Khi người trẻ làm phim tài liệu
Mới đây, dự án “10 tháng, 10 phim tài liệu” do Trung tâm hỗ trợ phát triển tài năng điện ảnh TPD tổ chức và điều phối, với sự tài trợ của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam đã chính thức được khởi động. Dự án nhằm hỗ trợ các nhà làm phim trẻ có cơ hội tham gia vào các dự án điện ảnh, đồng thời cũng mang đến cho công chúng những cái nhìn đa chiều về các vấn đề xã hội tại Việt Nam. Thế nhưng điều khiến nhiều người tỏ ra băn khoăn là, ngay cả những “tác phẩm” của các nhà làm phim “gạo cội” còn chưa chắc đã đáp ứng được mong đợi của khán giả, thì liệu “sản phầm” của các nhà làm phim trẻ có đảm bảo được chất lượng?
Làm phim không đợi tuổi
Đi tìm đáp án cho câu hỏi này, chúng tôi đã liên lạc với nhà thơ Phan Huyền Thư, một thành viên trong hội đồng cố vấn dự án. Chị cho biết, “Dự án “10 tháng, 10 phim tài liệu” là một chương trình rất hay, bởi nó giúp cho các nhà làm phim trẻ có cơ hội được thể hiện và học tập một cách chuyên nghiệp nhất.
Nhà thơ Phan Huyền Thư cũng chia sẻ thêm rằng mục tiêu của dự án là vừa đào tạo, vừa hướng dẫn các nhà làm phim trẻ, miễn là họ có lòng đam mê và ý tưởng tốt. Đây là những điều kiện tiên quyết để có thể cho ra đời những bộ phim có chất lượng. Mỗi tháng sẽ có một bộ phim tài liệu nên qua 10 tháng, dự án sẽ sản xuất ra 10 bộ phim tư liệu về cuộc sống, xã hội.
Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên - Giám đốc Công ty cổ phần Phát triển điện ảnh CDJ (đơn vị điều hành dự án - PV), đồng thời cũng là một thành viên trong hội đồng cố vấn nhận định: “Nếu như trước đây các bạn trẻ thường làm phim một mình, tự quay phim, tự thu âm… thì nay họ được khuyến khích làm phim theo nhóm, trong đó có người quay phim, người thu âm riêng nhằm nâng cao chất lượng của tác phẩm. Và dự án này là cơ hội thực hành rất tốt cho các bạn trẻ theo đuổi thể loại phim tài liệu”.
Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên và nhà thơ Phan Huyền Thư
Chia sẻ của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên chỉ ra một thực tế rằng, đội ngũ những người làm phim truyền hình trẻ hiện nay vẫn mới ở mức manh nha, mà chưa thể gọi là đội ngũ vì có rất ít người làm về mảng này. Bên cạnh đó, cũng có rất ít nơi dùng phim tài liệu của các sinh viên trẻ. Thực tế, nếu phải làm, thì họ làm theo yêu cầu của các hãng phim, các show thật nhanh, nó không đi sâu về nghệ thuật mà chỉ là những bộ phim chứa đựng thông tin, cung cấp thông tin. Có nhiều sinh viên trẻ ra trường có mong muốn chỉ làm phim tài liệu, tuy nhiên rất ít người sống được với nghề, nhiều sinh viên trẻ được nhận vào làm ở phòng Tài liệu, các hãng phim VTV, HTV... nhưng cũng làm phim tài liệu rất ít, do nhu cầu phát sóng của từng Đài truyền hình không lớn.
Còn đạo diễn Việt Dũng cho rằng, chất lượng phim tài liệu phụ thuộc vào cố vấn chương trình. Với dự án “10 tháng 10 phim tài liệu” thì định hướng cho người làm phim trẻ có vai trò quan trọng. Họ hướng các em đến phong cách làm phim tài liệu mới của thế giới. Điều quan trọng nhất là người hướng đạo của dự án này, nếu họ làm tốt thì cũng có những bộ phim hay chứ không quan trọng người làm phim già hay trẻ.
Ông phân tích: “Ở Việt Nam hiện nay, cách làm phim tài liệu không có gì mới mẻ. Vẫn là cách kể chuyện, tiếp cận vấn đề rất cũ, áp đặt lời bình , nhạc nền vô tội vạ... Trong khi phim tài liệu cần có những cách kể mới, cách tiếp cận mới, nhưng những bộ phim ấy không được tiếp nhận, dẫn đến bộ phim chìm vào quên lãng... Vì vậy, để phim tài liệu phát triển hơn nữa thì cần nhiều hơn những dự án “10 tháng, 10 phim tài liệu”, cần định hướng cho những người trẻ cách tiếp cận đề tài, cách làm phim mới để có những thước phim hay, có sức lay động khán giả, xã hội thì phim tài liệu mới phát triển được”.
“Còi cọc” vì thiếu đất
Điều đáng hoan nghênh là dự án “10 tháng, 10 phim tài liệu” là hỗ trợ từ khâu sản xuất cho đến khâu phát hành, đồng thời giúp cho công chúng được tiếp cận gần hơn với thể loại điện ảnh tài liệu. Bởi thực tế là nhiều phim tài liệu của Việt Nam dù rất nổi tiếng trên thế giới nhưng lại có rất ít khán giả trong nước biết đến, do không có sự công chiếu rộng rãi, công khai.
Trong khi đó, phim tài liệu chính là những tư liệu chân thực về cuộc sống, là một tiếng nói riêng biệt đưa khán giả đến những trải nghiệm thật về đời sống, xã hội. Làng điện ảnh Việt đã ghi nhận những người làm phim tài liệu thời chiến tranh rất nổi tiếng như: Hồng Sến, Năm Nhu, Bùi Đình Hạc, Ma Cường... Sau chiến tranh, vào những thập niên 80 – 90, ở miền Bắc, người ta không thể không nhắc đến những nhà làm phim tài liệu như: Trần Văn Thủy, Đào Trọng Khánh, Lê Mạnh Thích… Ở miền Nam thì có Lê Trác, Đào Bá Sơn... So với thế hệ đi trước, những người làm phim trẻ hiện nay vì không có đất dụng võ nên dường như chưa thể hiện được cái tài của mình.
Dự án “10 tháng, 10 phim tài liệu” là cơ hội thực hành cho các nhà làm phim trẻ
Một nhà làm phim nhận xét: “Có một số những phim như: “Khương khùng”, “Thêm một ngày bình yên”, “Đội đá vá đời”... do các em sinh viên trẻ thực hiện gây được tiếng vang. Có điều phim của các em không có chỗ để sử dụng nên không phát triển được. Nhiều hãng phim mải mê kinh doanh, thương mại mà bỏ quên đi một mảng phim tài liệu rất đáng trân trọng. Phim tài liệu bây giờ có chăng chỉ phục vụ mục đích chính trị nên khó có sự phát triển. Ở Hãng phim Tài liệu Khoa học Trung ương và Hãng phim Giải phóng thì cũng ít làm phim tài liệu. Thậm chí, bây giờ không có ai phê bình nên mảng phim tài liệu được “bỏ trắng”. Chính vì không được chú trọng đầu tư và phát cho công chúng xem nên dẫn đến nhiều người thờ ơ với phim tài liệu, và không thể lôi kéo khán giả ủng những bộ phim ấy. Cũng không thể trách khán giả vì họ không có một kênh thông tin nào để tiếp cận với phim tài liệu”.
Một điều rõ ràng là, ngay cả những bộ phim tài liệu được thực hiện ở Hãng phim Tài liệu Khoa học Trung ương cũng rất ít được trình chiếu trên truyền hình. Ở các rạp trong nước, từ lâu cũng đã không chiếu phim tài liệu, có chăng thì chỉ ở các liên hoan phim, nhưng một năm chỉ có một lần và số phim được chọn rất ít. Trong khi đó, giới làm phim đều cho rằng, nếu nhìn vào “chất liệu” điện ảnh của một nước nào đó, thì hãy nhìn vào phim tài liệu chứ đừng nhìn vào phim truyền hình. Bởi bản thân hệ thống phim truyện là một hệ thống được sinh ra từ hư cấu, sáng tác, thể hiện giấc mơ, khát vọng của con người thông qua những câu chuyện phim; Còn phim tài liệu có sức mạnh của sự thật, chân thực.
Nhìn lại lịch sử có thể thấy, trong chiến tranh, những bộ phim tài liệu của Việt Nam đã gây tiếng vang trên thế giới bằng những hình ảnh thật, sự cảm nhận thật, và người làm phim hồi ấy là những người lính trên mặt trận văn hóa tư tưởng. Cả thế giới đánh giá cao những bộ phim tài liệu của Việt Nam hồi trước giải phóng và nhiều phim tài liệu cũng đã đạt nhiều giải thưởng quốc tế. Thế nhưng hiện nay, mảng phim tài liệu ở Việt Nam vẫn chưa được chú trọng và vẫn còn quá hiu hắt.
Bảo Quyên