Hỗ trợ doanh nghiệp FDI Bình Dương phục hồi sản xuất
Sau sự cố xảy ra với một số doanh nghiệp FDI và liên doanh tại Bình Dương thời gian vừa qua, ngành ngân hàng - tài chính đã có những động thái trách nhiệm và kịp thời, với mục tiêu cao nhất - hỗ trợ phục hồi sản xuất kinh doanh…
Xử lý trách nhiệm, kịp thời
Khi độ mở của nền kinh tế rộng hơn, theo chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, vấn đề “trách nhiệm” luôn là mối quan tâm được các bên đặt lên hàng đầu. “Cũng giống như khi các doanh nghiệp Việt Nam mang tiền ra nước ngoài đầu tư, việc Chính phủ nước sở tại bảo hộ như thế nào và trong bao lâu luôn là vấn đề lớn nhất. Mà trách nhiệm thôi chưa đủ, khi Việt Nam còn đang trong quá trình chứng minh việc tôn trọng khối ngoại thì những điều chỉnh mang tính định hướng sẽ tạo thêm niềm tin nơi nhà đầu tư”, TS Thành nhận định.
Dư luận quốc tế đánh giá cao động thái xử lý tình huống của Chính phủ Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Bộ Tài chính cùng chính quyền địa phương nơi có doanh nghiệp (DN) nước ngoài không may gặp sự cố. Bản thân Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng vừa kết luận về việc giúp đỡ hỗ trợ các DN khắc phục thiệt hại, sớm trở lại sản xuất kinh doanh. Thông báo từ Văn phòng Chính phủ nêu rõ, Thủ tướng đã chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp ngăn chặn kịp thời và kiên quyết xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm pháp luật. Tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội được tái lập, hầu hết các doanh nghiệp đã trở lại hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường.
Để giúp đỡ, hỗ trợ các doanh nghiệp khắc phục thiệt hại, phát triển sản xuất kinh doanh, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, các tổ chức tín dụng (TCTD) chủ động, tích cực có các biện pháp kịp thời, cần thiết để tháo gỡ khó khăn trong quan hệ giao dịch, vay vốn nhằm giúp các DN nhanh chóng khôi phục và phát triển sản xuất kinh doanh. Bộ Ngoại giao tiếp tục thông báo đầy đủ cho các quốc gia và vùng lãnh thổ về thực trạng tình hình và sự chỉ đạo của Chính phủ nêu trên. Đề nghị các nước động viên, khuyến khích các DN yên tâm tiếp tục đầu tư và sản xuất kinh doanh tại Việt Nam. Đặc biệt, người đứng đầu ngành tài chính yêu cầu các đơn vị thuế, hải quan phối với các cơ quan liên quan, nhất là DN bảo hiểm để giải quyết các thiệt hại của DN theo đúng quy định của pháp luật về bảo hiểm.
Việc bồi thường được Bộ Tài chính yêu cầu Cục trưởng Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm chỉ đạo doanh nghiệp trong ngành kiểm tra, xác định thiệt hại cụ thể, đồng thời có biện pháp phòng ngừa việc lợi dụng tình hình này để trục lợi bảo hiểm. Đối với những phần giá trị tổn thất bất khả kháng khác không được bồi thường sẽ chiếu theo Luật Thuế thu nhập DN và được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế.
Các DN FDI trên địa bàn một số tỉnh phía nam đã hoạt động trở lại sau sự cố hồi đầu tháng 5
Thông điệp từ Thống đốc NHNN
Tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ khối ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam diễn ra mới đây, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình tiếp tục đưa ra những thông điệp mạnh mẽ, thể hiện sự linh hoạt, trách nhiệm của Chính phủ cũng như NHNN Việt Nam. “Những diễn biến bất lợi xảy ra cũng có những ảnh hưởng tới tâm lý các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam đã có những giải pháp quyết liệt và những cam kết mạnh mẽ đảm bảo đầy đủ quyền và lợi ích chính đáng của các nhà đầu tư nước ngoài hoạt động tại Việt Nam. Qua đó, góp phần củng cố lòng tin của các nhà đầu tư và môi trường đầu tư an toàn và ngày càng cải thiện ở Việt Nam”, Thống đốc nêu rõ.
Người đứng đầu ngành ngân hàng cũng khẳng định, Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam có chủ trương và chính sách nhất quán nhằm giữ vững độc lập chủ quyền an ninh quốc gia toàn vẹn lãnh thổ, đồng thời giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước. Chủ trương đề cao nguyên tắc giải quyết bất đồng bằng biện pháp hòa bình. Kiềm chế không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực tuân thủ các quy định của luật pháp quốc tế.
Thống đốc NHNN đề nghị các chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoạt động tại Việt Nam, với vai trò là nhà đầu tư nước ngoài và là thành viên có trách nhiệm trong hệ thống ngân hàng cần tiếp tục tổ chức hoạt động bình thường, đảm bảo công tác thanh toán, nhận tiền gửi, chi trả tiền gửi, cho vay, cung ứng dịch vụ ngân hàng diễn ra thông suốt, phục vụ nhu cầu của khách hàng trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, các chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoạt động tại Việt Nam cần thực hiện tốt công tác thông tin tuyên truyền, giải thích đối với khách hàng trong và ngoài nước, hạn chế những yếu tố tâm lý có thể tác động bất lợi tới ngân hàng nước ngoài cũng như toàn bộ hệ thống ngân hàng Việt Nam. NHNN Việt Nam đã và đang theo dõi sát tình hình, chủ động và sẵn sàng áp dụng mọi biện pháp cần thiết để tiếp tục giữ vững ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối và vàng. Giữ vững môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, môi trường đầu tư thuận lợi để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững, tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài, ổn định và nâng cao đời sống của nhân dân. Đồng thời luôn có các giải pháp đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, đặc biệt là các ngân hàng nước ngoài hoạt động tại Việt Nam.
Làm việc với các TCTD trên địa bàn các tỉnh phía nam, đặc biệt là các địa phương có DN nước ngoài gặp thiệt hại vừa qua, NHNN Việt Nam đã nêu ra khả năng khoanh nợ cho những DN bị thiệt hại nặng. Dẫu vậy, tất cả phải căn cứ vào cơ sở thông tin thiệt hại được các cơ quan chức năng ở địa phương xác nhận. Những ngày tới, NHNN sẽ có hướng dẫn về việc cơ cấu nợ, gia hạn nợ, giảm lãi cho những DN có thiệt hại nếu thực sự cảm thấy cần thiết.
Đến thời điểm hiện tại, theo thống kê của NHNN chi nhánh tỉnh Bình Dương có 306 khách hàng với dư nợ khoảng 2.870 tỉ đồng bị thiệt hại trong vụ công nhân bị những kẻ quá khích trà trộn, xúi giục đốt phá nhà xưởng, hôi của trung tuần tháng 5-2014. Bên cạnh đó, đối với tỉnh Đồng Nai, ngành ngân hàng địa phương này cũng cho biết, có 23 DN có dư nợ khoảng 603 tỉ đồng, trong đó thiệt hại nặng nhất là VCB Nhơn Trạch do khách hàng của đơn vị này nằm trong số những DN bị đám đông biểu tình quá khích vừa qua đập phá… Trên cả hai địa phương, nhiều máy ATM bị đập phá bên ngoài nhưng tiền trong máy vẫn đảm bảo an toàn, không bị thiệt hại.
Trước thực trạng trên, NHNN yêu cầu, các TCTD phải có báo cáo ngay những thiệt hại phát sinh trong vụ việc đáng tiếc xảy ra ở Bình Dương và Đồng Nai, đồng thời đề nghị các TCTD phải linh hoạt ứng xử với những DN trên. Đặc biệt, các TCTD không được giấu nợ cho những khách hàng bị thiệt hại để NHNN có hướng hỗ trợ thiết thực nhất.
Lê Tùng