Cẩm nang tuyển sinh có thực sự cần thiết?
Cứ gần tới kỳ tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH,CĐ), Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) lại phát hành cuốn “Những điều cần biết về tuyển sinh đại học, cao đẳng”, được coi như “cẩm nang” của Bộ GD-ĐT về những đổi mới trong công tác tuyển sinh. Người ta ngờ rằng đây là tàn tích "kế hoạch 3" từ thời bao cấp. Thời buổi này, sao không post lên trang web mà bày đặt in ấn để kiếm tiền?
Sai - có ai chịu?
Năm nay cũng vậy, “đến hẹn lại lên”, cuốn sách “Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014” ra mắt ngày 17/3 và được tải lên mạng của Bộ GD-ĐT vào ngày 22/3 và được coi là “cứu cánh” với học sinh bởi đây là năm có rất nhiều đổi mới trong công tác tuyển sinh.
Cuốn sách do Nhà xuất bản (NXB) Giáo dục Việt Nam ấn hành với số lượng 50.000 bản, giá 38.000 đồng/ cuốn, năm nay được bán rất chạy, bởi học sinh đều trông chờ những thông tin chính thống về tuyển sinh của Bộ GD-ĐT, được thông báo sẽ công bố đầy đủ trong cuốn sách này. Tuy nhiên, mong thật nhiều mà “thực tế chẳng được bao nhiêu”, cuốn sách có nhiều sai sót, nhiều lỗi, cũng như thông tin thiếu cần thiết cho học sinh trong việc tham khảo để hoàn thiện hồ sơ đăng ký ĐH, CĐ năm 2014.
Cuốn "Những điều cần biết" năm 2014 còn nhiều sai sót trong in ấn, biên tập.
Nguyễn Thu Hằng (một học sinh lớp 12) cho biết: “Vì em thi khối D nên em chỉ đọc thông tin về các trường khối này. Ngoài ra, nội dung khá cần thiết với chúng em là điểm thi đầu vào của các trường vào năm ngoái, nhưng quyển này lại không có. Vì thế, dù đã mua sách, em vẫn phải tham khảo thêm thông tin từ website của một số trường mình quan tâm và một số cuốn cẩm nang do các báo phát hành”.
Nội dung của cuốn “Nhưng điều cần biết…” chỉ cập nhật đến ngày 6/3 và phải cập nhật thông tin về việc các trường được tuyển sinh riêng (điểm mới và “hot” nhất của việc tuyển sinh năm nay), đồng thời lại phải đảm bảo thời gian ra sách, nên cuốn sách có rất nhiều sai sót đã xảy ra trong khâu biên tập, in ấn.
Đơn cử như trong cuốn sách thông tin là trường ĐH Quốc tế, ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh (mã tuyển sinh QSQ) không tổ chức thi, trong khi thực tế trường vẫn tổ chức thi theo kỳ thi 3 chung và trường đã gửi công văn đính chính thông tin này tới Bộ GD - ĐT. Hay thông tin sai lệch thông tin về chỉ tiêu tuyển sinh từ ĐH Ngân hàng TP Hồ Chí Minh. Còn trường ĐH Bách khoa, ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh chỉ tuyển khối A cho ngành kỹ thuật vật liệu, nhưng trong sách lại có thêm khối A1.
Ông Ngô Trần Ái, Giám đốc NXB Giáo dục Việt Nam cho biết: “Nội dung cuốn "Những điều cần biết..." hoàn toàn do Vụ Giáo dục đại học và sau đại học (Bộ GD-ĐT) phụ trách về nội dung, NXB Giáo dục Việt Nam nhận trách nhiệm về hình thức in sao. Chính vì thế, những nội dung sai sót hoặc chưa cập nhật, đều do Bộ GD-ĐT cung cấp cho NXB”.
Mỗi năm một cuốn quá lãng phí!
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, việc mỗi năm lại phải in một cuốn “Những điều cần biết…” là một sự lãng phí tiền của. Cuốn sách có giá gần 40.000 đồng này trên thực tế cũng chỉ sử dụng được trong một mùa, nói cụ thể hơn là chỉ dùng trong 2-3 tháng và sau đó là trở thành “vô giá trị”. Lý do thì ai cũng biết, ngành giáo dục lại thay đổi xoành xoạch đến chóng mặt trong công tác tuyển sinh nên học sinh không thể dùng lại cẩm nang này được.
Chia sẻ về vấn đề này, GS Nguyễn Xuân Hãn (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng: Nếu việc tuyển sinh mang tính ổn định nhiều năm, hoặc chỉ bổ sung thêm vài chi tiết thì có lẽ người mua chỉ cần mua một cuốn để dùng được nhiều lần. Nhưng trên thực tế, mỗi năm học sinh lại phải mua cuốn mới. Đặc biệt, năm nay do có sự thay đổi liên tục về các phương án tuyển sinh, việc mở, đóng ngành học, tuyển sinh riêng… nên kể cả với những học sinh có muốn “cố tình” tận dụng cuốn “Những điều cần biết…” cũ cũng không thể được.
PGS Văn Như Cương kiến nghị nên chia "cẩm nang" thành nhiều quyển nhỏ.
PGS Văn Như Cương, Hiệu trưởng trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) cũng kiến nghị, thay vì in cả một cuốn sách dày cộp với danh sách tất cả các trường, các khối, NXB Giáo dục nên in thành nhiều cuốn nhỏ, trong đó phân chia danh mục các trường theo khối thi, hoặc theo khu vực. Ngoài ra, cuốn sách cần gia tăng sự phong phú bằng những thông tin thiết thực khác về nhận định tầm phát triển của từng ngành, sự hấp dẫn của mỗi ngành... giúp học sinh định hướng tốt hơn trong lựa chọn ngành nghề.
Nhiều chuyên gia giáo dục nhận định, rất cần thiết phải có những thông tin có tính chính thống cho học sinh trước kỳ tuyển sinh, tuy nhiên nên thay đổi phương thức: Thay vì bán sách, Bộ GD-ĐT nên đưa thông tin sớm lên mạng để học sinh có thể tải thông tin miễn phí về phục vụ nhu cầu của mình.
Việc mỗi năm có một cuốn “cẩm nang” ra đời cũng thể hiện sự bất ổn trong công tác tuyển sinh của ngành giáo dục. Theo ý kiến của nhiều giáo viên và học sinh, cuốn sách vừa thừa những thông tin không cần thiết, lại thiếu những nội dung hữu ích, chưa kể vẫn còn nhiều sai sót khiến người sử dụng vừa tốn tiền, vừa mất thời gian và gây lãng phí cho xã hội.
Khánh An