Chuyển giá, trốn thuế: Thủ phạm đủ các thành phần kinh tế
Không chỉ có các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) mà cả các DN liên kết có vốn đầu tư nước ngoài, DN liên kết nội địa, thậm chí các Tập đoàn kinh tế cũng có hiện tượng chuyển giá, trốn thuế. Cuộc chiến chống chuyển giá, trốn thuế ở nước ta vì thế rất gian nan, phức tạp.
Nội - ngoại cùng chuyển giá
Kết quả thanh tra của ngành thuế thời gian gần đây cho thấy, nhiều thiết bị, dây chuyền cũ, lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường đã được các DN thổi giá để đưa vào chi phí đầu tư nhằm trốn thuế. Đầu bảng là Công ty Hualon Corphoration, DN 100% vốn đầu tư Đài Loan và đang hoạt động tại Khu công nghiệp Nhơn Trạch 2 (Đồng Nai). Qua thanh tra, ngành thuế đã phát hiện Công ty Hualon Corphoration nâng giá tài sản cố định tới 40 lần, từ 400 ngàn USD lên tới 16 triệu USD.
Thủ đoạn của Công ty Hualon Corphoration là mua bán chứng từ lòng vòng để hợp lý hoá sổ sách, nâng khống giá bán, tiếp đó, viện cớ không dùng đến rồi mang thanh lý với giá rẻ mạt. Thông qua cách làm này, Hualon Corphoration đã mang vào Việt Nam một đống dây chuyền “phế thải”, có thể gây ảnh hưởng xấu tới môi trường.
Và để che giấu những hành vi trên, Công ty Hualon Corporation đã kê khai lỗ với cơ quan thuế với lý do là chi phí đầu tư lớn, nguyên liệu đầu vào cao, trong khi giá bán dản phẩm không đủ bù đắp chi phí... Và theo sau khi tiến hành thanh kiểm tra, ngành thuế đã điều chỉnh giảm lỗ phát sinh trong giai đoạn 2006 - 2009 của Công ty này lên tới 621 tỉ đồng, đồng thời tiến hành truy thu thuế thu nhập DN là 78 tỉ đồng.
Keangnam Vina - một trong những doanh nghiệp có "chiêu" chuyển giá, trốn thuế.
Trước đó, chiêu trò chuyển giá, trốn thuế của Công ty Keangnam Vina cũng đã bị ngành thuế phanh phui, làm rõ. Theo Tổng cục Thuế, để thực hiện chuyển giá, Keangnam Vina đăng ký lập DN 100% vốn đầu tư nước ngoài. Sau đó, Công ty ký hợp đồng chìa khóa trao tay với bên liên kết là nhà thầu nước ngoài để xây dựng các hạng mục công trình với giá rất cao rồi báo cáo lỗ lớn để không nộp thuế thu nhập doanh nghiệp.
Tính từ năm 2011, khi toà nhà Keangnam đi vào vận hành, doanh thu của công ty này lên tới hơn 5.000 tỉ đồng thì điệp khúc lỗ vẫn tái diễn. Và theo những thông tin được cơ quan Thuế đưa ra thì số lỗ này lại được chính Keangnam Vina “đạo diễn” khi bỏ ra số tiền lớn hơn mức bình thường, sẵn sàng vay những khoản vay có với lãi suất cao hơn nhiều lần lãi suất thị trường để triển khai dự án toà nhà Keangnam. Cụ thể:
Giá trị hợp đồng chìa khoá trao tay mà Keangnam Vina đã ký với Keangnam Enterprise - người anh em ruột của Keangnam Vina sau khi đã loại bỏ những khoản chi bất hợp lý đã được ngành thuế xác định là 699 triệu USD chứ không phải 871 triệu USD như hợp đồng 2 công ty này đã ký vào tháng 10/2007. Việc đẩy giá trị hợp đồng thêm hàng trăm triệu USD của Keangnam Vina và Keangnam Enterprise được cơ quan Thuế xác định là “chiêu” mà Keangnam Vina áp dụng để biến hoạt động kinh doanh của công ty tuy doanh thu lớn nhưng lợi nhuận thì lại âm và nghiễm nhiên không phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp.
Trong khi đó, Keangnam Enterprise với hợp đồng quá hời này đã kiếm được khoản lợi nhuận không nhỏ và cũng chỉ phải đóng thuế nhà thầu cho Việt Nam với mức thấp hơn nhiều so với mức 25 – 28% theo quy định về thuế thu nhập doanh nghiệp. Ngoài ra cũng phải thấy rằng, việc Keangnam Vina bắt tay với Keangnam Enterprise nâng giá trị hợp đồng xây dựng, Keangnam Vina đã chuyển một khoản lợi nhuận không nhỏ về Hàn Quốc.
Đặc biệt, theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Thuế thì hiện tượng chuyển giá, trốn thuế đã bắt đầu xuất hiện ở các DN trong nước. Các tập đoàn kinh tế này, lợi dụng chính sách ưu đãi của Nhà nước, thành lập một số Công ty con hoạt động trong những lĩnh vực và địa bàn được ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp. Sau đó, doanh nghiệp tìm cách chuyển lợi nhuận trước thuế từ đơn vị không được ưu đãi thuế sang DN liên kết được ưu đãi thuế; chuyển lợi nhuận trước thuế từ DN có lãi sang bị lỗ (thông qua giá chuyển giao sản phẩm và cung cấp dịch vụ). Với “chiêu” này, các tập đoàn kinh tế được giảm thiểu nghĩa vụ thuế.
Cơ chế và răn đe đều thiếu
Nhiều doanh nghiệp lập lờ chuyện lỗ - lãi.
Trao đổi với báo chí, Bộ Tài chính đã thừa nhận, mặc dù tình trạng chuyển giá hiện đang rất phức tạp nhưng nếu làm mạnh tay quá thì sẽ ảnh hưởng đến môi trường đầu tư. Thậm chí, có DN đã thuê cả tư vấn thuế, kiểm toán quốc tế để thực hiện hoạt động chuyển giá.
Mặc dù hoạt động chuyển giá đang gây bức xúc trong dư luận xã hội nhưng theo Bộ Tài chính, việc chống chuyển giá lại đang có nhiều lỗ hổng cả về mặt chính sách lẫn con người. Hoạt động chống chuyển giá hiện được thực hiện phân tán, lồng ghép với các chức năng quản lý thuế khác dẫn tới tính chuyên môn chưa cao. Công chức ngành thuế thì chưa “bắt kịp” những diễn biến mới của hoạt động này khiến hiệu quả công tác quản lý còn hạn chế.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Bùi Văn Nam cho rằng, thời hạn thanh tra đối với hoạt động chuyển gia vẫn chưa có quy định riêng và chế tài xử lý hiện tượng này cũng chưa đủ mạnh, chưa đủ sức răn đe với doanh nghiệp.
Ông Nam phân tích, thanh tra giá chuyển nhượng đòi hỏi rất nhiều thời gian thu thập thông tin, phân tích, đối chiếu và kiểm tra số liệu (trên thế giới, thời gian để tiến hành một cuộc thanh tra giá chuyển nhượng kéo dài trên 1 năm). Trong khi thời hạn cho một cuộc thanh tra giá chuyển nhượng tại Việt Nam rất ngắn do bị giới hạn bởi quy định tại Luật Thanh tra, dẫn tới không đủ thời gian để thực hiện các công việc cần thiết trong quá trình thanh tra.
“Hiện nay quyền hạn của cơ quan thuế bị giới hạn (chưa có quyền điều tra…), do đó khó khăn trong quá trình xử lý các vụ việc cố tình vi phạm chuyển giá nhằm tối thiểu hóa nghĩa vụ thuế”, ông Nam cho biết.
Kết quả đợt thanh tra, kiểm tra giá chuyển nhượng tại 122 DN FDI tại 23 địa phương trên cả nước (giai đoạn từ 2007-2012) của ngành thuế năm 2013 đã lật tẩy hoạt động chuyển giá tại 122 DN. Nhiều DN sau thanh kiểm tra, đã từ lỗ biến thành lãi, từ lãi ít chuyển sang lãi nhiều, lãi lớn. Các DN này đã buộc phải điều chỉnh giảm lỗ phát sinh và giảm chuyển lỗ tổng số tiền là 2.252 tỉ đồng. |
Thanh Ngọc