BIDV tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông năm 2014
Ngày 25/4/2014 tại Hà Nội, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tổ chức Đại hội đồng Cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2014. Đại hội diễn ra đúng vào dịp kỷ niệm 57 năm ngày thành lập BIDV (26/4/1957 – 26/4/2014).
Tham dự Đại hội có 436 cổ đông và người đại diện, đại diện cho tổng số 20.508 cổ đông có quyền biểu quyết (chiếm 97,88 % tổng số cổ phần có quyền biểu quyết).
Đại hội đã nghe báo cáo của HĐQT, Ban Tổng Giám đốc về kết quả kinh doanh 2013. Theo đó, tính đến 31/12/2013, nguồn vốn huy động của các tổ chức kinh tế và dân cư đạt 416.726 tỷ đồng, tăng trưởng 16,4% so với năm 2012. Cơ cấu huy động vốn của BIDV có chuyển biến tích cực theo hướng tăng tính ổn định của nền vốn, đóng góp hiệu quả cho mục tiêu tiết kiệm chi phí vốn. Dư nợ tín dụng cho nền kinh tế đạt gần 392 nghìn tỷ đồng, tăng 16,7% so với năm 2012, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Hoạt động tăng trưởng tín dụng đảm bảo theo đúng định hướng của Chính phủ, NHNN, đồng thời kiểm soát cơ cấu, chất lượng tín dụng theo mục tiêu kế hoạch năm.
Quang cảnh Đại hội đồng cổ đông thường niên BIDV 2014
Lợi nhuận trước thuế đạt 5.290 tỷ, hoàn thành 112% kế hoạch ĐHĐCĐ 2013 giao; Đảm bảo trích lập dự phòng rủi ro; Tỷ suất lợi nhuận/tổng tài sản (ROA) đạt 0,78%; Tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 13,8%; Tỷ lệ chi trả cổ tức: 8,5%.
Đặc biệt, trong năm 2013, thực hiện Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2011-2015” của Ngân hàng Nhà nước; BIDV đã chủ động xây dựng và tổ chức thực hiện Phương án tái cơ cấu giai đoạn 2013-2015; trong đó tập trung 03 nhóm giải pháp cơ bản bao gồm: (1) Giải pháp tăng cường năng lực tài chính thông qua thực hiện các giải pháp tăng vốn, cơ cấu tài sản có. (2) Giải pháp tái cơ cấu hoạt động: Nâng cao chất lượng tài sản, kiểm soát chất lượng tín dụng; Cơ cấu lại công ty trực thuộc, liên doanh, liên kết, đẩy mạnh thoái vốn đầu tư tài chính ngoại ngành; Quản lý chi phí hiệu quả; Định vị nền khách hàng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả; Đẩy mạnh hoạt động ngân hàng bán lẻ; Đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án công nghệ trọng điểm. (3) Tái cơ cấu về mô hình tổ chức, quản trị điều hành: Đổi mới đồng bộ nguồn nhân lực; Củng cố lại mô hình tổ chức; Đổi mới hệ thống quản trị điều hành; Cơ cấu lại mạng lưới hoạt động...
Năm 2013, BIDV tiếp tục kiểm soát có kết quả chất lượng tín dụng theo quy định, giảm nợ xấu. Tỷ lệ nợ xấu tiếp tục được khống chế ở mức dưới 3%/năm. Các biện pháp được BIDV tập trung thực hiện bao gồm: Rà soát thường xuyên các khoản vay; Chủ động phối hợp với khách hàng vay thực hiện việc đánh giá chất lượng và khả năng thu hồi các khoản nợ; Tăng cường trích lập, sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu theo quy định của pháp luật; Đẩy nhanh tiến độ xử lý các tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu…
Cũng trong năm 2013, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về việc rà soát, điều chỉnh tái cơ cấu danh mục đầu tư theo tinh thần Nghị quyết số 15/NQ-CP ngày 06/03/2014, BIDV đã thực hiện quyết liệt thoái vốn tại khoản đầu tư ngoài ngành đảm bảo hoàn tất trước 31/12/2015.
Cổ đông biểu quyết thông qua kế hoạch 2014 của ban điều hành
Về tăng vốn điều lệ, ngày 6/8/2013 BIDV đã hoàn thành đợt tăng vốn điều lệ từ 23.012 tỷ đồng lên 28.112 tỷ đồng với số lượng phát hành thực tế 510.032.102 cổ phiếu, đạt 99,998% tổng số cổ phiếu được phép phát hành qua đó giúp nâng cao năng lực tài chính và đáp ứng nhu cầu tăng trưởng của BIDV đồng thời góp phần tuân thủ các quy định của NHNN về đảm bảo an toàn hoạt động.
Về công tác niêm yết cổ phiếu, ngày 24/01/2014, BIDV đã thực hiện niêm yết thành công toàn bộ 2.811.202.644 cổ phiếu trên Sở Giao dịch chứng khoán Tp.Hồ Chí Minh. Sau trên 2 tháng giao dịch cổ phiếu BID đã thu hút rất lớn sự quan tâm của thị trường với khối lượng giao dịch bình quân xấp xỉ 2 triệu đơn vị/ngày. Việc niêm yết thành công tạo điều kiện cho BIDV nâng cao tính minh bạch và linh hoạt trong huy động vốn cổ phần đáp ứng nhu cầu phát triển kinh doanh.
Trong lĩnh vực Công nghệ thông tin, năm 2013, BIDV đã tích cực phát triển cơ sở hạ tầng, vận hành tập trung, duy trì hoạt động liên tục, an toàn, ổn định; Kết nối thanh toán điện tử song phương với Kho bạc Nhà nước, Triển khai cung cấp Dịch vụ nộp thuế điện tử với Tổng cục Thuế. Cũng trong năm 2013, toàn hệ thống BIDV đã nâng cao năng lực quản trị điều hành theo mô hình tổ chức mới; Tăng cường triển khai công tác phát triển thể chế gắn với đẩy mạnh cải cách hành chính; Thực hiện bài bản công tác quản trị chiến lược; Cơ cấu mô hình tổ chức tiếp tục được đổi mới; Nâng cao năng lực quản trị rủi ro; Nâng cao năng lực nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu...
Nỗ lực của BIDV trong năm 2013 đã được các cơ quan, tổ chức trong nước và quốc tế ghi nhận, trao tặng nhiều giải thưởng cao quý, tiêu biểu như: Top 10 Thương hiệu mạnh Việt Nam, Top 10 Nhãn hiệu nổi tiếng, Thương hiệu quốc gia, Sản phẩm vàng - Dịch vụ vàng Việt Nam...; Các giải thưởng quốc tế như: Top 1.000 ngân hàng tốt nhất thế giới, Ngân hàng Quản lý tiền tệ tốt nhất Việt Nam, Ngân hàng nội địa cung cấp dịch vụ ngoại hối tốt nhất Việt Nam, Thương hiệu nổi tiếng Asean...
Đại hội đồng cổ đông 2014 đã xác định mục tiêu và các giải pháp, biện pháp của toàn hệ thống năm 2014, cụ thể: Nguồn vốn huy động, tăng trưởng 13%; Dư nợ tín dụng tăng trưởng 13%; Lợi nhuận trước thuế: 6.000 tỷ đồng; Tỷ lệ nợ xấu, dưới 3%; ROA, 0,79%; ROE, 13,8%; Tỷ lệ chi trả cổ tức, không thấp hơn 9%.
L.T