Bùng binh & bồn binh
Bạn đọc: Nhân bài “Bồn tắm và bồn hoa” (Báo Năng lượng Mới số 306, 21/3/2014), xin ông An Chi cho hỏi thêm: giữa “bồn binh” với “bùng binh”, từ nào mới đúng? Hay hai từ này chỉ hai thứ khác nhau? Xin cảm ơn ông. Trần Công Đức (Đồng Nai)
Học giả An Chi: Bây giờ, “bồn binh” đã bị “bùng binh” thay thế hầu như “đều trời”. Lên mạng gõ “bồn binh” thì không thấy nhưng nếu gõ “bùng binh” thì ta sẽ được vô số kết quả. Chẳng hạn, trong một đoạn ngắn 109 chữ của bài “Xi nhan khi vào và ra bùng binh thế nào cho đúng?” trên otosaigon.com, “bùng binh” đã được dùng 4 lần, nghĩa là cứ 27¼ chữ thì có 2 chữ “bùng binh”:
“Bùng binh, hay còn gọi là vòng xoay, theo Đại từ điển (Nguyễn Như Ý chủ biên, NXB Văn hóa Thông tin, 1999) “là vòng xoay ở ngã năm, ngã sáu”. Có thể nói Sài Gòn là nơi có nhiều ngã năm, ngã sáu nhất nước. Thậm chí có ngã bảy Lý Thái Tổ “vượt chuẩn” bùng binh, không biết có được gọi là bùng binh không? Còn ngã năm Chuồng Chó, ngã sáu Phù Đổng, ngã sáu Cộng Hòa… là những cái tên rất quen thuộc nhưng dường như người Sài Gòn vẫn thích gọi những ngã năm, ngã sáu bằng cái tên bùng binh hơn” (những chữ in nghiêng là do chúng tôi - AC).
Thực ra thì “bồn binh” và “bùng binh” vốn là hai thứ khác hẳn nhau, một ở trên cạn, một ở dưới nước. Xin xem những lời giảng hữu quan trong một số quyển từ điển. “Bùng binh” được giảng là:
- “Khúc sông rộng lớn mà tròn” trong Đại Nam quấc âm tự vị của Huình-Tịnh Paulus Của (TĐ1);
- “Khoảng đất rộng”, với thí dụ “Bùng binh trước chợ Bến Thành”, trong Từ điển tiếng Việt do Văn Tân chủ biên, 1967 (TĐ2);
- “Bồn binh”, trong Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức, 1970 (TĐ3);
- “Vật bằng đất, trống ruột, có rạch một cái kẽ dùng để dành tiền”, trong Tự điển Việt Nam của Ban tu thư Khai Trí, 1971 (TĐ4);
- “Vòng tròn ở ngã năm, ngã sáu”, trong Đại từ điển tiếng Việt do Nguyễn Như Ý chủ biên, 1999 (TĐ5);
- “Khu trống rộng nối các trục đường trong thành phố”, trong Từ điển phương ngữ Nam Bộ do Nguyễn Văn Ái chủ biên,1994 (TĐ6);
- “Vòng tròn được xây cao [thường có hoa, cây cảnh bên trong] nằm ở giữa các ngả đường giao nhau để làm mốc cho xe cộ lưu thông” và “ Vật bằng đất nung, rỗng ruột, giống cái lọ phình bụng và kín miệng, có khe hở để bỏ tiền tiết kiệm”, trong Từ điển tiếng Việt của Trung tâm Từ điển học do Hoàng Phê chủ biên, 2007 (TĐ7).
Còn “bồn binh” thì không có trong TĐ1, TĐ2, TĐ5; hai tiếng này được chuyển chú về “bùng binh” trong TĐ6, TĐ7 và trong hai quyển khác thì được giảng là:
- “Công trường, mối đường rộng lớn trong thành - phố có hoặc không có trồng kiểng hay trụ đèn ở giữa để tiện việc lưu thông một chiều”, trong TĐ3;
- “Vườn có cây hoa hình tròn ở chỗ công cộng (thường trước kia có ban nhạc nhà binh hay lại đó tấu nhạc cho dân chúng nghe” trong TĐ4;
Cứ như trên thì “bùng binh” có 3 nghĩa tóm tắt như sau: - vật dụng (TĐ4, TĐ7); - khúc sông phình rộng (TĐ1) - vòng xoay (TĐ2, TĐ3, TĐ5, TĐ6, TĐ7). Bây giờ, xin nhận xét về lời giảng hai tiếng “bùng binh” liên quan đến khái niệm “vòng xoay” trong những quyển từ điển hữu quan. TĐ2 ghi rằng “bùng binh” là “khoảng đất rộng”. Đây chỉ là một lời nói vu vơ chứ không phải một lời giảng. Trên khắp nước ta, rất nhiều địa phương có những “khoảng đất rộng” mà thanh thiếu niên có thể tận dụng làm sân bóng nhưng đó không phải là những “bùng binh”. TĐ3 quy “bùng binh” về “bồn binh” là mặc nhận rằng giữa hai cách nói này, “bồn binh” mới là cách nói chính xác, chính thức được chọn vào từ điển. TĐ5 giảng “bùng binh” là “vòng tròn ở ngã năm, ngã sáu” nhưng “vòng tròn” chỉ là một danh từ hình học thuần túy còn “bùng binh” thì lại là “bồn hình tròn” bằng đất hoặc xi-măng (chưa kể [những] nét nghĩa khác). TĐ5 còn sai ở chỗ giảng rằng cái “vòng tròn” đó nằm “ở ngã năm, ngã sáu”. Cũng trật lất. Phải nói rằng ở nước ta thời Tây thì cái “bùng binh” đầu tiên nằm ở Nam Kỳ; mà ở Nam Kỳ thì cái “bùng binh” đầu tiên nằm ở Sài Gòn; mà ở Sài Gòn thì cái “bùng binh” đầu tiên chỉ nằm ở ngã tư, chứ chẳng có ngã năm, ngã sáu gì cả. Đó là giao lộ Bonard - Charner trước kia, bây giờ là Lê Lợi - Nguyễn Huệ. Tên cúng cơm của cái “bùng binh” này là “Bồn Kèn” (sẽ nói thêm ở một phần sau). TĐ6 giảng “bùng binh” là “khu trống rộng nối các trục đường trong thành phố”. Lời giảng này cũng chẳng ổn tí nào. Trước nhất, “khu trống rộng” chỉ là một khái niệm bâng quơ chứ “bùng binh” thì có đặc trưng là hình dạng thì tròn. Thứ đến, “các trục đường trong thành phố” thì có hàng trăm, nối thế nào được! Chỉ có TĐ7 thì giảng hợp lý và rõ ràng. Còn về nghĩa của “bồn binh” thì TĐ3 giảng xác đáng hơn TĐ4.
Cứ như trên thì người ta rất dễ nghĩ rằng “bùng binh” mới là cách nói chính xác ban đầu, dùng để chỉ cái khái niệm mà bây giờ ta đã bắt đầu có thói quen gọi là “vòng xoay”. Nhầm to! Thoạt kỳ thủy thì, như đã nói, “bồn binh” là cái trên cạn còn “bùng binh” là cái dưới nước, như vẫn còn thấy trong nhiều địa danh ở Nam Bộ hiện nay:
- Ấp Bùng Binh, xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An;
- Ấp Bùng Binh, xã Hưng Mỹ, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau;
- Ấp Bùng Binh, xã Hưng Thuận, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh;
- Ấp Bùng Binh, xã Long Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh;
- Núi Bùng Binh thuộc ấp Ông Hường, xã Thiện Tân huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai;
- Vàm Bùng Binh, ấp Long Hưng, thôn Long Thanh , tỉnh Vĩnh Long v.v...
Những địa phương, địa vật trên đây sở dĩ có tên “Bùng Binh” chẳng qua là vì chúng đã “ăn theo” cái tên (Bùng Binh) của những dòng nước, lớn hay nhỏ nhưng có chỗ phình to ra hình vòng tròn, chảy qua đó hoặc gần đó. Ngay tại thành phố Hồ Chí Minh, thì Thủ Đức trước đây cũng có rạch Bùng Binh còn hiện nay thì quận 3 cũng có đường Rạch Bùng Binh, “ăn theo” tên của rạch Bùng Binh, là một con rạch, cũng có một đoạn phình rộng ra, nay đã bị lấp.
Bài “Sông nước trong tiếng miền Nam” của trang NamKyQuoc-VN có đoạn:
“Năm 1895, Huỳnh - Tịnh Paulus Của trong Đại Nam Quốc âm tự vị đã định nghĩa từ bùng binh: “Khúc sông rộng phình tròn ra”. Đến năm 1970, Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức ghi nghĩa từ bùng binh là “khu đất rộng nối các trục đường trong thành phố”: bùng binh Ngã Sáu, bùng binh Ngã Bảy… Như vậy một từ chỉ sông nước đã được dùng để gọi tên giao lộ của các con đường trong thành phố”.
Thực ra, Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức đã không trực tiếp giảng hai tiếng “bùng binh” mà chuyển chú nó về “bồn binh” và cách xử lý này, như đã nói ở trên, có nghĩa là mặc nhận rằng giữa hai cách nói, “bồn binh” mới là cách chính xác, chính thức được chọn vào từ điển. Ở đây, “bùng binh” chỉ là một từ tiếm vị nhờ sự can thiệp vô duyên của từ nguyên dân gian mà thôi. Như đã nói ở trên, cái “bùng binh” đầu tiên ở Việt Nam nằm tại giao lộ Lê Lợi - Nguyễn Huệ của thành phố Hồ Chí Minh hiện nay và tên cúng cơm của nó là “Bồn Kèn”. Sau đây là lời của Vương Hồng Sển nói về nó trong Sài Gòn năm xưa:
“Ngã tư Kinh Lấp đụng với con kinh về sau biến thành Đại lộ Bonard (nay là Lê Lợi) hồi mồ ma thời Pháp, vẫn là xóm sang trọng nhất. Tại chỗ bồn nước ngay ngã tư này, hồi đó có xây một cái bệ cao hình bát giác, vào khoảng 1920 tôi lên học Sài Gòn còn thấy tận mắt. Mỗi chiều thứ Bảy, tại bệ này có mấy chú lính san đá trỗi nhạc Tây cho đồng bào ta thưởng thức. Ngày nay, nhạc Pháp, nhạc Mỹ nghe nhàm tai, các rạp chớp bóng, máy hát và máy radio “dọn ăn” đến chán bứ ê chề, chớ thuở ấy làm gì mà được nghe nhạc ngoại quốc cho đã con ráy. Họa chăng tụi nào dám lết lại gần nhà hàng “Continental” dành cho “khách Tây” ăn (đường Đồng Khởi), nhà hàng Pancrazi trên đường Bonard (Lê Lợi) và chỗ ngã tư Bồn Kèn này mới được thưởng thức”.
Vậy thì tên cúng cơm của cái “bùng binh” này là “Bồn Kèn” và hồi xưa, cái ngã tư Lê Lợi - Nguyễn Huệ đã “ăn theo” tên của nó mà được gọi là “Ngã tư Bồn Kèn”. Cái “Bồn Kèn” này được dựng lên để mấy chú lính Tây đến thổi kèn, trổi nhạc cho dân chúng nghe rồi chính dân chúng mới dần dần đổi tên cho nó thành “Bồn Binh”, hiểu là cái bồn nơi lính (binh) đến thổi kèn. Hồi đó, chưa có cái “bùng binh” trước chợ Bến Thành nên Bồn Kèn độc quyền cái tên “Bồn Binh” làm danh từ riêng, mà không có “cầu chứng tại tòa”, nay ta gọi là “đăng ký quyền sở hữu”. Vì vậy nên cái tên riêng này dần dần mất thớ mà trở thành danh từ chung “bồn binh” để chỉ những cái bồn khác được Tây gọi là “rond-point”, mà Từ điển Việt - Pháp do Lê Khả Kế làm Tổng biên tập (Tổ chức Hợp tác Văn hóa và Kỹ thuật [ACCT], 1981) dịch là “bồn tròn ngã tư, bồn tròn ngã năm, bồn tròn ngã sáu”. Vậy thì những cái bồn tròn như thế này chính danh là “bồn binh” chứ dứt khoát không phải “bùng binh”. Ngặt một nỗi, trước khi “bồn binh” ra đời thì “bùng binh” đã ngang nhiên chảy ở chỗ này, chảy ở chỗ kia trên đất Nam Kỳ nên thằng “bùng” mới bắt thằng “bồn” khoác cái áo của nó, làm cho “bồn binh” lép vế trước “bùng binh”. Dân thường thì biết “bùng binh” trước “bồn binh” nên chỉ xài thằng trước, bỏ thằng sau. Nhưng người làm từ điển như Lê Văn Đức thì đã nắm đầu thằng “bùng binh” mà đưa về chỗ của “bồn binh”. Chúng tôi vẫn biết rằng có nhiều nhà chủ trương cứ nói theo số đông, nói mà nghe hiểu là được. Dĩ nhiên là cá nhân chúng tôi không cưỡng nổi số đông. Chỉ xin nhắn nhủ rằng cách nói của số đông nhiều khi bắt nguồn từ sự dốt nát.
A.C