Gánh nặng của bài toán thiếu thợ
Theo thống kê của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) trong 3 năm trở lại đây, trung bình mỗi năm, quân số thợ lò của ngành than giảm 3.500-4.500 người, gồm cả bỏ việc và chuyển việc. Đây thực sự là mối lo ngại rất lớn của ngành than trong giai đoạn hiện nay.
Năng lượng Mới số 316
Hết lòng với công nhân…
Những năm qua TKV luôn dành sự quan tâm rất lớn đến điều kiện làm việc, ăn ở, đi lại và thu nhập cho thợ lò bằng một loạt các cơ chế, chính sách ưu đãi của ngành than đưa ra như: Lương cao hơn các nghề khác; được ăn ở, đào tạo nghề miễn phí, có nơi ở khang trang vẫn không thu hút được lao động. Bên cạnh sự quan tâm đảm bảo việc làm cho người lao động, các đơn vị của ngành than đã không ngừng đầu tư trang thiết bị, nhằm cải thiện môi trường làm việc cho cán bộ, công nhân viên, như đầu tư đổi mới công nghệ, từ chống lò bằng gỗ trước đây, chuyển đổi sang chống lò bằng vì sắt, rồi cột thủy lực đơn, giàn chống tự hành. Nhiều đơn vị đã đầu tư máy khấu than thay cho nổ mìn thủ công đạt hiệu quả khả quan như Khe Chàm, Nam Mẫu, Vàng Danh… Trong đào lò, đa phần các đơn vị đã có máy đào lò, máy xúc đất đá lật hông thay cho lao động thủ công…
Khai thác than ở Vàng Danh
Về điều kiện ăn ở, đi lại hầu như các đơn vị trong Tập đoàn đều làm tốt công tác này. Nhiều bếp ăn tự chọn với vài chục món ăn đáp ứng yêu cầu cho thợ mỏ ăn giữa ca đảm bảo sức khỏe tái sản xuất sức lao động. 100% các đơn vị có xe đưa đón công nhân từ nơi ở đến tận khai trường sản xuất. Một số đơn vị còn có xe đón công nhân tại quê. Về chỗ ở, mặc dù chưa đáp ứng được toàn bộ công nhân nhưng đa phần các đơn vị cũng đã có khu tập thể khang trang, sạch sẽ, có đầy đủ cơ sở hạ tầng, đáp ứng phần nào nhu cầu về chỗ ở cho công nhân.
Có thể khẳng định, các đơn vị trong Tập đoàn đã nỗ lực và có nhiều đầu tư trong việc chăm lo cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao đời sống cho người lao động nói chung và thợ lò nói riêng. Năm 2014, TKV quyết định tăng lương cho thợ lò cao hơn 5% so với năm 2013, tuy nhiên, vấn đề tuyển dụng và giữ chân thợ lò vẫn luôn là sự trăn trở của toàn ngành. Theo báo cáo của Ban Lao động - Tiền lương của TKV, 3 năm trở lại đây khoảng 3.500-4.500 công nhân bỏ hoặc chuyển việc, trong tổng số gần 135 nghìn lao động của ngành than hiện nay thì đội ngũ thợ lò là 28,7 nghìn người, trong đó thợ khai thác và đào lò gần 21,8 nghìn người. Với số lượng thợ lò hiện tại chỉ có thể đáp ứng nhu cầu sản xuất trước mắt của Tập đoàn, còn nhiệm vụ cho các năm tiếp theo đặt trong bối cảnh kinh tế khó khăn, điều kiện khai thác xuống sâu thì thực sự đặt ngành than rơi vào thế bế tắc.
Khó từ đầu vào
10 năm về trước nghề thợ lò là niềm mơ ước của nhiều người, bây giờ thì hoàn toàn ngược lại, vùng tuyển học viên của hai trường nghề của TKV là Hồng Cẩm và Hữu Nghị dần bị thu hẹp ở khu vực Đồng bằng sông Hồng. Phạm vi tuyển mở rộng lên tận các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa vô cùng gian nan. Báo cáo của Trường cao đẳng Nghề mỏ Hồng Cẩm cũng cho biết, năm 2013, công tác tuyển sinh của nhà trường chỉ đạt 65% kế hoạch, trong khi tỷ lệ học viên bỏ học giữa chừng 3 năm trở lại đây luôn ở mức 10-14,7%.
Một cán bộ tuyển dụng trong ngành phải thẳng thắn bày tỏ: Tuyển công nhân về là một chuyện, đào tạo và giữ được người thợ gắn bó với nghề còn khó hơn thế gấp nhiều lần. Mặt khác, lượng tuyển vào khó có thể bù đắp lại lượng thợ bỏ việc khiến số lượng thợ lò có thâm niên ở các công ty ngày càng giảm dần, trong khi, ngoài yếu tố sức khỏe thì kinh nghiệm của những người thợ lâu năm rất quan trọng đối với nghề nguy hiểm này. Những năm gần đây, vòng tuổi nghề của thợ lò ngày càng ngắn. Thợ lò tuyển dụng vào làm việc nhiều, song số bỏ việc sau một vài năm cũng không nhỏ. Do vậy, nhiều đơn vị chi phí cho việc tuyển dụng lao động không nhỏ, nhưng thợ lò vẫn không tăng, trong khi nhu cầu lao động thợ lò theo quy hoạch ngày càng lớn. Mặt khác, các đơn vị ngày càng thiếu những thợ lò dày dạn kinh nghiệm.
Trước đây, những thợ lò già chỉ nhìn gương lò là có thể phán đoán được những nguy cơ mất an toàn hoặc tìm ra được giải pháp khấu than, đào lò hiệu quả nhất. Điều đó không thể có được trong những thợ lò mới có vài năm tuổi nghề. Không những vậy, mất 1 thợ lò nghĩa là các công ty mất ít nhất 2 năm đào tạo thợ, với mức kinh phí 35-45 triệu đồng/người. Thời gian, công sức, kinh phí dành cho lớp thợ mới lại tiếp tục bắt đầu từ con số 0. Không ít học viên đã dứt áo ra đi từ lúc… thực tập đầu tiên vì thấy cảnh vất vả, rủi ro, độc hại. Trong những năm tiếp theo, ngành than cần một lực lượng lao động hùng hậu mới để giữ vững an ninh năng lượng đất nước, thiết nghĩ ngành than trước mắt cần giải quyết được vấn đề lớn nhất hiện nay đó công tác an toàn lao động và nâng cao hơn nữa đời sống của công nhân.
Thực trạng thợ lò bỏ việc từ năm 2010 đến nay có xu hướng tăng. Năm 2010, số thợ lò bỏ việc là 1.741 người, trong đó có 1.348 thợ khai thác mỏ, 285 thợ cơ điện mỏ, 108 thợ xây dựng mỏ. Năm 2011, số thợ lò bỏ việc là 2.168 người, trong đó có 1.705 thợ khai thác mỏ, 311 thợ cơ điện mỏ... Con số thợ lò bỏ việc năm 2012 đạt mức kỷ lục: 2.424 người, trong đó có 1.844 thợ khai thác mỏ, 182 thợ xây dựng mỏ và 398 thợ cơ điện mỏ, 9 tháng đầu năm 2013, số thợ lò bỏ việc là 1.604 người. Tính trung bình đến nay, mỗi năm, quân số thợ lò của ngành than giảm 3.500-4.500 người, gồm cả bỏ việc và chuyển việc.
Nguyễn Kiên