Nóng tuyển dụng lao động và cổ phần hóa
Trong buổi họp báo tổng kết công tác sản xuất kinh doanh quý I/2014 diễn ra ngày 17/4 vừa qua, Phó tổng giám đốc - người phát ngôn Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) Nguyễn Văn Biên khẳng định, ngành than sẽ sớm tạo đột biến trong thu nhập của thợ lò, nhất là trong bối cảnh Tập đoàn đang bước vào giai đoạn đỉnh cao tái cơ cấu…
Năng lượng Mới số 315
TKV đúng hẹn 2015
Trong tổng số trên 400 doanh nghiệp Nhà nước cần phải cổ phần hóa theo lộ trình Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, TKV có 8 đơn vị. Đến thời điểm hiện tại, 2/8 doanh nghiệp đã cổ phần hóa xong, trong khi cả 6 doanh nghiệp còn lại đồng loạt triển khai các thủ tục cần thiết để IPO ngay trong năm 2014.
Phó tổng giám đốc Nguyễn Văn Biên bật mí, trong 3 đơn vị thành viên lớn là Tổng Công ty Khoáng sản, Tổng Công ty Công nghiệp mỏ Việt Bắc và Tổng Công ty Điện lực thì Tổng Công ty Điện lực là đơn vị nhận được lời đề nghị trở thành đối tác chiến lược từ nhiều doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước. Vượt lên tất cả, ông Biên khẳng định, các doanh nghiệp của TKV chắc chắn sẽ hoàn thành cổ phần hóa ngay trong năm nay và cả 8 sẽ bắt đầu hoạt động theo mô hình công ty cổ phần từ ngày 1/1/2015.
Thợ lò là đối tượng luôn được ngành than ưu tiên hàng đầu
Theo công bố của TKV, đã giảm tỷ lệ sở hữu vốn tại các công ty không thuộc ngành nghề chính đã cổ phần hóa từ mức sở hữu chi phối xuống dưới 36%. Đối với đầu tư ngoài ngành, TKV đã hoàn thành thoái vốn tại Bảo hiểm Hàng không (VNI) và thu về 50 tỉ đồng, bảo toàn vốn chủ sở hữu. Ngoài ra, TKV còn vốn tại 4 doanh nghiệp khác là Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB), Chứng khoán SHS, Công ty Cổ phần Quản lý quỹ đầu tư Sài Gòn - Hà Nội (SHF) và Khu công nghiệp kinh tế Hải Hà.
Theo số liệu TKV hiện đang sở hữu 4,1% tại SHB; 8,22% tại SHS và 3,44 triệu cổ phiếu SHF. Tổng vốn đầu tư ngoài ngành tại 4 doanh nghiệp trên là 500 tỉ đồng, trong đó SHB và SHS là 400 tỉ đồng; tại SHF là 50 tỉ đồng và tại Khu công nghiệp kinh tế Hải Hà là 47 tỉ đồng. Theo Phó tổng giám đốc Nguyễn Văn Biên, hiện giá cổ phiếu SHB đang giao dịch ở mức trên 10.000 đồng/cổ phiếu, trong khi tại mức giá 8.000 đồng/cổ phiếu thì Tập đoàn đã có thể rút vốn vì đã trích lập dự phòng đầu tư. TKV có thời gian để chờ khi cổ phiếu đạt giá tốt rồi thoái vốn một thể.
Thợ lò sẽ là trung tâm
Trong 5 năm trở lại đây, nhân công bỗng trở thành “vấn đề lớn” với TKV. Có lẽ chưa khi nào ngành than lại khổ sở mỗi khi nghĩ đến chuyện thu hút lao động đến vậy. Tình trạng công nhân, đặc biệt là những người làm việc trực tiếp trong hầm lò đơn phương bỏ việc vì cho rằng, điều kiện làm việc không tương xứng với thu nhập, không đủ trang trải cuộc sống là có thật và nó là sức ép với các đơn vị sản xuất trực tiếp.
Theo ông Nguyễn Ngọc Lân, Phó chánh văn phòng TKV, hiện nay xã hội đã thay đổi nhiều, hầm lò không còn là “mơ ước” của giới thợ nữa. “Rõ ràng người lao động có nhiều sự lựa chọn hơn là chui vào hầm lò, nếu mức lương chỉ dậm chân tại chỗ trong lúc lạm phát tăng như hiện tại. Thêm nữa, các nghề nghiệp khác trong xã hội cũng ít nguy hiểm hơn và có khi người lao động lại được ở gần gia đình, gần quê hương”.
Theo chỉ đạo của Tổng giám đốc Lê Minh Chuẩn, từ ngày 1/1 năm nay, tất cả các đơn giá áp dụng trong các bước công việc khai thác, đào lò tại các đơn vị sẽ đồng loạt được tăng 5%. Điều này đồng nghĩa với việc, tiền lương sản phẩm của thợ lò sản xuất trực tiếp sẽ tăng 5% so với năm ngoái. Đây là một trong những biện pháp trong chủ trương của Tập đoàn nhằm quan tâm hơn nữa đến đội ngũ thợ lò, khuyến khích thợ lò hăng say trong lao động sản xuất, gắn bó với nghề. “Mặc dù còn nhiều khó khăn do tình hình tiêu thụ than vẫn chưa có dấu hiệu bền vững, nhất là công tác xuất khẩu. Than có thể phải tồn đọng, nhưng Tập đoàn sẽ chỉ đạo linh hoạt để thợ lò không phải ngừng việc. Trái lại, lương của thợ lò còn được tăng cao để thu hút giới trẻ yêu nghề hơn” - Phó tổng giám đốc Nguyễn Văn Biên nêu rõ.
Những năm gần đây, tình trạng thợ lò chuyển việc từ đơn vị này sang đơn vị khác có chiều hướng gia tăng. Mặt khác, công tác tuyển sinh thợ lò cũng gặp khó khăn hơn tại một số vùng. Tuy nhiên, với chính sách ưu đãi và chăm lo tốt, cùng với việc cải thiện đáng kể điều kiện làm việc tại các mỏ nên chưa có mỏ than nào thiếu thợ lò, chỉ có tình trạng thợ lò chuyển từ đơn vị này sang đơn vị khác trong cùng Tập đoàn. Dự kiến, sau khi tái cơ cấu ngành, sẽ có khoảng 1,5 vạn người lao động TKV được cho nghỉ theo tiến độ giãn cách trong khoảng 10 năm.
Liên quan đến tình hình tài chính của TKV, từ tháng 8/2013 vừa rồi, các cơ quan chức năng đã điều chỉnh giá than bán cho điện. Giá bán mới đã đạt 100% giá thành (trước đó chỉ bằng 86%) sản xuất năm 2013. Đó là thông tin, dù muộn nhưng hết sức phấn khởi, bởi yếu tố thị trường đã được trả lại cho giá than và giá điện.
Theo kế hoạch của TKV thì sau 2018, khi công suất từ các nguồn huy động từ nguồn nhiệt điện than tăng nhanh theo chỉ đạo của Chính phủ, nguồn than cung cấp từ TKV sẽ buộc phải tăng lên gấp rưỡi hiện tại. Tình hình đó buộc TKV cần phải triển khai những nhóm giải pháp đồng bộ hơn nữa để làm sao ít nhất giữ chân số lượng gần 5 vạn thợ lò đang sản xuất trực tiếp, hoặc ít nhất phải đào tạo đủ nhân lực để bù đắp cho 2.000-3.000 công nhân bỏ việc mỗi năm như hiện tại. Một bài toán không dễ dàng!
Lê Tùng