Trẻ dị dạng đường thở có thể được cứu sống
Lần đầu tiên các bác sĩ nước ta thực hiện thành công phẫu thuật tạo hình đường thở cho trẻ bị dị dạng đường thở bẩm sinh, mở ra cơ hội sống cho những trẻ mắc dị tật bẩm sinh này.
Dị dạng đường thở là 1 trong những dị tật bẩm sinh hay mắc phải, rất nguy hiểm và có tần suất tử vong cao ở trẻ em. Tuy nhiên, trước đây các bác sĩ nước ta không có cách nào can thiệp để cứu sống những trẻ này nên đa số các trường hợp dị dạng đường thở nặng đều tử vong.
Vừa qua, các bác sĩ bệnh viện Nhi Đồng 2 phối hợp với các bác sĩ bệnh viện Chợ Rẫy đã thực hiện thành công phẫu thuật tạo hình đường thở cho những trẻ bị dị dạng đường thở bẩm sinh. Đây là kỹ thuật mới lần đầu tiên được áp dụng tại nước ta. Đến nay, đã có 8 trường hợp được cứu sống nhờ kỹ thuật này.
Bé Trần Đức Huy Hùng sau khi được phẫu thuật tạo hình đường thở thành công
Cụ thể là trường hợp bé Lê Hoàng Quân, 10 tháng tuổi, ngụ ở Đà Lạt sinh ra với dị tật bẩm sinh là không có hậu môn, cộng với đường thở bị hẹp nặng đến 70% (đoạn hẹp chỉ nhỏ bằng đầu bút bi). Thực tế, với dị tật bẩm sinh không có hậu môn hiện nay các bác sĩ có thể dễ dàng tạo hình hậu môn cho bé, tuy nhiên ở trường hợp bé Quân thì không thể thực hiện được vì đường thở quá hẹp không thể đặt ống nội khí quản để gây mê trước khi phẫu thuật. Do vậy, các bác sĩ phải mở tạm một lỗ ở hông bé để đưa chất thải ra ngoài. Với dị tật đường thở, bé thường xuyên bị khó thở, tím tái nên từ lúc sinh ra bé phải nằm suốt ở bệnh viện Nhi Đồng 1 để các bác sĩ theo dõi, hỗ trợ kịp thời. Các bác sĩ cũng khuyên gia đình nếu có điều kiện nên đưa bé ra nước ngoài để tìm cách chữa trị vì hiện nay trong nước chưa phẫu thuật được những trường hợp dị tật đường thở bẩm sinh.
Tuy nhiên, vừa qua với thành công của bệnh viện Nhi Đồng 2 trong kỹ thuật phẫu thuật dị dạng đường thở bẩm sinh, bé Quân được chuyển qua bệnh viện Nhi Đồng 2 để phẫu thuật. Sau phẫu thuật bé đã được tạo hình đường thở trở lại bình thường. Hiện bé đang tiếp tục được các bác sĩ theo dõi, chuẩn bị cho ca phẫu thuật để tạo hình hậu môn.
Trường hợp khác là bé Trần Đức Huy Hùng, 9 tháng tuổi, ở Đắk Lắk. Từ khi sinh ra bé khò khè, khó thở thường xuyên. Đặc biệt, mỗi lần viêm nhiễm đường hô hấp bé thường tái xanh mặt mũi do khó thở, phải nhập viện để được hỗ trợ thở oxy. Theo người nhà của bé từ khi sinh ra đến nay hầu như tuần nào bé cũng phải nhập viện để thở oxy, mỗi đợt điều trị kéo dài khoảng 20 ngày. Đi khám ở nhiều nơi thì được chẩn đoán là tim to chèn ép phổi gây khó thở.
Tuy nhiên, ngày 7/4 bé nhập bệnh viện Nhi Đồng 2 thì các bác sĩ xác định bé khó thở do bị hẹp đường thở bẩm sinh. Đến ngày 29/4, bé được tiến hành phẫu thuật để tạo hình lại đường thở. Sau khi phẫu thuật bé hoàn toàn khỏe mạnh, không còn chứng khò khè, khó thở. Dự kiến ngày 26/5 bé sẽ được xuất viện.
Theo bác sĩ Trần Thị Thu Loan, Trưởng khoa Hô hấp bệnh viện Nhi Đồng 2, những trẻ bị dị tật hẹp đường thở bẩm sinh sẽ có biểu hiện khò khè, khó thở thường xuyên, có bé giống như “bị bóp cổ” không thở được. Đặc biệt, càng lớn thì tình trạng này càng trở nên nặng nề. Nếu không được cấp cứu kịp thời trẻ rất dễ tử vong do ngưng thở. Vừa qua, cũng có một trường hợp trẻ bị hẹp đường thở đến cấp cứu trong tình trạng khó thở, tím tái, nhưng do đến quá muộn bé đã tử vong.
Bác sĩ Trần Thị Thu Loan giải thích về các trường hợp hẹp đường thở
Cũng theo bác sĩ Loan, trước đây các trường hợp hẹp khí quản bẩm sinh đều không thể phẫu thuật được do đường thở quá hẹp không đặt được ống nội khí quản để gây mê. Hiện nay, các bác sĩ khắc phục tình trạng này bằng cách dùng mask chụp miệng để gây mê tạm thời cho bệnh nhân sau đó nhanh chóng xẻ đoạn khí quản bị hẹp để mở rộng đường thở đưa ống nội khí quản vào. Sau khi gây mê, các bác sĩ sẽ tiến hành xẻ xương ức bệnh nhân, phẫu thuật tạo hình lại khí quản ở đoạn hẹp, giải quyết những bất thường mạch máu gây ra vấn đề hẹp khí quản nếu có. Mỗi ca phẫu thuật kéo dài khoảng 3 - 4 giờ. Sau phẫu thuật bệnh nhân được hỗ trợ thở máy trong 4 – 7 ngày để chờ đường thở lành, sau đó sẽ được rút ống nội khí quản và bệnh nhân có thể thở bình thường.
Đường thở có đường kính khoảng 6mm. Trong y học chia ra ba mức độ hẹp đường thở, dưới 50% là hẹp nhẹ, từ 50 – 80% là trung bình, trên 80% là hẹp nặng. Những trường hợp hẹp trên 50% thông thường phải phẫu thuật mới có thể cứu sống.
Mai Phương