Viện phí … "lặng lẽ" tăng
(Petrotimes) – Từ ngày 1/8, thông tư 04 của Bộ Y tế về tăng viện phí trong danh mục BHYT chi trả bắt đầu có hiệu lực. Tuy nhiên tại nhiều BV, mức viện phí mới vẫn chưa được công bố rộng rãi tới bệnh nhân.
Từ cuối tháng 4/2012, liên Bộ (Y tế, Tài chính, LĐ,TB&XH và Bảo hiểm xã hội Việt Nam) đã ban hành mức viện phí tối đa của 447 dịch vụ y tế, trên cơ sở đó các BV đã xây dựng khung giá và đề xuất mức thu dựa trên những tính toán về kỹ thuật cũng như thực tiễn.
5 bệnh viện tuyến Trung ương mới được Bộ Y tế quyết định phê duyệt đề xuất giá viện phí mới bao gồm: Bạch Mai, K, Việt Đức, Uông Bí và Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương. Các bệnh viện này sẽ triển khai thực hiện viện phí mới với đa số dịch vụ tăng ở mức 90- 95% khung được liên Bộ Tài chính - Y tế cho phép.
Ở Hà Nội, đã có 3 BV tuyến T.Ư là BV K, Bạch Mai, Việt Đức thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ mới từ 10 - 15 ngày, riêng Viện Huyết học và Truyền máu T.Ư mới thực hiện từ ngày 31/7. Tuy nhiên, do một số nơi chưa chú trọng việc thông tin về thay đổi này, nên người dân khá bất ngờ, thậm chí có phần bị động khi chi trả những khoản viện phí không nhỏ của mình.
Nhiều BV áp dụng mức viện phí mới từ 1/8. |
Cho đến ngày 1/8, trong khuôn viên BV Bạch Mai cũng chưa có thông báo tăng viện phí đối với bệnh nhân đến khám, ngoài bảng giá các dịch vụ thực hiện trên máy xã hội hóa ở Khoa Khám bệnh. Bệnh viện Bạch Mai là bệnh viện hạng đặc biệt (hạng 1) trực thuộc Bộ được áp mức giá tối đa trong khung. Được biết, bệnh viện Bạch Mai đã thu viện phí mới ở mức tối đa với toàn bộ 447 dịch vụ.
Còn BV Việt Đức đã tăng 180/447 dịch vụ, còn hàng trăm thủ thuật, phẫu thuật có chi phí lớn vẫn giữ nguyên giá cũ và những dịch vụ thuộc về chuyên khoa sâu có mức tăng tối đa. Tuy nhiên, BV Việt Đức treo bảng giá cao tít, đến nỗi muốn xem rõ, phải cần 2 người chồng lên nhau.
Khu vực thanh toán viện phí cho cả bệnh nhân có hoặc không có thẻ BHYT đều đã dán bảng giá viện phí được điều chỉnh ở phía trên. Dù vậy, phần nhiều bệnh nhân vẫn không có thói quen đọc bảng giá niêm yết mà hoàn toàn theo lời của y bác sĩ, BV yêu cầu đóng bao nhiêu thì nộp bấy nhiêu.
Tại BV K Trung ương, sau 12 ngày thực hiện viện phí mới cũng chưa treo bảng giá viện phí mới nên bệnh nhân "u u mê mê". Trong khi đó, Công văn 2210 ngày 16/4 của Bộ Y tế đã yêu cầu các cơ sở y tế phải công khai rõ ràng, bảng giá ngay khi thực hiện viện phí mới.
Cụ thể, một số mức tăng thấy rõ như hiện tại giá khám bệnh có điều hòa và không có điều hòa lần lượt là 20.000 đồng và 18.000 đồng, trong khi giá khám cũ chỉ có 3.000 đồng. Tương tự giá một ngày nằm giường hồi sức cấp cứu, chống độc là 150.000 đồng có điều hòa và 145.000 đồng không có điều hòa (chưa tính chi phí máy thở) trong khi trước đây chỉ có tối đa là 12.000 đồng. Tiền giường nội khoa tăng từ 10.000 đồng lên 70.000 đồng…
Bệnh nhân ngồi chờ khám trong ngổn ngang vì sửa chữa tại Khoa khám bệnh (BV Bạch Mai). |
Trước câu hỏi, đã thu giá viện phí mới với mức cao hơn, chất lượng dịch vụ có tăng lên? Ông Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc BV Việt Đức, khẳng định: “Khi viện phí được điều chỉnh thì các BV phải nâng cao chất lượng phục vụ. Tuy nhiên chất lượng dịch vụ ở đây không chỉ là thời gian chờ đợi ngồi khám (bởi các BV vẫn rất quá tải) mà là mang lại giá trị điều trị cho người bệnh khi một phần số tiền thu được từ viện phí này được tái đầu tư cho cơ sở vật chất, máy móc, trang thiết bị phục vụ công tác khám chữa bệnh của BV. Như vậy, chất lượng khám chữa bệnh chắc chắn là tốt lên”.
Mức viện phí mới đã được áp dụng, nhưng chất lượng dịch vụ và thái độ phục vụ của cán bộ, bác sĩ tại các BV hầu như vẫn chưa được cải thiện.
Đơn cử tại BV Bạch Mai, trung bình mỗi ngày bệnh viện đón tiếp khoảng 2.200-2.500 bệnh nhân tới khám, trong đó chỉ có 1.000 bệnh nhân có BHYT. Mặc dù bệnh viện đã chi 20 tỷ để sửa chữa khoa Khám bệnh, nâng số phòng khám lên gấp đôi thành 60 phòng nhưng việc đạt con số chuẩn 35 bệnh nhân/bàn khám/ngày là rất khó.
Tuy nhiên, do vừa sửa vừa phục vụ khám chữa bệnh nên người bệnh sẽ phải gánh thêm một số bất tiện khi đi khám bệnh bởi khoa phòng bụi bặm, chỗ ngồi chờ đợi hiếm hoi… trong khoảng 1 tháng nữa.
Ngoài ra, số giường bệnh vẫn chưa thể đáp ứng nhu cầu, tại Viện Tim mạch, Trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu… người bệnh vẫn phải nằm ghép 2 - 3 người/giường.
Về việc một số BV “lặng lẽ” tăng viện phí mà không thông báo rộng rãi cho người bệnh, ông Lê Văn Phúc – Trưởng phòng Chế độ bảo hiểm y tế (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) cho biết: “Khi hướng dẫn điều chỉnh giá thuốc, Bộ Y tế đã yêu cầu các bệnh viện thực hiện công khai bảng giá mới, đặc biệt là mức giá khám bệnh, ngày giường điều trị. Vì thế, nếu các bệnh viện chưa làm, rất có thể gây hiểu lầm, bức xúc cho người bệnh”.
Nhóm phóng viên Petrotimes