Nghiền và nghiến
Bạn đọc: Xin ông cho biết “nghiền” trong “nghiền bột” và “nghiến” trong “nghiến răng” có quan hệ gì hay không với bài “Nghiền không phải là một từ chuẩn” của ông trên Năng lượng Mới số 312 (11/4/2014)? Xin cảm ơn. Dao Phong Lam (ĐHCT)
Học giả An Chi: Trước khi vào câu trả lời cho bạn Dao Phong Lam, chúng tôi xin nhận xét về ý kiến của một vài bạn trên Facebook sau khi đọc bài của chúng tôi.
Bạn Success Nguyen viết: “Theo tôi, chữ “ghiền” của người miền Nam dùng nghĩa khái quát hơn và thường mang cả nét nghĩa tích cực, dân dã”.
Bạn nói có nhiều phần đúng vì thực ra thì từ “ghiền” trong tiếng miền Nam tự nó có sắc thái trung hòa, nên có thể đi chung với từ liên quan đến chuyện tốt hoặc chuyện xấu. Người miền Nam có thể nói “ghiền sách”, “ghiền xi-nê”, “ghiền cải lương”, “ghiền trầu”, “ghiền cà phê”, “ghiền rượu”, “ghiền thuốc phiện”, “ghiền ma túy”, v.v..., một cách bình thường.
Bạn Không Gian Đọc viết:
“Tôi thấy trước đây ở một số vùng miền Bắc, người ta nói “nghiện” (mang ý nghĩa là mê đắm, đắm đuối) một thứ gì đó, cái gì đó, chứ không nói là “nghiền”. Có thể “nghiền” là... con lai gần đây, bắt nguồn từ “ghiền” như ông nói”.
Bạn nói đúng. Chúng tôi chỉ muốn nói thêm rằng, thực ra thì “nghiện” là tiếng của miền Bắc nói chung và có công dụng không khác từ “ghiền” của miền Nam.
Bạn Nguyễn Dương viết:
“Nghiền hình như là phương ngữ Quảng Bình”.
Chúng tôi chưa có điều kiện tìm hiểu về điều này nhưng nếu sự thật có hoàn toàn đúng như bạn nói thì nhà văn, nhà báo, nhà giáo, v.v..., nhà nào cũng không thể “Quảng Bình hóa” từ “nghiện” - mà thực ra đã là một từ của ngôn ngữ toàn dân và ngôn ngữ văn học - thành “nghiền” được.
Bạn Thôi Kệ viết:
“Theo chủ quan của tôi thì “nghiền” có thể là tiếng lóng (slang), một cách phát âm khác của từ “nghiện”, để làm giảm mức độ của “nghiện” chăng?”.
Không phải tiếng lóng đâu bạn. Trong những dẫn chứng mà chúng tôi đưa ra trên số 312 thì “nghiền” là một từ được dùng với thái độ đàng hoàng, nghiêm túc và cũng mặc nhiên được xem là một từ “ngon lành” của ngôn ngữ văn học ấy chứ! Mà cũng hoàn toàn tương đương về mức độ với từ “nghiện” chứ đâu có “sụt giảm”.
Bạn Lê Anh đã thực sự chính xác khi khẳng định rằng, mình cũng chỉ nghe người Bắc nói “nghiện” và người Nam nói “ghiền” chứ chưa nghe thấy ai nói “nghiền” bao giờ. Bạn còn nói đùa rằng, chắc “nghiền” là trung bình cộng của “ghiền” và “nghiện” chăng?
Nhiều bạn khác cũng cùng ý kiến với bạn Lê Anh. Bây giờ chúng tôi xin trả lời bạn Dao Phong Lam.
Trên số 312, chúng tôi đã chứng minh và khẳng định rằng “nghiền”, biến âm trẹo trọ của “ghiền”, chẳng có liên quan gì với “nghiền” trong “nghiền ngẫm” về mặt từ nguyên. Nhưng “nghiền” trong “nghiền ngẫm” thì lại có liên quan về từ nguyên với “nghiền” trong “nghiền bột” và “nghiến” trong “nghiến răng”. Trong “nghiền bột” thì “nghiền” là âm xưa của chữ [研], mà âm Hán Việt hiện đại là “nghiên”, có nghĩa là mài, nghiền, cọ xát, rồi nghĩa phái sinh là suy nghĩ, tìm tòi cho đến nơi, đến chốn, như trong “nghiên cứu”. Chữ “nghiên” [研] này còn có âm “nghiễn” và là một đồng nguyên tự, tức cũng là một điệp thức, với chữ “nghiễn” [硯] - mà nhiều khi cũng viết thành [研] - có nghĩa là “nghiên” (để mài mực). Rồi chữ “nghiền” trong “nghiền bột” này cũng chính là một điệp thức của “nghiến” trong “nghiến răng”. “Nghiến răng” chẳng phải là động tác nào khác hơn là việc “mài” thật chặt, thật mạnh hai hàm răng vào nhau và ở đây ta có mối quan hệ tay ba (thanh 1, thanh 2 và thanh 5) giữa “nghiên”, “nghiền” và “nghiến”. Về mối tương ứng ngữ âm giữa thanh 1 (không dấu) của “nghiên” với thanh 2 (dấu huyền) của “nghiền” thì chúng tôi đã chứng minh rõ trên Năng lượng Mới số 132 (và một số lần khác ở những chỗ khác). Mối quan hệ tay ba này tuy hiếm thấy hơn mối quan hệ tay đôi giữa thanh 1 với thanh 2 - dĩ nhiên là vẫn trong phạm vi của những điệp thức - nhưng cũng là một hiện tượng có thật mà ta có thể chứng minh được:
- “lan” [欄], chuồng nuôi súc vật, với “ràn” trong “ràn trâu” và với “lán” trong “lán trại”;
- “liên” [連], kế tiếp nhau trong không gian hoặc thời gian, vời “liền” trong “dính liền” và với “liến” trong “liến thoắng”. “Liến” là một từ Việt gốc Hán, bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ [嗹], mà âm Hán Việt hiện đại là “liên”, có nghĩa là nói nhiều, nói không ngớt lời. Chữ này chẳng qua cũng chỉ là một đồng nguyên tự của chữ [連], dùng để đặc tả lời nói mà thôi.
- “môi” [媒], người hay vật trung gian, với “mồi” trong “cò mồi” và “mối” trong “mai mối”. Nói thêm: “mai mối” là một tổ hợp đẳng lập do hai điệp thức tạo thành.
- “ngân” [垠], ranh, bờ, giới hạn, với “ngần” trong “vô ngần” (= không giới hạn) và với “ngấn” trong “ngấn nước”.
“vi” [圍], bao bọc chung quanh, với “vây” trong “bao vây” và “vầy” trong “sum vầy”, và với “ví” trong “ví bắt”. V.v...
Cứ như trên thì, về nguồn gốc, “nghiền” trong “nghiền ngẫm” và “nghiến” trong “nghiến răng” đều có liên quan với“nghiền” trong “nghiền bột”.
A.C