Trẻ em đang là “cứu cánh” của truyền hình thực tế?
Trong khi các chương trình truyền hình thực tế dành cho người lớn đang rơi vào trạng thái nhàn nhạt thì sắp tới đây, một loạt chương trình mà đối tượng chơi là trẻ em sẽ được lên sóng.
Cuối tháng 4 vừa qua, thông tin chương trình Bước nhảy hoàn vũ nhí bắt đầu vòng sơ tuyển tại Hà Nội đã gây chú ý với công chúng. Theo nhà sản xuất thì đây là lần đầu tiên tại Việt Nam có một chương trình truyền hình thực tế (THTT) về nhảy múa dành riêng cho đối tượng nhí từ 6-13 tuổi. Các thí sinh nhí tham gia chương trình này cũng phải tuần tự trải qua các vòng thi hứa hẹn nhiều gay cấn gồm: Audition, Đối đầu và Trình diễn theo chủ đề. Tất nhiên sau mỗi phần thi, các tài năng nhí sẽ được các huấn luận viên hướng dẫn, hội đồng giám khảo nhận xét và khán giả sẽ nhắn tin bình chọn.
Ở một phiên bản khác của Thử thách cùng bước nhảy - So you think you can dance mà rất có thể sẽ được thay đổi vào phút cuối với cái tên Vũ điệu tuổi xanh, dành cho trẻ em cũng vừa được sơ tuyển tại Hà Nội.
Chương trình Master Chef phiên bản dành cho người lớn ở mùa đầu đã phần nào thu hút công chúng thì năm nay nhà sản xuất cho “ra lò” luôn phiên bản dành cho trẻ em.
Kể đến là hàng loạt các chương trình THTT pha gameshow đang được phát sóng như: Con đã lớn khôn, Ước mơ của em, Chung sức nhí… rồi chương trình đã tạo được thương hiệu như Đồ Rê Mí, Giọng hát Việt Nhí cũng chuẩn bị vào guồng. Như vậy, sắp tới công chúng sẽ được thưởng thức hàng loạt cuộc thi thố tài năng của một đội ngũ thí sinh nhí hùng hậu.
Thí sinh trong vòng sơ tuyển Bước nhảy hoàn vũ Nhí mùa đầu tiên
Không thể phủ nhận, thời kỳ đầu THTT được xem là “món ngon” trong “thực đơn” giải trí của công chúng. Tuy nhiên, khi tài năng dần cạn kiệt, chiêu trò của nhà sản xuất cũng đã gây nhàm chán vì sự lạm dụng, quá đà thì các chương trình này dần đi vào trạng thái nhạt, nhàm chán. Và khi đó, để giữ được khán giả thì nhà sản xuất phải “đổi món”, cụ thể là chuyển sang đối tượng thiếu nhi và đối tượng này đang được xem là sự “cứu cánh” cho các nhà sản xuất.
Nhưng với những chương trình THTT chỉ là chiêu mua vui, là ván bài lợi nhuận của nhà sản xuất, họ bất chấp để đạt được mục đích thì đối tượng trẻ em tham gia là điều hết sức đáng bàn!
Trước nay, một điều có thể khẳng định THTT như "con dao hai lưỡi"; trong một đêm một con người có thể được tung hô nhưng ngược lại cũng có thể bị vùi dập. Và với độ tuổi non nớt của trẻ nhỏ thì chuyện được tung hô hay vùi dập đều nguy hiểm.
Không phải ngẫu nhiên mà ngay từ khi chương trình THTT đầu tiên dành cho lứa tuổi thiếu nhi là Giọng hát Việt nhí khởi động đã có rất nhiều mối nghi ngại khi để trẻ em tham gia vào một chương trình đậm chất giải trí như vậy. Quả nhiên, việc lên ngôi của quán quân mùa đầu tiên, mặc dù khá thuyết phục nhưng đã gặp không ít búa rìu của dư luận. Thêm nữa là lối đi cho những tài năng nhí ở một môi trường nhiều hào nhoáng và rất khắc nghiệt này thì dường như vẫn bị bỏ ngỏ.
Đông đảo thí sinh nhí đăng ký tham dự Bước nhảy hoàn vũ nhí
Khi tiến hành xây dựng các khung chương trình dành cho thiếu nhi, nhà sản xuất nào cũng cam kết, cũng đảm bảo hạn chế một cách tối đa để không làm ảnh hưởng đến quá trình học tập của trẻ. Thế nhưng với những gì xảy ra ở Giọng hát Việt nhí, đã khiến nhiều phụ huynh không khỏi bàng hoàng về sự thật sau hậu trường, ảnh hưởng việc học, việc thi của các em; bố mẹ phải nấu ăn trong nhà vệ sinh...
Ở thời điểm hiện tại thì việc xuất hiện những tài năng nhí đang rất được dư luận quan tâm, điển hình như sự đăng quang của Đăng Quân- Bảo Ngọc của Tìm kiếm Tài năng Việt Nam, hay Quang Anh- Phương Mỹ Chi trong Giọng hát Việt… Nhưng thử hỏi trong thời gian tới, với tần suất dày đặc các chương trình như vậy thì tài năng ở đâu để đáp ứng cho các cuộc thi?
Thiết nghĩ, tài năng là điều quý giá nên cần được nâng niu, đãi ngộ một cách đúng đắn. Nhãn tiền đã có quá nhiều tài năng ở xứ ta “chết yểu” vì đến với ánh hào quang quá sớm nhưng lại không được bồi dưỡng, trao dồi. Vậy nên, trước khi nghĩ đến việc phát hiện tài năng, việc đầu tiên phải làm là tìm lối đi cho những tài năng ấy. Còn thực tế với con đường tìm kiếm tài năng từ các chương trình THTT như hiện tại thì tài năng chỉ là công cụ, là cỗ máy kiếm tiền của các nhà đầu tư, nhà sản xuất mà thôi.
Nguyễn Dung