UBTVQH nghe báo cáo giám sát chuyên đề hai dự án bauxite
Kết thúc phiên họp thứ 28 (chiều ngày 17/5), Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã nghe báo cáo giám sát chuyên đề hai dự án bauxite Tân Rai và Nhân Cơ, hiệu quả tổng thể về kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm an ninh, quốc phòng.
Báo cáo của Đoàn giám sát cho hay, việc triển khai thực hiện hai dự án đã tuân thủ đúng các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, bước đầu tạo được chuyển biến tích cực trong cơ cấu kinh tế và lao động tại hai địa phương đặt dự án nói riêng, và khu vực Tây Nguyên nói chung.
Các Ủy viên UBTVQH đánh giá cao kết quả làm việc nghiêm túc, trách nhiệm, công phu của Đoàn giám sát đã cung cấp một bức tranh khá đầy đủ, toàn diện về hiệu quả tổng thể kinh tế - xã hội, môi trường, văn hóa, lao động, việc làm... của hai dự án.
Các Ủy viên UBTVQH cho ý kiến tại phiên họp thứ 28
Đa số Ủy viên UBTVQH cho rằng, Báo cáo giám sát chỉ tập trung đánh giá hiệu quả kinh tế của dự án trong ngắn hạn, đồng thời đề nghị, cần đánh giá kỹ hơn hiệu quả kinh tế - xã hội phải gắn với mục tiêu bảo đảm an ninh quốc phòng, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu, phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm cho người dân của hai địa phương trong dài hạn như thế nào.
Ở góc độ khác, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai lưu ý, trong 7 yếu tố thuận được nêu trong Báo cáo giám sát thì trừ yếu tố về trữ lượng, 6 yếu tố còn lại là giao thông, vị trí địa thế bảo đảm an toàn môi trường, công nghệ, điện, nước và năng lực tài chính quản trị đều chưa thực sự vững chắc để bảo đảm vận hành có hiệu quả hai dự án này. Cần làm rõ thời điểm 6 yếu tố này được hoàn thiện, mang lại thuận lợi để vận hành đồng bộ, có hiệu quả hai dự án Tân Rai và Nhân Cơ.
Một số ý kiến đề nghị, Báo cáo giám sát cần đánh giá kỹ hơn, chính xác hơn các mặt tích cực và chưa tích cực trong quá trình triển khai thực hiện dự án, làm cơ sở để UBTVQH nghiên cứu, xem xét việc ban hành một Nghị quyết về vấn đề này. Nhiều ý kiến đề nghị, cần đánh giá tác động của việc thực hiện dự án đến đời sống của người dân tại vùng đặt hai dự án bauxite, cả về kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường sống, số hộ dân phải chuyển đổi, di dời khỏi vùng dự án; làm rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của tổ chức và cá nhân khai thác khoáng sản phải thực hiện tốt công tác phục hồi môi trường và đất đai, hoàn thổ sau khai thác để bảo đảm trả lại đất sản xuất kịp thời cho dân cũng như bảo đảm môi trường sống bền vững tại các địa phương...
Tại phiên họp, các thành viên của Ủy ban TVQH cũng đánh giá cao kết quả nghiên cứu bước đầu thử nghiệm thành công công nghệ chế biến quặng sắt từ bùn đỏ. Sản phẩm này được thử nghiệm thành công sẽ góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, bảo vệ môi trường.
Các đại biểu cũng cho rằng, công nghệ khai thác mỏ và sản xuất sản phẩm Alumin được đánh giá là phù hợp, tuy nhiên cần phải quan tâm để đảm bảo chất lượng và tăng tính cạnh tranh của sản phẩm.
Thống nhất đánh giá việc triển khai các dự án bauxite trên địa bàn Tây Nguyên bước đầu đã đáp ứng được các yêu cầu về kinh tế, đảm bảo quốc phòng, an ninh, tuy nhiên các đại biểu cũng đề nghị Ban quản lý các dự án bauxite Tây Nguyên làm chủ công nghệ, đảm đảm bảo an toàn vận hành dây chuyền sản xuất trong quá trình tiếp tục triển khai dự án trong tương lai.
Lê Tùng