Khổ thân hoa hậu Việt!
Nói hoa hậu khổ, hẳn nhiều người sẽ cực lực phản đối, nhưng sự thật là có những hoa hậu mà đằng sau sự lấp lánh của chiếc vương miện là những nỗi niềm không thể tả!
1. Đã là người đoạt danh hiệu hoa hậu - một danh hiệu cao quý nhất dành cho phái đẹp thì tại sao lại khổ? Chẳng phải hình ảnh hoa hậu lúc nào cũng lộng lẫy, kiêu sa đó sao? Họ tham gia các sự kiện có cát-sê và họ luôn là những người được hưởng cao nhất! Hoa hậu đi đâu cũng đều có xe sang đưa đón. Hay họ luôn được nhiều người quan tâm yêu mến, đặc biệt là những người giàu có, địa vị. Đố có anh nhà nghèo nào mà dám trèo cao lên tiếng nói: tôi yêu hoa hậu. Cũng như đố ai tìm được một hoa hậu nào mà người tình hay đấng lang quân họ không phải là một đại gia.
Nói chung, sẽ chẳng ai có thể hình dung ra là hoa hậu lại khổ cả, nếu như không có chuyện lùm xùm trả lại vương miện hoa hậu của Triệu Thị Hà! Và cũng từ chuyện vô tiền khoáng hậu này, người ta mới bắt đầu biết được sự thật đằng sau những chiếc vương miện lộng lẫy kia không phải lúc nào cũng là bầu trời màu hồng. Thật ra, hoa hậu cũng khổ trăm bề, nhất là từ những quy định ràng buộc với ban tổ chức, có khi họ khổ đến mức chỉ muốn bỏ tất cả để được tự do tự tại, về nhà phơi ngô, gặt lúa mà thôi!
Để đến ngôi vị hoa hậu, các người đẹp phải trải qua rất nhiều thời gian luyện tập, thi thố
Tuy nhiên, không phải khi đoạt danh hiệu hoa hậu rồi thì người đẹp mới khổ mà ngay từ khi theo đuổi ước mơ hoa hậu thì các cô đã khổ rồi! Bởi mấy tháng tham gia một cuộc thi nhan sắc là một cuộc “hành xác” thật sự với họ. Họ phải tham gia luyện tập cùng các chuyên gia với lịch trình dày đặc. Họ phải trải qua nhiều vòng thi thố, mà trước khi bước lên thi chính thức là họ phải tập, phải thử, phải duyệt đi duyệt lại nhiều lần. Còn thời gian không thi thì họ phải tham gia hàng loạt các hoạt động ngoài trời.
Người đẹp không chỉ mệt mỏi về thể xác mà tinh thần cũng không khá hơn. Nếu ai một lần vào hậu trường, chứng kiến cảnh các người đẹp chuẩn bị cho một buổi thi thì sẽ biết rõ, họ bị người quản lý thí sinh hối thúc, quát mắng thậm tệ. Có cô không kìm lòng được nên khóc tại chỗ, có cô bức xúc quá mà bỏ ra ngoài…
Đến khi đăng quang thì kèm với niềm vui sướng hạnh phúc cũng là lúc nỗi khổ đau, áp lực bắt đầu hiện diện rõ nét nhất. Nỗi khổ ở đây chủ yếu là đối diện với dư luận, thị phi. Những mùa thi hoa hậu gần đây không người đẹp nào đăng quang mà không gây ồn ào ngay sau đó. Lúc thì ồn ào về trình độ học vấn, bằng cấp, lúc thì tranh cãi về chuyện đẹp - xấu, chọn đúng hay sai. Như mới đây người đẹp đến từ Cần Thơ Đặng Thu thảo đăng quang Hoa hậu Đại dương cũng để lại nhiều tranh cãi về chuyện nhan sắc, người thì bảo Thảo đẹp, kẻ thì lại bảo không. Nhưng cuộc chiến quan điểm xấu - đẹp là cuộc chiến không có hồi kết, bởi đó là cặp phạm trù không có tính bất biến.
Nhưng nói về một hoa hậu mà chỉ nói về chuyện đẹp - xấu thôi thì quả là thiếu sót. Dĩ nhiên, đã là hoa hậu thì cô ấy không thể nào có nhan sắc kiểu "Thị Nở" được, cô ấy phải có số đo 3 vòng đạt chuẩn, phải có gương mặt khả ái và phải có trình độ văn hóa tri thức nhất định. Nhưng có một điều quan trọng không kém gì nhan sắc khi nhắc đến một hoa hậu, đó là trách nhiệm với cộng đồng. Việc chọn ra một người đẹp đăng quang hoa hậu cũng chính là trao cho người đẹp đó một sứ mệnh cao cả. Vì thế để đánh giá về một hoa hậu, ngoài nhan sắc thì hãy xem họ đã, đang và sẽ làm gì có ích cho xã hội. Hãy xem họ có hoàn thành được sứ mệnh của một hoa hậu hay không, đó mới là điều quan trọng hơn hết khi nói về hoa hậu.
2. Bất kỳ một hoa hậu nào cũng phải ký một hợp đồng ràng buộc với ban tổ chức khi đăng quang. Nội dung hợp đồng đó chủ yếu là những điều khoản để quản lý quá trình hoạt động của hoa hậu trong nhiệm kỳ 2 năm, đồng thời là những điều khoản quy định về việc bắt buộc tham gia các hoạt động từ thiện do ban tổ chức yêu cầu.
Về mặt lý thuyết thì mục đích, ý nghĩa của hợp đồng này nhằm đảm bảo hoa hậu sẽ giữ gìn hình ảnh, danh hiệu của mình một cách hiệu quả nhất, dưới sự quản lý của ban tổ chức. Nhưng, cũng chính những quy định này đôi khi biến chiếc vương miện lộng lẫy thành một chiếc “vòng kim cô”. Triệu Thị Hà là một ví dụ!
Hoa hậu Triệu Thị Hà và Hoa hậu Đại dương Đặng Thu Thảo
Hoa hậu cũng chỉ là một con người, họ cũng cần làm việc kiếm sống chứ không thể chỉ hít thở khí trời và nhìn vương miện lấp lánh rồi no đủ! Vì thế nhân danh lý do gì để cấm hoa hậu nhờ vào danh hiệu mà họ đã đạt được để kiếm tiền chính đáng? Và không phải bi quan nhưng công chúng, nhất là ban tổ chức các cuộc thi hoa hậu đừng tự ảo tưởng rằng các người đẹp của chúng ta đi thi hoa hậu là chỉ vì cộng đồng, vì xã hội, vì muốn chung tay góp sức làm xã hội tốt đẹp hơn… Nói chung là họ không phải vì danh vọng. Bất cứ người đẹp nào đi thi hoa hậu khi được hỏi về mục tiêu thi hoa hậu cũng đều nói câu đó cả!
Nhưng đó là sự khuôn mẫu, sáo rỗng. Bởi cho dẫu có mong muốn tột cùng đi chăng nữa thì dám chắc các người đẹp của chúng ta cũng không biết mình phải làm gì để thực hiện điều đó! Bởi ngay cả những kiến thức cơ bản về xã hội thì người đẹp còn không nắm thì làm sao có thể cứu rỗi được cho ai?! Như mới đây, người ta không thể nhịn được cười khi có người đẹp trong một cuộc thi hoa hậu trả lời câu hỏi vấn đáp một cách quá ngô nghê về vụ Trung Quốc kéo giàn khoan Hải Dương 981 vào lãnh hải Việt Nam rằng: “Em muốn người Trung Quốc hãy mở giàn khoan đó ra để đất nước Việt Nam của em ngày càng tươi đẹp hơn”.
Trở lại chuyện mục đích của người đẹp thi hoa hậu, nói một cách thực tế nhất, trần trụi nhất thì người đẹp đi thi hoa hậu là vì mục tiêu danh vọng của bản thân họ và họ mong muốn kiếm tiền từ những hoạt động liên quan đến danh hiệu đó, ngoài chuyện phải thực hiện nghĩa vụ của mình. Thật ra, đó cũng là một mong muốn hết sức bình thường, và không có gì bàn cãi nếu họ dùng danh hiệu của mình kiếm tiền một cách chính đáng!
Thế vậy mà, có cô hoa hậu được đánh giá là nghèo nhất trong các hoa hậu, bị ban tổ chức từ chối hoặc hạn chế tối đa cho tham gia các hoạt động nghệ thuật có cát-sê. Thay vào đó họ bắt cô liên tục phải thực hiện trách nhiệm của mình với ban tổ chức, kể cả việc phải tiếp khách lúc nửa đêm (!?) - một việc hoàn toàn không nằm trong cam kết trước đó của hoa hậu với ban tổ chức. Chưa hết, hoa hậu còn bị chính ban tổ chức “làm nhục” khi chuyện đời tư cô đi chơi với ai, qua đêm với ai cũng “được” ban tổ chức nhiệt tình kể trên mặt báo...!
Hoa hậu Thu Thảo trong vòng vây của báo chí sau đăng quang
Để kể về nổi khổ của hoa hậu thì còn rất dài. Song, có một thực tế là dẫu khổ nhưng cô gái nào cũng muốn trở thành hoa hậu cả. Có lẽ vì hào quang của nó quá lấp lánh, có lẽ vì đam mê danh vọng, phù phiếm ở các cô gái trẻ thời nay quá nhiều!
Dễ thấy, hình ảnh cô gái dân tộc Nùng Triệu Thị Hà, cô gái của xứ ngô vàng Quảng Uyên, Cao Bằng như đang lạc bước giữa phố thị phù hoa, nơi đầy ảo tưởng và ganh đua. Có lẽ giờ đây cô đã thấm thía nỗi khổ của một hoa hậu là như thế nào. Nhưng liệu Triệu Thị Hà sẽ chọn con đường “về với Quảng Uyên nơi hạt ngô vàng gieo neo sắc nắng nhưng lòng người xanh mát điệu sơn khê” hay lại tiếp tục với cuộc vui phù phiếm?
Nghĩ mà thương cho các hoa hậu Việt thời nay!
Trúc Vân