Thợ lò sẽ phải “học” xuống hầm
Theo quy hoạch ngành than, từ năm 2015 sẽ dừng khai thác lộ thiên ở Núi Béo và chuyển sang khai thác hầm lò. Do vậy, từ đầu năm 2012, Công ty Than Núi Béo đã được Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam giao nhiệm vụ thực hiện dự án khai thác hầm lò mỏ than Núi Béo. Đây là một trong những đơn vị đầu tiên của ngành than thực hiện việc chuẩn bị nguồn nhân lực cho dự án chuyển từ khai thác lộ thiên sang hầm lò.
Năng lượng Mới số 305
Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) có tới 4 trường đào tạo cán bộ, công nhân. Trong đó có một trường đào tạo nguồn nhân lực cao cấp là Trường Quản trị Kinh doanh. Tập đoàn đã chủ động trong việc đào tạo công nhân lành nghề phục vụ cho sản xuất của mình vì có tới 3 trường đào tạo nghề mỏ. Mỗi năm, hàng vạn công nhân được đào tạo mới và đào tạo tại chỗ, hàng ngàn cán bộ các đơn vị được đào tạo nâng cao.
Vấn đề lớn nhất trong đào tạo thợ mỏ hiện nay là ý thức của người thợ mỏ trong công tác an toàn. Theo các chuyên gia về an toàn của ngành than, hơn 90% tai nạn lao động trong ngành than xuất phát từ sự thiếu ý thức về an toàn của người thợ mỏ. Theo báo cáo của TKV, năm 2013, toàn ngành than để xảy ra 522 vụ tai nạn lao động (TNLĐ), làm 289 người bị thương nặng, 217 người bị thương nhẹ. Nhìn lại 10 năm qua, số vụ tai nạn, số người chết và bị thương do TNLĐ trong ngành than tăng gần gấp đôi, tất nhiên một phần do tình hình khai thác có phức tạp hơn nhiều so với trước. Nếu như năm 2001, có 15 công nhân tử nạn vì TNLĐ thì năm 2006 là năm có số công nhân tử nạn nhiều nhất - 50 người; năm 2002 là 37 người; năm 2007 là 36 người…
Học viên thi khai thác hầm lò tại Trường Đào tạo nghề mỏ Hồng Cẩm
Xác định sự bức thiết của công tác giáo dục ý thức, tác phong làm việc công nghiệp của thợ mỏ nên hiện nay các trường đào tạo nghề ngành than đã tập trung xây dựng và rèn luyện ý thức an toàn của học viên ngay từ trên ghế nhà trường. Bởi khai thác hầm lò hoàn toàn khác với khai thác than lộ thiên, độ sâu hàng trăm mét dưới mặt đất sẽ khiến áp lực, áp suất cao nên yêu cầu nghiêm ngặt kỹ thuật khai thác, các phương pháp an toàn đối với người thợ mỏ. Vì vậy không thể đợi đến khi tham gia công tác tại các mỏ mới được học tập mà phải được rèn luyện thật kỹ ngay từ trong trường đào tạo.
Đối với dự án khai thác hầm lò mỏ than Núi Béo là dự án trọng điểm của ngành than, có quy mô lớn, tổng mức đầu tư hơn 5.300 tỉ đồng và được ngành than kỳ vọng là tiền đề xây dựng hàng loạt các mỏ hầm lò giếng đứng trong thời gian tới. Dự án khai thác hầm lỏ mỏ than Núi Béo có công suất thiết kế 2 triệu tấn than nguyên khai/năm, khai thông mở vỉa bằng cặp giếng đứng xuống đến mức -350m, chủ yếu áp dụng cơ giới hóa trong khai thác. Trong 3 năm tới, mỏ than Núi Béo sẽ trở thành điển hình khai thác than của ngành than Việt Nam.
Ông Trần Quang Khải - Ban Quản lý Dự án Công ty CP Than Núi Béo cho biết: “Dự án hầm lò này có ý nghĩa rất lớn. Vì bản chất của thi công giếng đứng đối với Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam vẫn chưa có đơn vị nào làm. Do đó, chúng tôi cũng muốn nhân dịp này, thông qua nhà thầu phụ của Ukraina đào tạo một lực lượng sau này có thể tiếp cận công nghệ làm giếng đứng - một đội ngũ nhân lực chất lượng cao, có ý thức làm việc cùng đảm bảo an toàn cao nhất”.
Tuy nhiên việc chuyển đổi từ khai thác than lộ thiên sang hầm lò đòi hỏi cần một đội ngũ cán bộ, công nhân có chuyên môn cao về hầm lò. Trong khi đó, từ trước đến nay, Công ty Than Núi Béo cũng như hầu hết các đơn vị khai thác than của TKV mới chỉ tiến hành khai thác than lộ thiên. Đứng trước những yêu cầu mới, Công ty CP Than Núi Béo đã ký thỏa thuận hợp tác với Công ty CP than Hà Lầm và Trường Đào tạo nghề mỏ Hồng Cẩm để đào tạo tuyển sinh và hướng dẫn, kèm cặp nguồn nhân lực phục vụ cho dự án khai thác than hầm lò mỏ than Núi Béo giai đoạn 2013-2020.
Dự kiến đến năm 2017, khi dự án hầm lò mỏ than Núi Béo đi vào hoạt động, số cán bộ, công nhân lao động kỹ thuật cần thiết để điều hành và khai thác sẽ có trên 3.000 người, trong đó trên 1.800 người là thợ lò.
Ông Đặng Thanh Hải - Phó tổng giám đốc TKV cho biết: “Hợp tác chiến lược về đào tạo và chuẩn bị nhân lực cho dự án có vai trò hết sức quan trọng cho định hướng chiến lược của Tập đoàn khi dịch chuyển từ khai thác lộ thiên sang hầm lò. Do đó, chúng tôi chú trọng đến công tác đào tạo để Công ty Than Núi Béo có thể làm chủ được công nghệ, nâng mức an toàn lên cao nhất khi đi vào khai thác hầm lò ở độ sâu hàng trăm mét”.
Việc chuẩn bị nguồn nhân lực là một trong nhiều yếu tố quan trọng giúp thực hiện thành công kỳ vọng của ngành than khoáng sản trong việc chuyển hướng từ tăng trưởng nóng sang tăng trưởng xanh, phát triển theo chiều sâu, chuyển từ khai thác lộ thiên sang khai thác hầm lò. Đây cũng là cơ sở cho việc triển khai thành công dự án hầm lò mỏ than Núi Béo và các dự án than hầm lò trọng điểm khác trong tương lai của TKV. Hơn lúc nào hết, việc nâng cao ý thức an toàn của người thợ lò là việc làm cấp thiết, nếu không khi người thợ lò bắt buộc phải xuống hầm thì TNLĐ sẽ thật sự trở thành thảm họa của ngành than.
Tùng Dương