Trò “móc túi” người dùng điện thoại di động
Hàng loạt người dùng di động hiện nay đang bức xúc vì liên tục bị các nhà mạng di động “chơi xỏ” khiến họ mất tiền oan bởi rất nhiều các dịch vụ thông tin - giải trí tích hợp sẵn trên SIM bị gây phiền toái vì sự bùng phát của các loại tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo tràn ngập như hiện nay.
Năng lượng Mới số 314
Không sử dụng, vẫn mất tiền
Điện thoại được sử dụng ngày nay không đơn thuần chỉ là mục đích nghe - gọi hay nhắn tin mà có thể trở thành nơi để người sử dụng nắm bắt tin tức, lướt web hay giải trí… Nắm bắt cơ hội đó, các nhà mạng di động bắt đầu đưa các dịch vụ cài sẵn trên SIM (bất kể trả trước hay trả sau) vào để nhằm mục đích lén “câu tiền” khách hàng nếu họ không cảnh giác.
Điều đáng nói là rất nhiều khách hàng bày tỏ sự bức xúc vì mỗi tháng tài khoản di động của họ bị trừ nhiều tiền vì các loại dịch vụ kiểu “đánh bẫy” người dùng như: nhận tin tức giải trí, truyện cười, kết quả xổ số, bóng đá, cài đặt ứng dụng game… trong khi bản thân họ không hề có nhu cầu sử dụng những dịch vụ kiểu này. Thậm chí, những thông tin mang tính chất dâm ô, kích dục như những hình ảnh nóng bỏng hay những câu chuyện phòng the sặc mùi sex cũng trở thành mồi nhử đánh vào sự tò mò để các nhà mạng “luộc tiền” khách hàng nếu trót đăng ký.
Thông báo khách hàng trúng thưởng lớn, một chiêu lừa tiền phổ biến của kẻ gian
Tuy nhiên, để việc mất tiền oan này là chuyện không hề đơn giản. Bạn Trần Thu Phương (SV ĐH Thương mại) nói: “Mình đã từng bị trừ tiền rất vô lý từ dịch vụ tin tức giới trẻ 8062 của Viettel. Rõ ràng mình không hề đăng ký dịch vụ này nhưng hằng ngày vẫn nhận được 1-2 tin về giới trẻ của trang này. Cuối cùng mình phải lên mạng tìm hiểu thì mới biết cách hủy dịch vụ là soạn tin theo cú pháp HUY 4TIIN gửi 5055 với mức trừ tiền là 500 đồng thì mới hủy được”.
Các dịch vụ tích hợp sẵn trên SIM như IOD của Vinaphone, Liveinfo của MobiFone hay Viettel Plus của Viettel đã và đang giúp cho các đại gia mạng di động này thu về tiền tỉ từ hàng ngàn SIM số bán ra mỗi năm. Trái lại, nhiều người sử dụng điện thoại di động lại ngấm ngầm bị “móc túi” bởi các loại dịch vụ kiểu “không mời mà đến” này, thậm chí có “nạn nhân” còn chưa kịp biết tên của dịch vụ. Theo kết luận mới đây của Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông thì đây là một hành vi sai phạm của các nhà mạng. Ông Đỗ Đình Rô (Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết: “Không công khai thông tin về giá cước dịch vụ là cái sai thứ nhất. Cái sai thứ hai là không công khai phương thức để khách hàng có thể chấp nhận sử dụng hoặc từ chối dịch vụ”.
Chiêu lừa “nhắn tin nhận quà, nhận giải”
Vài ngày trước, người viết cũng nhận được một tin nhắn rất hấp dẫn từ một đầu số Viettel như sau: “Chúc mừng TB: 01656107535, bạn là TB may mắn nhận được MÓN QUÀ GIẢI ĐẶC BIỆT trong chương trình “Con Số May Mắn”, gọi 19003440 nhận MÓN QUÀ. L/H trước ngày 11/04”. Thực chất, những tin nhắn kiểu này chỉ là mánh khóe mà kẻ gian muốn lợi dụng sự cả tin của khách hàng để thực hiện các hành vi lừa đảo qua điện thoại. Tinh vi ở chỗ, những tin nhắn kiểu này luôn sử dụng những mỹ từ liên quan đến phần thưởng mang giá trị vật chất hấp dẫn như “xe SH trị giá 150 triệu đồng”, “xe Vespa LX”, “món quà giải đặc biệt” hay chí ít cũng là những phần thưởng mang giá trị tinh thần như “lời chúc hay món quà âm nhạc từ người thân/người bạn có tình cảm đặc biệt” để đánh vào lòng tham hay sự tò mò của người nhận được tin nhắn và chúng được gửi đi từ chính đầu số của tổng đài chăm sóc khách hàng nên khi nhận được tin nhắn, ít ai nghĩ rằng đó là lại tin nhắn mạo danh, lừa đảo.
Những dịch vụ tích hợp trên SIM như LiveInfo luôn bẫy tiền người dùng nếu họ không cảnh giác
Bạn Lê Thị Minh Trang (CĐ Thương mại - Du lịch Hà Nội) cho biết: “Lần đầu tiên nhận được tin nhắn từ số của tổng đài thông báo mình trúng giải trong chương trình “Quay số may mắn” của họ, mình thử nhắn tin tới số họ yêu cầu (mà họ nói rằng miễn phí) thì chẳng thấy phần thưởng đâu, kiểm tra tài khoản thì bị trừ hẳn 25.000 đồng cho tin nhắn đó. Thế là từ lần đó cạch luôn, không bao giờ tin những tin nhắn kiểu này nữa”. Mặc dù đã có những cảnh báo từ những nhà mạng về tình trạng kẻ gian lợi dụng kẽ hở để mạo danh nhà mạng, nhắn tin lừa đảo khách hàng nhằm trục lợi bất chính, tuy nhiên có thể thấy, để chấm dứt tình trạng này không phải là chuyện một sớm một chiều và cần phải có sự vào cuộc quyết liệt của nhiều phía.
Hãy tỉnh táo khi nháy máy
Mặc dù nhiều người tỏ ra không bằng lòng vì những dịch vụ tích hợp sẵn trên SIM luôn tìm cách “câu tiền” của họ, thế nhưng tình trạng này vẫn diễn ra với mức độ ngày càng phổ biến. Thêm vào đó, hàng loạt các tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo cũng mọc lên như nấm càng khiến cho người sử dụng di động cảm thấy lao đao vì đã mất tiền oan lại chuốc bực vào thân. Tốt hơn hết, để tránh bị lợi dụng, khách hàng nên trang bị cho mình kiến thức để có thể nhận diện và tránh mắc phải những cái bẫy do những dịch vụ di động giăng ra để đánh vào tài khoản của họ. Nếu cần thiết, có thể đến thẳng trung tâm chăm sóc khách hàng của nhà mạng di động đang sử dụng để yêu cầu hủy tất cả các dịch vụ không cần thiết đi kèm SIM của họ. Tuyệt đối không nên nhẹ dạ làm theo những yêu cầu từ những số lạ như nhắn tin tới số máy lạ khác, cung cấp thông tin cá nhân, nạp tiền, chuyển tiền vào tài khoản đã được chỉ định.
Ông Vũ Quốc Khánh - Giám đốc Trung tâm Ứng dụng khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT) khuyến cáo người dùng cảnh giác với các tin nhắn từ đầu số và thuê bao lạ. Người dùng nên chuyển tiếp các tin nhắn này đến đầu số 456 miễn phí của VNCERT để cơ quan này phân tích xem xét tin nhắn rác đó phát tán từ đầu số nào, của nhà mạng nào để có biện pháp xử lý. Ngoài ra, các nhà mạng cũng chỉ đưa ra biện pháp bảo vệ khách hàng của mình bằng các cảnh báo kiểu như: “Liên hệ 19008198 (200 đồng/phút) của Viettel hoặc tham khảo tại địa chỉ //vietteltelecom.vn để kiểm tra tính xác thực của các thông tin trúng thưởng”. Nhưng nếu quyết tâm và nghiêm túc hơn, các mạng di động hoàn toàn có thể thống kê được những tin nhắn nào là lừa đảo, đầu số nào chuyên phát tán tin nhắn rác để mạnh tay loại bỏ, bảo vệ khách hàng của mình. Còn quan trọng nhất hiện này vẫn là khách hàng phải “tinh” trước những cái bẫy thông tin này.
Theo điều tra mới nhất của Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông, MobiFone đã cố tình “ép” khách hàng sử dụng ứng dụng super SIM và LiveInfo cài đặt sẵn trên SIM của nhà mạng này. Các ứng dụng này có chức năng tải thông tin và tính phí nhưng niêm yết không rõ ràng, chính xác về giá cước, không có thông tin cảnh báo về giá cước, không cho phép người dùng xác nhận đồng ý sử dụng… MobiFone còn được xác định là đã hợp tác với 17 đơn vị cung cấp nội dung số để cùng kinh doanh loại hình này, trong khoảng 1 năm từ tháng 6/2012 đến tháng 7/2013, nhà mạng này đã thu tới hơn 150,5 tỉ đồng từ dịch vụ này. Vinaphone thì bỏ túi 20,6 tỉ đồng từ IOD, đơn vị này cũng hợp tác với Công ty VASC hay Viettel cũng vi phạm tương tự với ứng dụng Viettel Plus cài sẵn trên SIM. |
Đăng Đức