Giết hàng xóm vì chiếc đèn pin
Do nghi ngờ người hàng xóm lấy cắp đèn pin của mình, Võ Văn Long (1985) đã dùng dao đâm nạn nhân tử vong.
Đối tượng Võ Ngọc Long tại cơ quan công an.
Sáng 1/4/2014, tại xã Đại Nghĩa (huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam), TAND tỉnh Quảng Nam mở phiên sơ thẩm xét xử lưu động vụ án “Giết người”.
Án mạng đêm mưa bão
Đêm 18/9/2013, trong lúc các hộ dân ở thôn Phiếm Ái 1 tất bật chằng chống, dọn dẹp nhà cửa để đối phó với cơn bão số 8 thì bỗng nghe tiếng kêu cứu từ phía nhà ông Trương Văn Hải (SN 1947). Khi người dân chạy đến nhà ông Hải thì thấy cảnh tượng rất hãi hùng. Ông Hải nằm ngay trước hiên nhà, máu từ vết thương trên ngực tuôn ra xối xả. Dù được kịp thời đưa đi bệnh viện cấp cứu, nhưng ông Hải đã tử vong do bị thủng lá lách, mất máu cấp.
Vào thời điểm xảy ra án mạng, ông Hải ở nhà một mình do người vợ đi miền Nam chăm cháu nhỏ. Nhân chứng duy nhất là em Trương Thị Đào (SN 1996, cháu gọi nạn nhân bằng bác ruột, nhà ở bên cạnh) cho biết hung thủ chính là Long, nhà ở đối diện nhà ông Hải. Sau khi gây án, Long đã bỏ trốn. Án mạng xảy ra trong lúc mưa to gió lớn, nước lũ đang dâng lên nên việc truy tìm hung thủ có nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với quyết tâm cao, đến 23 giờ cùng ngày, lực lượng công an đã bắt được Long khi y đang lẩn trốn tại nhà người anh ruột ở cùng thôn.
Lời khai của hung thủ
Khoảng 19h ngày 18/9/2013, sau khi uống rượu cùng một số bạn trong thôn, Long về nhà để dọn dẹp nhà cửa tránh bão, lụt. Vừa dọn nhà, Long vừa tìm đèn pin để dự phòng khi mất điện, nhưng tìm mãi không thấy. Nghĩ rằng ông Hải thường qua chơi đã lấy đèn pin nên Long qua nhà ông Hải hỏi tìm. Đang bận dọn dẹp nhà cửa, bị Long hỏi với ý nghi ngờ mình lấy đèn pin nên ông Hải thắc mắc: “Đèn pin chi mà lấy? Sao mi lại nói tao lấy?”. Hai bên tiếp tục lời qua tiếng lại, thấy vậy Đào chạy sang can ngăn. Thế nhưng, Long tiếp tục đe: “Nếu chú không trả đèn pin là tôi đâm chú đó”. Tưởng Long chỉ dọa, ông Hải quay sang bảo, “Mi có giỏi thì đâm đi, chứ tao lấy đèn pin của mi làm gì”. Nghe vậy, Long liền bước tới, đẩy Đào ngã sóng soài giữa nhà.
Bực tức trước thái độ của Long, tiện tay, ông Hải lấy một thanh gỗ ra định đánh Long, nhưng Long đã nhanh chân chạy về nhà, lấy chiếc cuốc chỉa 3 răng và một con dao phay chạy sang. Lúc này ông Hải từ trong nhà cầm thanh gỗ đi ra đến sân. Long sấn tới dùng cuốc chĩa nhằm vào đầu ông Hải, ông Hải dùng gậy đỡ được nên cả gậy và cuốc đều bị rơi. Thừa lúc ông Hải không để ý, Long cầm dao đâm thẳng vào ngực phải của ông Hải. Ông Hải chạy vào đến hiên nhà thì gục xuống. Thấy máu từ người ông Hải chảy ra xối xả, Đào liền hô hoán rồi lấy khăn chặn vết thương. Còn Long chạy về nhà rồi sau đó chạy sang cùng mọi người lau vết thương cho ông Hải, nhân lúc mọi người bận lo cho nạn nhân, Long đã bỏ trốn.
Nỗi đau của người mẹ
Bà Trần Thị Bốn (SN 1952), mẹ của Long kể, gia đình bà và gia đình ông Hải thân nhau từ lâu. Ông Hải xem Long như con cháu trong nhà, trong khoảng thời gian bà vắng nhà, Long vẫn thường sang nhà ông Hải ăn cơm. Bà không ngờ Long lại đối xử với ông Hải như vậy.
Nói về Long, bà Bốn cho biết, Long là con trai út trong 4 người con của bà, từ nhỏ đã bộc lộ tính khí hung tàn. Do thích chơi bời, lêu lổng nên chỉ học đến lớp 5 thì Long nghỉ. Năm 20 tuổi, Long bắt đầu đi làm, Long trải qua nhiều công việc, từ công nhân ở TP Hồ Chí Minh, ở TP Đà Nẵng, ở Đại Lộc, đến phụ hồ, theo phụ việc các đoàn ca nhạc pê-đê. Tuy nhiên không việc nào Long làm được quá 3 tháng, bởi vì ham chơi, vô kỷ luật nên bị sa thải.
Mặc cho gia đình khuyên bảo, Long vẫn chứng nào tật nấy, dù dáng người nhỏ thó nhưng Long lại có máu côn đồ. Hễ có việc gì không vừa ý là Long gây sự, nhiều lần vác dao, rựa hăm dọa chém người. Long thường xuyên tụ tập với nhóm thanh niên bất hảo ở địa phương để uống rượu. Đêm ấy, cũng bởi có hơi men trong người cộng với bản tính hung hãn, chỉ vì tìm không được chiến đèn pin mà Long đã tước đoạt mạng sống của người hàng xóm.
Tại phiên tòa, HĐXX đã tuyên phạt Võ Ngọc Long 20 năm tù giam, đồng thời bồi thường cho gia đình bị hại hơn 105 triệu đồng. Long phải trả giá cho hành vi tàn ác của mình bằng những ngày tháng trong trại giam. Nhưng nỗi đau mà y để lại cho 2 gia đình, vốn là láng giềng thân thiết không biết bao giờ mới nguôi ngoai.
Hoàng Phương