoạt động vào năm 2009, đường ống dẫn nước sông Đà bị vỡ 7 lần và lần vỡ gần đây nhất là vào ngày 25/4/2014. Nguyên nhân sự cố đang được Cục Giám định Chất lượng Công trình Xây dựng (Bộ Xây dựng) kiểm tra làm rõ, để có biện pháp khắc phục, đảm bảo cung cấp nước ổn định lâu dài. Phía công ty đã nhiều lần họp và phân tích, nhưng với trình độ hiện tại thì chưa thể tìm ra nguyên nhân cụ thể. Việc này phải chờ kết luận giám định của Cục Giám định Chất lượng Công trình Xây dựng. Khi xác định được nguyên nhân sẽ biết rõ trách nhiệm thuộc đơn vị nào...
Trả lời những thắc mắc về việc, đường ống dẫn nước sông Đà có còn xảy ra sự cố nữa hay không và trách nhiệm thuộc về ai... ông Nguyễn Văn Tốn nói: “Sẽ còn vỡ đường ống dẫn nước, nhưng người dân không phải hứng chịu cảnh mất nước lâu ngày như trước vì công tác khắc phục chỉ được rút ngắn còn 11 giờ đồng hồ. Và trách nhiệm sau những sự cố thì chưa thể xác định được vì chưa tìm ra nguyên nhân”.
Còn ông Nguyễn Sỹ Trung - Kỹ sư trưởng Dự án mở rộng và hoàn thiện đường Láng - Hòa Lạc (Viện Khoa học và Công nghệ Giao thông Vận tải) cho rằng, khi Công ty Cổ phần Nước sạch Vinaconex triển khai dự án xây dựng đường ống dẫn nước từ sông Đà về Hà Nội, tôi nhiều lần gặp đơn vị thi công để cảnh báo về nên đất yếu nhưng họ đều làm ngơ...”.
Nói về nguyên nhân do nền đất yếu, cộng với việc gần đường cao tốc Đại lộ Thăng Long nên đường ống bị rung và dịch chuyển gây nên sự cố, ông Nguyễn Sỹ Trung nói, đơn vị quản lý đường ống dẫn nước đổ lỗi cho tuyến Đại lộ Thăng Long là không chính xác. Tuyến đường này có chiều dài gần 30km, chạy qua nhiều vùng địa chất khác nhau. Đặc biệt, có 5,4km chạy qua nền đất yếu, nằm rải rác tại 29 điểm với độ sâu trung bình từ 5-30m, dài 20-200m. Khi làm đường, chúng tôi đã phải xử lý nền đất yếu rất tốn kém và mất thời gian bằng công nghệ cọc cát, giếng cát, thay đất… khi nền ổn định mới xây dựng công trình. Đến bây giờ có thể khẳng định, tuyến đường rất ổn định.
Khi hai dự án cùng thực hiện (đường Láng - Hòa Lạc và đường ống nước sạch sông Đà), không dưới 5 lần tại các cuộc họp kỹ sư Trung đã cảnh báo khá gay gắt chủ đầu tư, đơn vị thiết kế, thi công dự án nước sạch sông Đà về địa chất yếu. Tuy nhiên, họ không nghe mà vẫn tiến hành đặt đường ống mà không xử lý nền yếu. Các điểm xảy ra sự cố vỡ đường ống dẫn nước đều trùng khớp với các điểm có nền đất yếu mà chúng tôi từng cảnh báo chủ đầu tư, đơn vị thiết kế, thi công dự án nước sạch sông Đà. Tôi khẳng định, đường ống dẫn nước này còn xảy ra sự cố và sẽ xảy ra.
Thiên Minh