Học mánh buôn tiền giả từ... chị em trong tù
Buôn bán giày dép bị thua lỗ, Nguyễn Thị Nguyệt (SN 1967, trú tại Uy Lỗ, Đông Anh, Hà Nội) quay sang mua tiền giả về tiêu thụ, để rồi “mua luôn” một suất ở 7 năm trong tù.
Sáng 20/3, TAND TP Hà Nội mở phiên xét xử công khai đối với bị cáo Nguyễn Thị Nguyệt về tội tiêu thụ tiền giả. Bị cáo Nguyệt lặng thinh trước vành móng ngựa, thi thoảng thị có ngoảnh lại phía sau mong tìm thấy bóng dáng của người thân. Nhưng không ai xuất hiện. Có lẽ họ đã quá quen với cảnh hầu tòa, ra tù vào tội của Nguyệt. Đây là lần thứ tư Nguyệt phải đứng trước vành móng ngựa để nghe phán quyết của pháp luật.
Nguyễn Thị Nguyệt trước vành móng ngựa
Nguyệt sinh ra trong gia đình có 6 anh chị em, ở Uông Bí, Quảng Ninh. Là con thứ hai, dù nghèo khó nhưng thị vẫn được cha mẹ cho ăn học đến hết lớp 7. Từ ngày nghỉ học, Nguyệt làm nghề tự do.
Năm 1984, Nguyệt bị tòa phúc thẩm, TAND tỉnh Quảng Ninh xử phạt 12 tháng tù về tội Lừa đảo tài sản xã hội chủ nghĩa. Chấp hành hình phạt xong, Nguyệt trở về với cuộc sống đời thường.
Năm 2003, Nguyệt bị Công an quận Ba Đình, Hà Nội bắt về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. 3 năm sau, Nguyệt bị TAND tỉnh Lạng Sơn xử phạt 6 năm tù giam vì tội mua bán phụ nữ. Vào tù, Nguyệt tìm cách trốn khỏi trại giam. Với hành vi này, Nguyệt lĩnh thêm 18 tháng tù. Ra tù chưa đầy một năm, Nguyệt phải ra hầu tòa vì tội Lưu hành tiền giả.
Theo cáo trạng, khoảng cuối tháng 8 đầu tháng 9/2013, Nguyễn Thị Nguyệt một mình qua cửa khẩu Cổng Trắng, Lạng Sơn sang Trung Quốc mua giày nữ về bán. Do việc buôn bán giày bị thua lỗ, khi sang Trung Quốc lần thứ 2, Nguyệt nảy sinh ý định mua tiền giả về tiêu thụ. Tại đây, Nguyệt được một người phụ nữ tên Thơ bán cho tiền giả với giá 3 triệu đồng tiền thật lấy 10 triệu đồng tiền giả. Khi nhận tiền, Nguyệt được Thơ tặng thêm 2 triệu đồng tiền giả “lấy chỗ đi lại”. Khi đang đi tiêu thụ tiền giả tại chợ Việt Hùng (xã Việt Hùng, Đông Anh, Hà Nội), Nguyệt bị bắt quả tang
Đối tượng Nguyệt nhằm vào để tiêu thụ tiền giả chủ yếu là những người già cả và vào lúc trời nhập nhoạng tối vì như thế khó bị phát hiện. Nghe Nguyệt nói vậy, vị hội thẩm nhân dân hỏi: “Ai là người hướng dẫn bị cáo cách lựa chọn đối tượng cũng như đi mua tiền giả?”. Nguyệt trả lời: “Lúc ở trong tù, mấy chị em kể chuyện cho nhau nghe, bị cáo nhớ lại làm theo”. Nghe Nguyệt nói thế, vị hội thẩm lắc đầu: “Vào tù, bị cáo không ăn năn, hối hận, lại đi học những mánh khóe vi phạm pháp luật để ra tù làm theo”, Nguyệt chỉ biết lí nhí trả lời vì hoàn cảnh khó khăn, bị cáo lại đang phải nuôi con nhỏ một mình (Nguyệt có một con ngoài giá thú sinh năm 2006).
Trước những hành vi vi phạm trên, Nguyễn Thị Nguyệt bị HĐXX tuyên phạt 7 năm tù giam về tội Lưu hành tiền giả.
Ngọc Diệp