Kỷ niệm 35 năm thành lập Công ty Than Uông Bí
Hôm nay 19/4, tập thể lãnh đạo, cán bộ công nhân viên Than Uông Bí long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 35 năm ngày thành lập Công ty (19/4/1979 – 19/4/2014).
Ra đời trong thời kỳ bao cấp gian khó, lớn lên trong cơ chế thị trường với nhiều cam go và đã qua nhiều lần sắp xếp đổi mới doanh nghiệp, phù hợp với nhu cầu phát triển, đó là cuộc hành trình không mỏi của các thế hệ CNCB Than Uông Bí. Công ty đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba vì đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và Huân chương Lao động hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba v.v
Những công ty than lớn như Mạo Khê, Vàng Danh, Nam Mẫu; các trường học như Đại học Sao Đỏ, Cao đẳng Nghề mỏ Hữu nghị, Cao đẳng Xây dựng Công nghiệp và hàng loạt đơn vị xây lắp mỏ, cơ khí, cơ điện, vận tải, chế biến than, cơ sở y tế v.v. trước đây đều thuộc Công ty than Uông Bí. Có thời điểm, lực lượng lao động toàn Công ty lên tới gần 21 nghìn người và trên 3 nghìn học sinh học nghề.
Trụ sở Công ty Than Uông Bí hiện nay
Sau khi thành lập Tổng Công ty than Việt Nam (1994), Công ty Than Uông Bí được tổ chức lại. Theo đó, hai “ông anh” lớn là Mỏ than Vàng Danh và Mỏ than Mạo Khê và một số đơn vị khác được tách ra khỏi Công ty than Uông Bí. Đến tháng 4 năm 1999, Mỏ Bảo Đài và Tràng Bạch được tách ra khỏi Công ty để sáp nhập vào Mỏ than Vàng Danh và Mỏ than Mạo Khê. Mỏ than Yên Tử và Mỏ than - Than Thùng được sáp nhập lại lấy tên mới là Mỏ than Nam Mẫu.
Ngày 28/11/2005, theo Quyết định số 3911/QĐ-BCN của Bộ Công nghiệp, Công ty than Uông Bí hoạt động theo mô hình Công ty mẹ - Công ty con với 7 đơn vị thành viên. Trong đó, 3 công ty con do Công ty nắm giữ 100% vốn là Than Nam Mẫu; Than Hồng Thái và Than Đồng Vông. 3 Công ty con do Công ty nắm giữ trên 50% vốn là Nhà máy Cơ khí Ô tô Uông Bí; Công ty CP Sản xuất và Thương Mại và Công ty CP. Hạ Long. Xí nghiệp Sàng tuyển và Cảng là đơn vị hạch toán phụ thuộc Công ty TNHH MTV Than Uông Bí - TKV.
Từ tháng 7/2008, Công ty TNHH một thành viên Than Nam Mẫu tách ra khỏi tổ hợp Công ty Than Uông Bí.
Đến ngày 7/2/2013, Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Đề án “Tái cơ cấu Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam giai đoạn 2012 - 2015". Theo đó, Công ty than Hồng Thái - đơn vị chủ lực của Than Uông Bí - thành Chi nhánh của Tập đoàn; các công ty cổ phần thoái vốn khỏi Công ty; giải thể Công ty than Đồng Vông và hai Xí nghiệp trực thuộc. Công ty than Uông Bí được sắp xếp lại theo mô hình quản lý một cấp trên cơ sở sáp nhập Than Đồng Vông, Than Hoành Bồ và XN sàng tuyển và cảng vào Công ty mẹ.
Đó là hàng loạt công trình xây lắp mỏ, kết cấu hạ tầng do “mẹ” cùng các “con” xây dựng từ thời bao cấp, tạo cơ sở vững chắc cho việc mở rộng diện khai thác than sau này. Ở Mạo Khê, đôi giếng nghiêng đã đào chống đến mức - 80. Tại khu vực Uông Bí, Vàng Danh, Công ty cũng đã xây dựng xong và đưa vào sản xuất 3 lò chợ khu 56, 3 lò chợ khu Tràng Khê II; chuẩn bị xong vỉa 8 Tây Vàng Danh, cả 3 vỉa 7, 8, 9 Cánh Gà đã hoàn chỉnh lò cái, các thượng vận tải, thông gió và các sân ga chân thượng v.v.
Trên mặt bằng đã xây dựng xong Phân xưởng Cơ khí ở Vàng Danh; hoàn thành đường sắt dài 3km từ Tràng Khê về nhà sàng v.v. Các công trình này đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao sản lượng và hiệu quả sản xuất kinh doanh của từng mỏ và cả vùng; đến nay vẫn còn phát huy hiệu quả đầu tư.
Năm đầu thành lập (1979), sản lượng than toàn Công ty (trong đó cả Mạo Khê, Vàng Danh) chỉ có 796. 994 tấn; đến năm 1987 sản lượng cao nhất, xấp xỉ 1,1 triệu tấn.
Với Than Uông Bí, khó khăn gay gắt nhất là thị trường tiêu thụ than, thiếu vốn sản xuất và lực lượng lao động quá đông. Thời điểm này, sản lượng toàn Công ty khoảng một triệu tấn than nhưng tiêu thụ chật vật. Sản xuất than và xây lắp gặp khó khăn, kéo theo sự khốn khó cho các khối phụ trợ như: Cơ khí, các trường dạy nghề, các ngành dịch vụ khác… Đến cuối thập kỷ 80, lực lượng lao động của Công ty dôi dư hơn 8.000 người; sản xuất thua lỗ, đời sống CBCNVC sa sút nghiêm trọng. Trước tình hình đó, Nghị quyết lần thứ Nhất của Đảng bộ thời kỳ này đã đề ra nhiệm vụ trọng tâm là nhanh chóng ổn định đời sống việc làm cho CBCNV với mục tiêu: Phấn đấu đưa thu nhập của thợ lò mỗi tháng mua được 100 kg gạo, 70 kg đối với thợ cơ điện vận tải và 50 kg đối với lao động sàng than.
Bằng những nỗ lực không ngừng của Công ty, đến cuối năm 1989, Công ty đã xuất khẩu được chuyến tầu than cục 2c đầu tiên với số lượng 11.000 tấn. Bên cạnh đó, Công ty cử người đến các tỉnh để tìm kiếm khách hàng; thậm chí đổi chất đốt cho địa phương lấy gạo, thực phẩm. Những năm 1989 -1990, đời sống của CBCNV Công ty được cải thiện nhờ mở rộng thị trường, trong đó có than xuất khẩu. Đến nay than của Công ty đã có mặt ở nhiều nước trên thế giới, nhưng chuyến tầu 1,1 vạn tấn than cục xuất cho Hàn Quốc cuối năm 1989, mang dấu ấn quan trọng với Công ty Than Uông Bí khi bước vào SXKD theo cơ chế thị trường.
Được sự giúp đỡ, hỗ trợ của Tổng công ty Than Việt Nam, Công ty than Uông Bí từng bước khắc phục khó khăn, mở rộng sản xuất; áp dụng công nghệ mới; tổ chức lại sản xuất, đổi mới phương thức quản lí, điều hành v.v. nhờ đó sản lượng tăng nhanh, bình quân tăng trên 33%/năm. Đặc biệt năm 2005, Công ty đạt sản lượng trên 2 triệu tấn than hầm lò, cao nhất sau 25 năm thành lập. Công ty vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất đánh dấu bước ngoặt và sự phát triển của Công ty trong thời kỳ đổi mới.
Bên cạnh sự tăng trưởng về sản lượng, doanh thu, lợi nhuận v.v. đời sống của người lao động không ngừng được cải thiện. Hàng loạt công trình phục vụ đời sống sinh hoạt cho công nhân được đầu tư xây dựng khang trang, hiện đại như nhà ở, nhà ăn, dây chuyền giặt sấy quần áo cho thợ lò v.v.
Năm 2006 - năm đầu hoạt động trong mô hình mới, Công ty khai thác được 2,413 triệu tấn than nguyên khai; năm 2007, tăng lên 2,721 triệu tấn. Thế nhưng, năm 2008, sản lượng giảm xuống còn 2,37 triệu tấn. Nguyên nhân của sự sụt giảm sản lượng là do Công ty Than Nam Mẫu, đơn vị có sản lượng than chiếm khoảng 50% sản lượng của Công ty mẹ lại “ra ở riêng”. Công ty than Uông Bí lại gặp những khó khăn, trong đó khó khăn lớn nhất là diện sản xuất thu hẹp, phân tán, điều kiện địa chất phức tạp; chất lượng than thấp.
Thêm nữa, từ 2008 đến nay, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu, Tập đoàn cũng như các đơn vị gặp nhiều khó khăn. Tuy vậy, vượt lên tất cả những khó khăn đó, Công ty Than Uông Bí vẫn hoàn thành nhiệm vụ SXKD cấp trên giao. Riêng năm 2013, sản lượng than đạt 2,2 triệu tấn; tổng doanh thu gần 3.600 tỷ đồng, trong đó doanh thu than gần 2.150 tỷ đồng; nộp ngân sách nhà nước gần 300 tỷ đồng, trên 7.800 lao động trong đơn vị với mức bình quân trên 8 triệu đồng/người/tháng. Công ty được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba.
P.V