Hơn nửa thế kỷ ở Na Dương
Cách đây 5 năm, khi Công ty TNHH MTV Than Na Dương - VVMI kỷ niệm 50 năm ngày thành lập, ông Đoàn Văn Kiển (nguyên Chủ tịch HĐTV TKV) có đến dự và nói: “Nếu coi thập niên 80 của thế kỷ trước là thời gian “vang bóng” nhất của mỏ than Na Dương thì đến những năm 90 lại là thời kỳ bĩ cực của mỏ than này”. Tuy nhiên đến nay, Than Na Dương đang từng bước trở lại trên chính đôi chân của mình.
Năng lượng Mới số 312
Một thời vang bóng
Than Na Dương (huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn) là loại than đặc chủng, hiếm có ở Việt Nam - loại than nâu có thể cháy tự nhiên bốc mùi lưu huỳnh rất khó chịu. Thêm vào đó, khi gặp nước sẽ chuyển hóa thành axit sunfuaric, loại axit này nếu thải ra môi trường sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe con người và môi trường xung quanh. Có thời, loại than này bị coi là điều “ám ảnh”, còn bây giờ, việc xử lý các sự cố than cháy hay nước thải ra sông Kỳ Cùng ở Na Dương đã được đảm bảo an toàn.
Khai thác than tại mỏ Na Dương
Đấy chỉ là một chuyện còn việc tiêu thụ than Na Dương cũng gặp rất nhiều trở ngại. Bởi đặc thù là loại than ngọn lửa dài, nên chỉ dùng được trong công nghệ xi măng lò quay phương pháp ướt và cho các nhà máy nhiệt điện với công nghệ lò tần sôi tuần hoàn. Từ thập niên 80, nước ta thực hiện nhiều công trình trọng điểm, theo đó, hàng loạt nhà máy xi măng được đầu tư xây dựng, trong đó có Nhà máy Xi măng Bỉm Sơn công suất 1,2 triệu tấn/năm, công nghệ ướt của Liên Xô, nên than Na Dương là nguyên liệu mang lại hiệu quả nhất. Thời kỳ này được coi là thời hoàng kim nhất của mỏ than Na Dương, có thời kỳ, nhân lực cho mỏ được tăng cường lên đến trên 2.000 người. Tuy nhiên, những năm gần đây, nhằm nâng cao chất lượng công nghệ, các nhà máy xi măng chuyển sang sản xuất theo phương pháp khô, đồng nghĩa với việc dừng tiêu thụ than Na Dương. Đây chính là một trong vấn đề nan giải nhất của Mỏ than Na Dương, làm thế nào để giữ sản xuất ổn định và còn bao nhiêu hệ lụy khác đến con người...
Vươn lên trong gian khó
Tưởng chừng ở thế đã tựa lưng vào núi thì đến năm 2005, Nhà máy Nhiệt điện Na Dương đi vào vận hành như một vị cứu tinh cho than Na Dương trong những năm đầu thế kỷ XXI này. Tính ra mỗi năm mỏ than Na Dương cung cấp cho Nhà máy Nhiệt điện Na Dương trên 500.000 tấn than sạch. Nắm bắt được thời cơ, vận hội, đồng thời xác định rõ ràng những biến động của nền kinh tế, những khó khăn thách thức, tập thể các thế hệ công nhân, viên chức - người lao động (CNVC-NLĐ) của mỏ luôn ý thức quyết tâm xây dựng một vùng mỏ mang diện mạo mới.
Hôm nay, vùng mỏ Na Dương đã khoác trên mình tấm áo mới, với khu điều hành khang trang, xanh - sạch - đẹp, trên công trường được trang bị những thiết bị hiện đại, nhà xưởng quy củ hơn… Kết thúc năm 2013, công ty sản xuất và tiêu thụ gần 500.000 tấn than sạch, doanh thu đạt trên 430 tỉ, thu nhập bình quân của người lao động đạt 6 triệu đồng/người/tháng.
Những con số tưởng chừng rất khô khan nhưng ẩn đằng sau đó là cả một quyết tâm, nỗ lực hồi sinh một vùng mỏ của những người nơi đây. Theo quan sát của chúng tôi, một trong những yếu tố làm nên thành công chung của Than Na Dương phải kể đến đó là sự quyết tâm dám nghĩ, dám làm và những đầu tư hợp lý, đúng hướng của đơn vị. Ông Lý Văn Lục - Giám đốc công ty cho biết, tổng giá trị đầu tư giai đoạn 2009 đến nay của công ty khoảng 700 tỉ đồng với những trang thiết bị đồng bộ, hiện đại, như: dàn xe ôtô tự đổ trọng tải 54-60 tấn, máy xúc thủy lực gầu ngược EX 1200-6... Đồng thời với việc đầu tư thiết bị, cải tiến công nghệ khai thác, đơn vị đã thực hiện các dự án giải phóng mặt bằng phục vụ việc mở rộng khai trường, bãi đổ thải, chuẩn bị mặt bằng cho việc mở rộng nâng công suất mỏ. Tiếp đó, đơn vị đã thực hiện đầu tư nhằm cải thiện môi trường sản xuất, hạn chế các tác hại do quá trình sản xuất; tiến hành đầu tư cơ sở hạ tầng để đáp ứng nhu cầu sản xuất, cải thiện điều kiện làm việc của CNVC-NLĐ...
Người lao động làm trung tâm
Để sản xuất phát triển, công ty rất quan tâm đến việc nắm bắt tâm tư tình cảm, chăm lo tốt đời sống vật chất tinh thần, đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp cho CNVC-NLĐ. Mỗi năm, công ty thường tổ chức cho công nhân đi tham quan, giao lưu, học tập kinh nghiệm, điều dưỡng, phục hồi chức năng, nghỉ mát, tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao. Bên cạnh đó, công ty đặc biệt coi trọng việc bồi dưỡng và đào tạo nguồn nhân lực. Với quan điểm, đội ngũ lao động là “tài sản”, là “nguồn vốn cố định” lớn nhất và quý nhất để người lao động không ngừng học tập, nâng cao tay nghề. Hơn thế nữa, công ty còn mạnh dạn đầu tư hiện đại hóa các trang thiết bị, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, vừa đảm bảo hiệu quả kinh doanh vừa bảo vệ, hỗ trợ đội ngũ lao động và làm tốt công tác bảo vệ môi trường.
Ðến với Na Dương vào những ngày này, ở đâu chúng tôi cũng thấy không khí lao động khẩn trương, sôi nổi. Mỏ đã bước vào tuổi 55. Bên này - mỏ than Na Dương với từng đoàn xe nối đuôi chở hàng chục tấn than trên một vùng đồi ngút ngàn màu than đen sẫm; bên kia - nhà máy nhiệt điện với ống khói cao vút, ánh điện lung linh trên đỉnh tháp. Dự án mở rộng mỏ than Na Dương nằm trong tổng thể của dự án than - điện, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của ngành than nói chung và mỏ than Na Dương nói riêng.
Minh Châu