Hiểm họa từ kinh doanh online
Nhận thấy mảnh đất màu mỡ từ kinh doanh trên các trang mạng xã hội, không ít bạn trẻ nghĩ ra nhiều “chiêu độc” để bán hàng, bất chấp việc vi phạm pháp luật. Thậm chí nhiều chủ cửa hàng online còn gặp họa từ chính khách hàng của mình.
Đủ kiểu "câu" khách
Để cạnh tranh với những cửa hàng trực tuyến đang mở ra như nấm trên mạng xã hội, Nguyễn Minh Quân (SN 1990, ngụ TP.Buôn Ma Thuột) đã nghĩ ra cách sử dụng hình ảnh các cô gái ăn mặc sexy để thu hút sự chú ý của khách hàng khi ghé thăm Facebook chuyên cung cấp các mặt hàng “người lớn” của mình. Thế nhưng từ chỗ lúc đầu chỉ đưa hình ảnh để minh họa, càng ngày Quân càng mạnh dạn đầu tư vào các clip “nóng” lấy ở những trang web “đen”, kết quả cửa hàng online của Quân không khác gì một trang khiêu dâm.
Cũng sa đà vào việc câu view, muốn khách hàng chú ý và bán được hàng hóa nên Trần Thị Mai (sinh viên CĐ VHNT) dùng chính mình làm người mẫu cho các sản phẩm thời trang bán trên web. Để tăng hiệu ứng và thu hút sự quan tâm của bạn bè khi nhờ chia sẻ thông tin, Mai không ngại “khuyến mãi” thêm những hình ảnh mát mẻ của mình với các trang phục hở hang, kèm theo lời mời gọi bạn bè ủng hộ, bình luận để nhanh chóng bán được hàng. Kết quả việc kinh doanh chưa thấy phát triển mà số điện thoại của Mai liên tục bị những kẻ lạ mặt quấy rối.
Được học hành trong môi trường tốt, đúng ra Nguyễn Văn Tiến (SN 1991, ngụ Hà Nam) có thể sử dụng tài năng của mình để có sự nghiệp sáng sủa. Tuy nhiên, Tiến lại nghĩ ra cách kinh doanh “độc nhất vô nhị” là lập nhiều trang fanpage lấy tên các doanh nghiệp lớn, sau đó tìm cách thu hút lượng người truy cập với mong muốn các công ty, tập đoàn này sẽ chú ý và mua lại. Sau thời gian chờ đợi không thấy bất kỳ đơn vị nào quan tâm, Tiến quay sang bôi nhọ uy tín các công ty này với những từ ngữ như lừa đảo, chiếm đoạt tiền của khách hàng... Trước việc kinh doanh “quái đản” của Tiến, các cơ quan chức năng đã vào cuộc và yêu cầu chấm dứt ngay việc kiếm tiền không giống ai này!
Nhiều cửa hàng online thu hút khách hàng bằng hình ảnh mát mẻ
Qủa đắng online
Không chỉ “vắt óc” nghĩ ra đủ cách để bán hàng, kiếm khách, nhiều chủ cửa hàng online cần tự trang bị cho mình những kiến thức để phòng vệ nếu không muốn “tiền mất tật mang” vì chính khách hàng của mình.
Chủ cửa hàng online có tên Baby Shop chia sẻ cảm giác vẫn còn chưa hết hoảng sợ vì suýt mang họa lớn khi gặp khách “đầu gấu”. Ngọc Hằng chuyên kinh doanh quần áo, vì lợi nhuận chưa nhiều nên khi khách hàng có yêu cầu giao hàng tận nơi thì cô cũng đích thân đi. Chiều 12-4-2014, nhận được tin nhắn khách muốn mua một món hàng, mặc dù thời gian đi giao trễ lại ở khá xa, nhưng vì muốn giữ mối nên Hằng tặc lưỡi chấp nhận. Khi đến địa điểm giao hàng, cô thấy khá vắng vẻ, bất ngờ một cô gái trẻ cùng hai thanh niên bặm trợn xuất hiện, cả bọn vây lấy Hằng và giở giọng côn đồ. Lúc này Hằng mới biết mình lọt vào bẫy kẻ mua hàng trá hình, cũng may bọn chúng chỉ cướp hết tài sản mà không làm hại cô.
Trường hợp của Hằng không phải là cá biệt mà các chủ cửa hàng online gặp phải. Do đặc thù giao hàng tận nơi khi khách có nhu cầu nên không ít kẻ xấu lợi dụng điều này để điều “con mồi” tới những nơi vắng cướp giật, trấn lột.
Với sự phát triển mạnh mẽ của internet, việc bán hàng qua mạng không còn là điều mới mẻ. Nhưng lựa chọn cho mình một mô hình kinh doanh lành mạnh, phù hợp và hiệu quả không phải đơn giản. Để tránh rơi vào tình trạng “dở khóc dở cười” hoặc tai nạn bất ngờ, các bạn trẻ nên tỉnh táo và cân nhắc kỹ lưỡng trước khi bắt đầu.
Theo Báo Công an TP HCM