FDI sụt giảm: Cần khôi phục lòng tin
(Petrotimes) - Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký trong 6 tháng đầu năm 2012 biểu hiện dòng chảy của FDI thế giới vào nước ta giảm sút sau khi đạt được đỉnh điểm vào năm 2008 với 68 tỉ USD. Do vậy, cần tìm nguyên nhân để nhận diện những cơ hội, cũng như đưa ra những cảnh báo để ngăn chặn tình trạng giảm sút, khôi phục mức tăng trưởng trong nửa cuối năm 2012 và những năm tiếp theo.
6 tháng đầu năm 2012, nền kinh tế nước ta tăng trưởng chậm lại với GDP chỉ tăng 4,38%, thấp hơn 1,25 điểm % so với cùng kỳ năm trước. Nhiều doanh nghiệp trong nước, chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ lâm vào tình trạng đình trệ. Trong khi đó, phần lớn doanh nghiệp FDI vẫn duy trì sản xuất, kinh doanh, một bộ phận còn mở rộng quy mô, nổi bật là tăng nhanh kim ngạch xuất nhập khẩu. Vốn FDI thực hiện vẫn tăng tuy không nhiều, nhưng vốn FDI đăng ký giảm sút so với cùng kỳ 2011.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, từ 1/1 đến ngày 20/6/2012, có 452 dự án FDI mới được cấp phép với vốn đăng ký là 4.762,1 triệu USD, vốn tăng thêm của 12 dự án FDI đang hoạt động là 1.621,9 triệu USD. Tính chung cả đăng ký mới và tăng thêm là 6.384 triệu USD, bằng 72,3% cùng kỳ 2011. Trong tổng vốn FDI đăng ký mới và tăng thêm thì công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 4.021 triệu USD, chiếm gần 70%.
Trái ngược với sự sụt giảm của vốn đăng ký, vốn FDI thực hiện trong 6 tháng đầu năm là 5,4 tỉ USD, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm trước. Đây chính là tiêu chí để đánh giá thực trạng, tác động và vấn đề đặt ra đối với hoạt động đầu tư nước ngoài.
Mặc dù kinh tế thế giới rất khó khăn, UNCTAD vẫn đưa ra dự báo khá lạc quan về FDI toàn cầu năm 2012 khi cho rằng sẽ đạt khoảng 1,6 - 2,0 nghìn tỉ USD, tăng 25% so với năm 2011. |
Hoạt động FDI trong 6 tháng đầu năm 2012 được dư luận quan tâm nhất là vấn đề chuyển giá. Thanh tra 575 doanh nghiệp FDI báo cáo lỗ từ 2005 đến 2009 đã cho kết quả giảm lỗ hơn 4.000 tỉ đồng và truy thu thuế hơn 212 tỉ đồng. Trong đó 43 doanh nghiệp có dấu hiệu chuyển giá, đã xử phạt 37 doanh nghiệp để truy thu thuế và phạt 27 tỉ đồng.
Vốn FDI đăng ký trong 6 tháng đầu 2012 thấp là biểu hiện của dòng chảy FDI thế giới vào nước ta giảm sút sau khi đạt được đỉnh điểm vào năm 2008 với 68 tỉ USD (đã được điều chỉnh so với con số đã công bố ban đầu là 72 tỉ USD). Do vậy, chúng ta cần tìm nguyên nhân từ các nhân tố gắn với môi trường đầu tư để có giải pháp ngăn chặn tình trạng giảm sút, khôi phục mức tăng trưởng trong nửa cuối năm 2012 và những năm tiếp theo.
Theo khảo sát của Ngân hàng HSBC thì chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất nước ta tiếp tục sụt giảm, từ 48,3 điểm trong tháng 5/2012xuống còn 46,6 điểm trong tháng 6. Nó cho thấy điều kiện kinh doanh của lĩnh vực sản xuất tiếp tục sa sút. Đây là tháng thứ 3 liên tiếp, cũng là tháng PMI giảm nhanh nhất kể từ khi cuộc khảo sát được bắt đầu tiến hành vào tháng 4/2011.
UNIDO, Tổng cục Thống kê và Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vừa hoàn thành “Báo cáo sơ bộ về đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp Việt Nam 2010” dựa trên điều tra gần 1.500 doanh nghiệp (57% là doanh nghiệp FDI). Báo cáo cho thấy, các doanh nghiệp FDI có tỉ suất lợi nhuận trước thuế khoảng 7,6% (mức trung bình trong vòng 3 năm qua), trong khi con số kỳ vọng của doanh nghiệp FDI là 9%. Chỉ có 8% doanh nghiệp FDI cho biết có ý định mở rộng đầu tư trong vòng 3 năm tới. Con số tương ứng với doanh nghiệp trong nước là 30%.
Báo cáo khảo sát lần thứ 7 về đánh giá của các doanh nghiệp châu Âu hàng quý do Phòng Thương mại và Công nghiệp châu Âu (EuroCham) vừa công bố cho biết,phản hồi của doanh nghiệp đánh giá tình hình kinh doanh hiện tại “không tốt” tăng đến 29%, cao hơn mức 19% của quý trước.Trong khi đó, không một doanh nghiệp nào phản hồi tình hình kinh doanh hiện tại của họ là “xuất sắc”.
Giám đốc điều hành EuroCham Paul Jewell nhận xét, sự bất ổn của nền kinh tế vĩ mô, tỉ lệ lạm phát cao, tham nhũng và các thủ tục hành chính vẫn tiếp diễn. Các nhà đầu tư châu Âu đang ngày càng tìm kiếm các điểm đến đầu tư khác trong ASEAN. Do đó, Việt Nam cần phải nỗ lực hơn nữa để duy trì sức cạnh tranh trong khu vực. Các tiến trình có thể nhìn thấy được hướng đến một hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU sẽ là bước đi đúng đắn và giúp khôi phục lòng tin của các nhà đầu tư.
Những ý kiến đa chiều của đại diện các tổ chức quốc tế, nhà đầu tư có thể chưa phản ánh đầy đủ những tiến bộ trong điều hành kinh tế vĩ mô, cải cách thủ tục hành chính, mà Chính phủ Việt Nam đã và đang thực hiện. Tuy vậy, đó cũng là sự cảnh báo cần thiết đối với các nhà hoạch định chính sách về việc đẩy nhanh hơn nữa cuộc cải cách kinh tế bằng công khai và minh bạch hệ thống chính sách, luật pháp, với các thủ tục hành chính đơn giản, có hiệu quả...
Các dự báo quốc tế gần đây đều dè dặt trong việc nhận định khả năng phục hồi kinh tế thế giới do còn tiềm ẩn nhiều nhân tố bất ổn, nhất là khủng hoảng nợ công ở châu Âu và ở nhiều nước khác. Mặc dù vậy, UNCTAD (Diễn đàn Thương mại và Phát triển Liên Hiệp Quốc) vẫn đưa ra dự báo khá lạc quan về FDI toàn cầu năm 2012 khi cho rằng, sẽ đạt khoảng 1,6 - 2,0 nghìn tỉ USD, tăng 25% so với năm 2011.
Trong quan hệ kinh tế đối ngoại, nước ta đang đứng trước nhiều cơ hội mới, trong đó có hoạt động FDI với một số nhân tố chủ yếu sau:
Thứ nhất, ASEAN đang tiến gần đến cộng đồng kinh tế, trong đó có thị trường chung về hàng hóa và dịch vụ, khu vực đầu tư chung.
Thứ hai, với Hiệp định đối tác chiến lược với Nhật Bản từ năm 2010, quan hệ giữa hai nước đã có bước phát triển tốt đẹp cả về chính trị và kinh tế. Nhật Bản là nước đứng đầu về ODA và FDI của Việt Nam, đang hợp tác đầu tư vào công nghệ cao, dịch vụ hiện đại và công nghiệp phụ trợ.
Thứ ba, Việt Nam và EU đã tiến thêm một bước phát triển mới, được đánh dấu bằng Hiệp định đối tác toàn diện vừa được ký kết và đang tiến tới FTA có lợi cho thương mại hai chiều do miễn giảm thuế quan và cho đầu tư từ các nước thành viên EU vào Việt Nam.
Thứ tư, quan hệ Việt Nam - Mỹ tiếp tục được cải thiện. Thương mại hai chiều giữa hai nước gia tăng nhanh chóng, nhiều phái đoàn các nhà đầu tư từ nhiều bang của Mỹ đã đến Việt Nam tìm kiếm cơ hội đầu tư.
Do vậy, nếu biết tranh thủ cơ hội bằng hệ thống giải pháp thích hợp với từng đối tác trên đây thì chúng ta sẽ thu hút thêm được FDI có chất lượng cao hơn, góp phần sớm khôi phục tỉ lệ tăng trưởng GDP hàng năm đã đạt được 7,5- 8% theo hướng bền vững.
Lê Quân
(Năng lượng Mới số 144, ra thứ Ba ngày 7/8/2012)