Ngành than quyết liệt trong công tác đào lò, xây dựng cơ bản
Mặc dù công tác đào lò xây dựng cơ bản (XDCB) đã được Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) và các đơn vị thuộc Tập đoàn quan tâm, chỉ đạo quyết liệt, số lượng mét lò đào có tăng trưởng so với các năm trước, tuy nhiên so với kế hoạch quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030 thì chưa đạt yêu cầu. Vấn đề cấp bách đặt ra cho các nhà quản lý, các chuyên gia kỹ thuật công nghệ và công nhân hầm lò là làm sao để đẩy nhanh tiến độ đào lò XDCB.
Năng lượng Mới số 322
Thăm dò địa chất nhiều khó khăn
Như đã biết, công tác thăm dò địa chất là lĩnh vực đòi hỏi yếu tố kỹ thuật cao, vốn đầu tư, thời gian và công sức. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia trong công tác xây dựng mỏ, công tác XDCB các mỏ than hầm lò những năm gần đây của Tập đoàn vẫn là chậm theo quy hoạch của Tập đoàn do nhiều yếu tố. Và đã có không ít những đơn vị trong ngành bỏ tiền bạc, công sức đào hàng trăm mét lò đá nhưng không gặp than, do tài liệu địa chất sai với thực tế thi công do quá trình triển khai địa chất thay đổi, phải điều chỉnh dự án hoặc thiết kế kỹ thuật dẫn đến khối lượng mét lò XDCB sau khi điều chỉnh giảm so với dự án đã duyệt, dẫn chứng ở một vài đơn vị như: Xí nghiệp than Giáp Khẩu, trong quá trình thi công các đường lò dọc vỉa mức +20 và mức -50 không gặp vỉa, đơn vị đã phải dừng đào lò để tổ chức khoan thăm dò bổ sung và khoan thăm dò tìm vỉa, sau đó đưa ra giải pháp thiết kế phù hợp với điều kiện thi công thực tế.
Dự án đầu tư mở rộng nâng công suất khai trường Bắc Đồng Vông (Tân Dân) công suất 500.000 tấn/năm, Xí nghiệp than Hoành Bồ (đây là dự án chuyển tiếp từ Công ty than Hạ Long sang Công ty than Uông Bí) cũng gặp phải tình trạng này. Quá trình thi công 2 đường lò trong dự án, theo dự kiến ban đầu lò đi trong than, nhưng đào mãi chỉ thấy… đá. Hay như Dự án khoan thăm dò Bắc Cọc Sáu cho Công ty than Hạ Long, nhiều lỗ khoan vốn đã sâu gần nửa cây số thì còn phải khoan qua tầng bãi thải dày đến 200-300m. Điều này không những làm “đội” chi phí khoan mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều yếu tố khác, khối lượng mét lò XDCB cũng giảm so với kế hoạch dự kiến ban đầu lên đến hàng nghìn mét.
Chất lượng tư vấn chưa cao
Nhiều ý kiến cho rằng, những rủi ro nêu trên do yếu tố khách quan: Điều kiện địa chất thực tế phức tạp hơn và có những sai khác so với tài liệu và dự kiến ban đầu là nguyên nhân chính ảnh hưởng đến tiến độ dự án. Tuy nhiên, cũng phải xét đến nguyên nhân chủ quan do chất lượng tư vấn, lập dự án chưa cao của một số chủ đầu tư còn thiếu kinh nghiệm phối hợp với đơn vị tư vấn đã dẫn đến thời gian lập, chỉnh sửa, trình cấp có thẩm quyền thẩm định và phê duyệt dự án kéo dài. Vấn đề đặt ra ở đây là tại sao công tác chuẩn bị đầu tư chưa được kỹ? Đã đành, một số quy định của Nhà nước về quản lý đầu tư hiện nay chưa phù hợp với tình hình thực tế, gây khó khăn cho công tác triển khai, quản lý, điều hành dự án.
Tuy nhiên, cần thẳng thắn nhận ra rằng, một số cán bộ của chủ đầu tư và đơn vị tư vấn chưa phát huy được vai trò, năng lực của mình. Việc các chủ đầu tư, tư vấn thiết kế và đơn vị thi công thiếu sự phối hợp trong lập, duyệt thiết kế dẫn đến việc triển khai đào lò XDCB không kịp thời theo kế hoạch, việc giám sát chưa nghiêm túc cũng dẫn đến không xử lý được các yếu tố phát sinh, biến động so với thiết kế, có thể kể đến một số dự án từng vướng mắc như: Dự án phần lò giếng mỏ than Nam Mẫu; Dự án mỏ Tràng Bạch - Công ty than Nam Mẫu...
Công tác khoan thăm dò bổ sung và lập báo cáo tài liệu địa chất chưa được thực hiện sớm và kỹ càng nên khả năng đánh giá độ tin cậy về tài nguyên, trữ lượng mỏ chưa đầy đủ. Nhiều dự án đều mắc phải tình trạng này như các dự án: Dự án Khai thác xuống sâu dưới mức -150 mỏ than Mạo Khê, Dự án Đầu tư duy trì và mở rộng nâng công suất khai thác hầm lò khu mỏ Cái Đá - Khoáng Sàng Suối Lại - Công ty than Hòn Gai... Việc lựa chọn các thiết bị cho các dự án còn lúng túng chưa chuẩn xác phải điểu chỉnh thiết kế kỹ thuật, kế hoạch đấu thầu làm chậm việc đầu tư các thiết bị của dự án để phục vụ cho thi công.
Chỉ đạo quyết liệt
Năm 2014, kế hoạch đào lò toàn Tập đoàn là 296.700m; trong đó lò XDCB là 32.976m, giảm so với 2013 do Tổng Công ty Đông Bắc đã tách ra, một số dự án đang trong giai đoạn kết thúc XDCB, các dự án mới khởi công diện thi công hạn chế. Xác định những khó khăn trong công tác đào lò XDCB, ngành than đã tập trung rất nhiều giải pháp trong năm 2014.
Theo Phó tổng giám đốc TKV Vũ Thành Lâm: Để nâng cao hiệu quả trong công tác đào lò XDCB, cụ thể trong kế hoạch nhiệm vụ năm 2014 ngành than tiếp tục triển khai các giải pháp thực hiện như: Quyết liệt hơn trong việc áp dụng thiết bị tiên tiến, phát huy tối đa hiệu quả các thiết bị đã đầu tư đặc biệt là xe khoan và máy xúc; đào tạo đội ngũ công nhân lành nghề, đáp ứng yêu cầu sử dụng thiết bị; không kéo dài thời gian sử dụng các công trình tạm trong quá trình thi công đào lò. Tập đoàn đã có chỉ đạo các đơn vị, tăng cường cơ giới hóa trong đào lò một cách hợp lý và sử dụng hiệu quả các thiết bị, máy móc đã đầu tư, rà soát lại kế hoạch đào lò XDCB báo cáo Tập đoàn có thể tăng khối lượng, các đơn vị thành lập các đội đào lò nhanh, tổ chức thi đào lò nhanh tạo phong trào thi đua, tăng cường sản xuất các sản phẩm cơ khí phục vụ cho cơ giới hóa đào lò đồng thời có sự chỉ đạo, thực hiện đồng bộ của hệ thống chính trị nhằm đẩy nhanh tiến độ đào lò XDCB và các dự án khai thác mỏ hầm lò. Các giải pháp này sẽ được quán triệt chặt chẽ đến từng đơn vị trong ngành, đảm bảo thực hiện với hiệu quả cao nhất, đáp ứng được yêu cầu của Tập đoàn đặt ra trong năm 2014 này.
Nguyễn Kiên