HĐND tỉnh Quảng Ninh thông qua Nghị quyết về thăm dò, khai thác khoáng sản:
Tiền đề dịch chuyển kinh tế “nâu” sang “xanh”
Trong định hướng của Quy hoạch Tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020, tầm nhìn 2030, kinh tế Quảng Ninh sẽ chuyển từ “nâu” sang “xanh”. Và sự quyết tâm đó đang được thể hiện rõ ở những chuyển động tích cực ngay từ công tác điều hành cũng như thống nhất trong nhận thức lãnh đạo…
Năng lượng Mới số 307
Quy hoạch đi trước một bước!
“Trong nhận thức của toàn hệ thống chính trị, chúng tôi xác định, khoáng sản là tài nguyên không tái tạo, là tài sản quan trọng và nguồn lực phát triển. Khoáng sản nói chung, than nói riêng phải được quản lý bảo vệ, khai thác sử dụng hợp lý, tiết kiệm, thực sự có hiệu quả gắn liền với bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử văn hóa, danh thắng, an ninh quốc phòng, góp phần phát triển kinh tế xã hội ổn định và bền vững”, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND Nguyễn Đức Long nói với phóng viên Báo Năng lượng Mới bên lề hội nghị chuyên đề của HĐND tỉnh Quảng Ninh khóa XI.
Quy hoạch khoáng sản phải đồng bộ với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội tỉnh Quảng Ninh; quy hoạch kết hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển công nghiệp, quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng, quy hoạch sử dụng cát sỏi xây dựng của tỉnh. Phù hợp với chương trình, kế hoạch ứng phó biến đổi khí hậu.
Đã hết lộn xộn và bụi bặm ở các khai trường lộ thiên của TKV
Trong những năm qua, ngành công nghiệp khai khoáng đã đóng góp tỷ lệ lớn (40%) trong giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh và của cả nước. Tiêu biểu là ngành than đã cung ứng đầy đủ và kịp thời nguyên liệu cho ngành điện, xi măng, hóa chất, giấy và phục vụ xuất khẩu. Nhưng việc khai thác với sản lượng mỗi ngày một tăng dần các loại khoáng sản tuy mang lại hiệu quả kinh tế to lớn cho tỉnh, song cũng ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường. Có nhiều dạng tai biến địa chất tiềm ẩn, có khả năng gây ảnh hưởng đến đời sống dân sinh và môi trường sinh thái.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng triển khai xã hội hóa việc đầu tư cho công tác thăm dò, khai thác khoáng sản theo quy hoạch thông qua đấu giá quyền khai thác khoáng sản theo quy định để minh bạch, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng và lựa chọn được các nhà đầu tư có tiềm năng thực sự. Đồng thời, các tổ chức, cá nhân được phép khai thác khoáng sản sẽ phải thực hiện cải tạo môi trường để đưa môi trường, hệ sinh thái tại khu vực khai thác khoáng sản và khu vực bị ảnh hưởng về trạng thái môi trường gần như ban đầu hoặc đạt được các tiêu chuẩn, quy chuẩn về an toàn môi trường. Việc thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường được thực hiện ngay trong quá trình khai thác khoáng sản.
Không nói suông, bắt tay làm
Với Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), công việc quan trọng nhất trong việc tham gia tích cực vào chủ trương chung của tỉnh Quảng Ninh, đó chính là thay đổi rõ rệt về quan điểm bảo vệ môi trường.
Những năm gần đây, từ lãnh đạo các đơn vị cũng như người lao động TKV dành nhiều thời gian hơn cho thực tế, thay vì hô hào chung chung bấy lâu nay. Đại diện lãnh đạo Ban Môi trường TKV cho biết, từ 4-5 năm nay, Công ty Mẹ Tập đoàn đã thúc ép nhiều mỏ đồng loạt tiến hành cải tạo các bãi thải, đặc biệt là các bãi thải nằm trong lòng thành phố Hạ Long và từ Quốc lộ 18 nhìn lên. “Giải pháp công nghệ là cho cắt tầng để giảm độ dốc, đảm bảo an toàn cho bãi thải. Sau đó ổn định sườn bãi thải bằng nhiều cách, nhưng cách thành công nhất là sử dụng biện pháp sinh học, phủ xanh bãi thải bằng cỏ Vetiver vừa có tác dụng ngăn bụi vừa bảo vệ sườn bãi thải”, vị lãnh đạo này cho biết.
Cùng với biện pháp phủ xanh bãi thải, TKV còn xây dựng hệ thống mương dẫn nước tại các bãi thải để thu gom nước và xử lý trước khi thải ra môi trường và chống sạt lở bãi thải. Vấn đề bụi cũng khá nan giải trong khai thác, vận chuyển than. Giải pháp mà Tập đoàn thực hiện là chấm dứt vận chuyển than bằng ôtô trên Quốc lộ 18A từ Đông Triều tới Mông Dương và tỉnh lộ 337 Quảng Ninh; thay vào đó bằng các tuyến đường chuyên dụng, băng tải, đường sắt… và bắt buộc các lái xe khi vận chuyển than cắt qua quốc lộ hoặc ngang qua khu dân cư phải phủ bạt thùng xe. Từ năm 2009-2010, TKV giao cho một đơn vị thử nghiệm xây dựng hệ thống rửa xe ở hai đầu trước khi ra khỏi mỏ và trước khi rời khỏi cảng quay trở lại mỏ để giảm thiểu bụi.
Tại các khu vực chế biến than, nhất là các khâu công nghệ trong nhà máy tuyển, trạm sàng trên mỏ, các trạm chuyển tải là những ổ bụi dễ phát tán; chúng tôi buộc các đơn vị phải đầu tư thiết bị phun sương, bê tông hóa nền các kho chứa than trên công trường, xây tường bao quanh và có lưới chống bụi. Tập đoàn cũng đã thành lập một đơn vị chuyên trách lo việc xử lý nước thải của các mỏ. Từ đó đến nay đã xây dựng và đưa vào gần 30 trạm xử lý nước thải, cải thiện một bước công tác xử lý nước thải. Để giảm thiểu bụi, ô nhiễm về nước trên bề mặt lâu dài tại các kho than, từ nay đến 2020, TKV sẽ di dời tất cả các kho than rải rác, nhỏ lẻ, số còn lại trên các bến cảng sẽ được quy hoạch lại, hiện đại hóa các cảng, chứa than trong xilô và vận chuyển tới cảng bằng băng tải để các tàu vào “ăn than”.
Hiện nay, mặc dù trong điều kiện khó khăn về tài chính, nhưng TKV vẫn đầu tư khoảng 700 tỉ đồng mỗi năm cho công tác bảo vệ môi trường, trong đó khoảng 60-70% dành cho các dự án sử dụng nguồn Quỹ Môi trường tập trung, phần còn lại sử dụng cho các công việc bảo vệ thường xuyên và các dự án bảo vệ môi trường của các đơn vị thành viên. Nhiều đơn vị thành viên của TKV đã lập báo cáo đánh giá tác động môi trường và tổ chức quan trắc môi trường theo định kỳ.
Lê Tùng