Phân xưởng vận tải tuyển than Cửa Ông: Tiết kiệm chi phí từ việc nhỏ
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay thì công tác khoán quản trị chi phí được xem như chiếc “chìa khóa vàng” giúp các đơn vị trong ngành than tháo gỡ khó khăn, ổn định sản xuất kinh doanh, đảm bảo việc làm, thu nhập cho người lao động. Ở Phân xưởng Vận tải (Công ty Tuyển than Cửa Ông) đang thực hiện khá tốt công tác này.
Năng lượng Mới số 329
Tiết kiệm từ việc nhỏ
Là một trong những đơn vị được giao quản lý, vận hành kéo mỏ của Công ty Tuyển than Cửa Ông, công việc hằng ngày của Phân xưởng Vận tải được xem như xương sống của công ty, thực hiện kéo mỏ toàn bộ vùng than Cẩm Phả và vận chuyển, tiêu thụ than trong và ngoài nước. Với một khối lượng công việc tương đối lớn, song những năm qua, Phân xưởng Vận tải luôn gương mẫu đi đầu trong công tác tiết kiệm chi phí và hoàn thành kế hoạch được giao với năng suất cao. Thông qua báo cáo kết quả sản xuất kinh doanh hằng năm, được biết, Phân xưởng Vận tải thực hiện khá tốt việc tiết giảm chi phí, đặc biệt kể từ khi phân xưởng được công ty cho phép toàn quyền xử lý nguồn vốn phục vụ cho công tác sửa chữa, sản xuất kinh doanh. Trong rất nhiều yếu tố giúp phân xưởng hoàn thành vượt mức kế hoạch cấp trên giao thì vấn đề kiểm tu, bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị kịp thời đóng vai trò rất quan trọng.
Thực tế đã chứng minh nhờ hằng ngày các ca làm việc có lịch cụ thể, bố trí thời gian để chăm sóc thiết bị nên trung bình mỗi ca đều huy động được tỷ lệ toa xe kéo mỏ hoạt động cao từ 90-95%. Trong 5 tháng đầu năm, phân xưởng đã thực hiện kéo mỏ gần 3,7 triệu tấn than, đạt 103,4% so với cùng kỳ 2013, đảm bảo 34% kế hoạch năm. Công ty đã và đang xây dựng và thực hiện phương án khoán quản trị chi phí phù hợp với điều kiện của công ty, trên cơ sở chi phí sản xuất kinh doanh năm 2014 được Tập đoàn giao, phấn đấu đạt được chỉ tiêu tiết giảm chi phí 8%. Có thể nói, đây là một chỉ tiêu tương đối cao.
Công nhân kiểm tra bảo dưỡng đầu máy tại Phân xưởng vận tải
Quản đốc phân xưởng Đặng Đình Hồng cho rằng, tiết giảm chi phí được ví như “con dao 2 lưỡi”, ví dụ như nếu “chắt bóp” quá trong chi phí sữa chữa có thể gây tác hại lâu dài làm giảm năng lực thiết bị, dẫn đến hỏng hóc gây tốn kém nhiều hơn. Lời giải của bài toán phải làm sao vừa đảm bảo tiết kiệm chi phí vừa đảm bảo được năng lực thiết bị. Từ đó, ngay từ những ngày đầu năm phân xưởng đã chủ động lên kế hoạch sắp xếp thiết bị, vật tư, con người một cách hợp lý nhất. Đầu mỗi ca, hằng ngày, hằng tuần, phân xưởng đều giao kế hoạch chi tiết, có kiểm tra giám sát và kịp thời có biện pháp, nhanh chóng khắc phục các vấn đề vướng mắc trong thực tế sản xuất.
Theo Quản đốc Hồng, làm công tác khoán quản trị chi phí thì không chỉ dừng lại ở mức độ giao khoán mà quan trọng nhất là phải làm tốt công tác “quản”. “Quản” ở đây là công tác kiểm tra, kiểm soát và điều hành, tạo ra động lực tiết kiệm chi phí. Và để làm tốt điều này thì tất cả đều phải cố gắng và ý thức, trách nhiệm hơn nữa trong mọi hành động của mình. Đơn cử như việc phân xưởng thực hiện tiết kiệm lao động theo nguyên tắc “việc đi liền với người”, tránh việc công nhân “ngồi chơi xơi nước”.
Trong công tác điều hành sản xuất, phân xưởng luôn bám sát thời điểm và lượng than ra tại các mỏ để đưa đầu máy tương ứng với số lượng than đó. Bên cạnh đó, phân xưởng thực hiện việc tu bổ các thiết bị đầu máy, toa xe chạy tuyến mỏ theo tiêu chuẩn đăng kiểm theo định kỳ, tiến hành đăng kiểm thiết bị khi đến kỳ hạn, để nâng cao hiệu quả sử dụng thiết bị và đảm bảo đúng quy định của Nhà nước. Nhất là đưa các đầu máy vào sửa chữa bảo dưỡng tập trung, thay thế một số chi tiết phần động cơ, truyền động và sửa chữa nâng cấp toàn bộ phần vỏ, nội thất ca bin đảm bảo kỹ thuật, mỹ thuật...
Chăm lo người lao động
Vấn đề giữ an toàn lao động luôn được đặt lên hàng đầu và được lãnh đạo phân xưởng chú trọng, quán triệt nghiêm túc, sát sao đến từng công nhân. Các quản đốc trực ca đều phải có ý thức tránh gây sức ép vào đầu ca nghĩa là gây những khúc mắc, khó chịu đối với công nhân, từ đó tư tưởng anh em mới ổn định trong công việc. Tiếp xúc với công nhân ở đây đều nhận thấy họ luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của công ty, mặc dù có những lúc khó khăn, ảnh hưởng đến thu nhập, việc làm nhưng người lao động hiểu, thông cảm và chia sẻ với đơn vị do đó đã tạo sự đồng thuận, chung sức, đồng lòng vượt qua những khó khăn, hoàn thành tốt các nhiệm vụ.
Anh Nguyễn Quang Ánh, thợ bậc 6/7, Phân xưởng Vận tải cho biết, các khó khăn của Tập đoàn, của công ty công nhân đều nắm bắt được qua các cuộc họp, nhận lệnh sản xuất, mặt khác lãnh đạo công ty, phân xưởng rất quan tâm đến người lao động, công đoàn thường xuyên phối hợp chỉ đạo, nắm bắt tình hình sản xuất, tình hình tư tưởng của CNVC-NLĐ, qua đó người lao động người lao động yên tâm trong lao động sản xuất.
Năm 2014, mục tiêu của Công ty Tuyển than Cửa Ông là tiêu thụ 8,9 triệu tấn than, tổng doanh thu trên 12 nghìn tỉ đồng. Cùng với đó, phải duy trì sản xuất ổn định, tiếp tục hoàn thiện cơ cấu tổ chức, mô hình quản trị phù hợp. Thực hiện tốt công tác tiết kiệm chi phí, nâng cao năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh, đảm bảo tăng trưởng hợp lý và bền vững. Đẩy mạnh áp dụng công nghệ mới vào sản xuất, đảm bảo tiến độ và nâng cao hiệu quả công tác đầu tư xây dựng cơ bản, sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả cao, chăm lo nâng cao đời sống cho người lao động.
Tin tưởng rằng, trong nửa cuối năm, CNVC-NLĐ Công ty Tuyển than Cửa Ông cùng Phân xưởng Vận tải sẽ khắc phục mọi khó khăn, không ngừng nỗ lực phấn đấu, thi đua lao động sản xuất, đảm bảo an toàn, hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2014
Tùng Kiên