Chuyện kỳ lạ về đôi chó đá bị đánh cắp (Kỳ 1)
Làng Phục Lễ (xã Lương Tài, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên) có cặp chó đá cổ ngay đầu làng. Cặp chó đá ở đó từ bao lâu rồi không ai còn nhớ nữa, chỉ biết các cụ cao niên trong làng bảo rằng, nó được dùng để trấn yểm long mạch, mang lại sự bình yên, thịnh vượng cho dân làng. Nhưng, có một chuyện “động giời” đã xảy ra ở Phục Lễ, đôi chó đá ấy đã bị kẻ gian đánh cắp và tai họa đã ập xuống.
Bài 1: Thần khuyển không cánh mà bay
Chó đá trong làng cổ
Làng Phục Lễ nằm giữa cánh đồng làng, nếu từ trên cao trông xuống thì như một ốc đảo rờm rợp xanh mởn lúa ngô. Làng ấy là làng cổ trăm năm với những con đường lát gạch vồ phủ rêu mốc mà ngày xưa, mỗi lần gái trai lấy vợ lấy chồng đều phải góp mấy trăm gạch cho làng. Những người đi làm ăn xa về, những người đỗ đạt vinh quy bái tổ và cả những chị… chửa hoang nữa, cũng đều phải góp gạch lát đường. Tục xưa đã thế vào bây giờ vẫn vậy. Nói tóm lại, Phục Lễ là một làng cổ, ẩn trong mình không biết bao chuyện của nhiều thế hệ nối tiếp nhau.
Đường vào làng bây giờ thơm ngát mùi lúa mới, uốn quanh những ngôi nhà lợp ngói vảy cũ kỹ. Ngay cổng làng, cặp chó đá nằm án ngữ hai bên đường. Cũng xin được nhắc thêm rằng, trong quan niệm của người Việt cổ thì chó là con vật có thể đem đến những điều may mắn, mang đến thuận lợi và nhiều niềm vui. Chẳng những trước đây mà cả hiện nay vẫn tồn tại tín ngưỡng dân gian về chó. Tục thờ chó của người Việt ta được thể hiện dưới hai hình thức. Một là chôn chó đá trước cổng nhà như một linh vật để canh cổng với ý nghĩ trừ tà, cầu phúc. Hai là đặt chó đá trên bệ thờ như một thần linh để cầu cúng, phụng thờ. Một số nơi gọi chó đá một cách kính cẩn là quan lớn Hoàng Thạch. Các nhà nghiên cứu cũng đã nhận thấy hình thức chó đá giữ vai trò canh gác là khá phổ biến ở Việt Nam.
Cổng làng Phục Lễ, phía sau là nơi “ngự” của cặp chó đá
Học giả Đào Duy Anh trong cuốn “Việt Nam văn hoá sử cương”, NXB Đông Nam Á xuất bản năm 1985 cũng nhắc: “Xưa kia, cửa ngõ thường không làm đúng chính giữa nhà và sân để cho người ngoài đừng nhìn thẳng vào trung tâm nhà. Người ta cũng thường kiêng không nên để cho có con đường đâm thẳng vào nhà, hay là có đền chùa ở trước nhà. Nếu bất đắc dĩ không tránh được những điều kỵ ấy thì người ta chôn ở trước nhà một con chó đá hay là treo một cái gương ở trên cửa chính để yểm tà khí".
Cặp chó đá ở làng Phục lễ không biết đã có từ bao giờ và ai là người đã đem trấn ở đó. Chia sẻ với chúng tôi xung quanh câu chuyện về cặp chó đá này, ông Trịnh Văn Hội, 78 tuổi, một trong những người trong Ban Khánh Tiết của làng kể chuyện: “Theo gia phả dòng họ ghi lại thì nguồn gốc của cặp chó đá này thuộc dòng họ Trịnh chúng tôi. Chúng tôi cũng chỉ biết thế vì trải qua 300 - 400 năm rồi nên lý lịch của cặp chó đá này chúng tôi cũng không còn nắm rõ nữa. Chúng tôi chỉ nhớ được rằng, các cụ ngày xưa đất làng Lựa (nay là làng Phục Lễ) là đất dữ, long mạch hỗn loạn nên hạn hán, mất mùa liên miên. Các cụ đã dùng chính cặp chó đá này để trấn long mạch cho làng, giúp cho dân làng có được cuộc sống bình yên”.
Cặp chó đá từ ngày ấy đã trở thành biểu tượng linh thiêng của làng. Hằng năm, mỗi dịp lễ tết, đình đám, các cụ đều sắm lễ, cúng bái tạ ơn quan Hoàng Thạch rất chu đáo. Người tín tâm đi qua cổng làng đều dừng lại, kính cẩn chắp tay ở đây lễ tại quan Hoàng Thạch.
Chó đá được tạc từ khối đá xanh rất đẹp, cao hơn 1m, nặng khoảng gần 7 tạ. Dưới cổ, chó đá được đeo một vòng cườm bằng đá, hai tai vểnh ngược lên như đang nghe ngóng hay sẵn sàng tấn công bất cứ lúc nào. Được biết trong thời chiến, một con chó đá đã bị thất lạc, con còn lại bị vứt lăn lóc khắp nơi, thậm chí nó còn được gia đình nhà ông Tảo mang về nung vôi. Kỳ lạ thay, ông Tảo nung 5 ngày 5 đêm trong lửa mà con chó đá vẫn không hề hấn gì. Quá hoảng sợ, ông Tảo vôi vã khênh chó đá mang trả lại về nơi đầu làng. Sau đó, không hiểu vì nguyên nhân gì con chó đá đã bị gãy cổ, sứt tai. Ông Định đã mang về gắn lại và thờ cúng cẩn thận từ đó cho đến nay.
Chó đá sau cổng làng Phục Lễ
Khi làng mất chó đá
Câu chuyện không có gì đáng nói nếu không có chuyện cặp chó đá không cánh mà bay. Một đêm cuối đông năm 2010, trời rét cắt da cắt thịt, có người nghe thấy tiếng xe ô tô vào làng. Xe đỗ sát ngay cổng làng rồi tắt điện im lìm đứng đó. Vì trời mưa nên những nhà xung quanh đều đóng cửa và chẳng ai quan tâm đến sự xuất hiện của chiếc xe ô tô lạ này. Mãi đến sáng hôm sau, mọi người mới tá hỏa khi phát hiện con chó đá bên phải đã bị khiêng đi mất.
Một cuộc họp khẩn cấp được dân làng tổ chức. Các phương án truy tìm hung thủ được đưa ra, những đối tượng nghi vấn được đưa vào danh sách đen. Mọi manh mối thông tin từ những gã “lưu manh làng” và những đối tượng săn tìm cổ vật được kiểm tra kỹ lưỡng. Thậm chí, để “dọa nạt” kẻ đã liều lĩnh đánh cắp con chó đá, người làng đã phải phao tin lên rằng, chó đá là thần giữ của, dùng để trấn yểm long mạch cho làng, kẻ nào mà dám xúc phạm đến cho đá và liều lĩnh đánh cắp mang về nhà là tự rước họa vào thân. Thế nhưng, từ đó đến nay, đã hơn 3 năm trôi qua, con chó đá ấy vẫn bặt vô âm tín.
Chuyện mất chó đá vốn không phải là chuyện lạ khi phong trào truy tìm cổ vật đang ào ạt diễn ra ở khắp hang cùng ngõ hẻm. Đâu đó, chúng ta vẫn nghe thông tin về những chuông cổ trong chùa bị kẻ gian đột nhập lấy mất. Thậm chí, có kẻ còn táo tợn nhấc cả tượng Phật trong chùa, đem bán lấy tiền. Những chuyện tâm linh tôi được nghe kể sau đây không ai dám khẳng định là liên quan đến con chó đá bị mất ở làng Phục Lễ.
(Xem tiếp kỳ sau)
Vũ Hải Hậu