Phá nốt ruồi, phá cả khuôn mặt
Nghe người ta bảo mình có 2 nốt ruồi “phá tướng”, anh Nguyễn Tấn Sỹ (SN 1964, phường 1, thị xã Tây Ninh) bèn đến tiệm cắt tóc gần nhà để phá nốt ruồi. Nào hay, chỉ trong phút chốc vì suy nghĩ thiển cận ấy mà anh đã mất cả khuôn mặt. Người đàn ông tài hoa năm nào giờ phải sống trong bóng tối…
Anh Nguyễn Tấn Sỹ khi chưa phá nốt ruồi.
Phá nốt ruồi, phá cả khuôn mặt
Nếu không được nói trước, tôi không thể nào tin người đàn ông điển trai trong tấm hình chính là người ngồi trước mặt tôi, Nguyễn Tấn Sỹ. Khuôn mặt anh Sỹ biến dạng hoàn toàn, không còn mắt, không còn mũi, và ngay cái miệng cũng chỉ còn lại bờ môi dưới méo mó đến thảm hại. Dù khuôn mặt anh đã được băng bó bằng những miếng gạc và băng cá nhân nhưng vẫn không giấu được vết thương đang rỉ máu và mủ. Giọng nói của anh thều thào, đức quãng, mệt mỏi bởi vết thương đang cắn xé.
Trong ân hận, anh Sỹ kể câu chuyện tai ương của mình. Mọi việc xảy ra từ khi anh đến tiệm cắt tóc gần nhà để phá nốt ruồi mà tôi đã từng thấy trên khuôn mặt hiền lành ấy. Có lần, một người quen bảo anh rằng, hai nốt ruồi của anh là hai nốt ruồi “phá tướng”. Nghe thế, anh muốn tẩy bỏ cái “phá tướng” ấy ra khỏi cuộc đời của mình. Cha anh bảo, trời sinh sao thì để vậy. Anh trả lời, “Con thay đổi vận mệnh mình thử làm sao”.
Hỏi bạn bè phá nốt ruồi chỗ nào thì anh nhận được câu trả lời, “Dễ ợt, chẳng cần đi đâu xa, ngay tiệm hớt tóc chỗ Trảng Lớn (xã Thái Bình, huyện Châu Thành) cũng làm được và chỉ cần tốn vài chục ngàn đồng”. Anh bèn xách xe chạy đi Trảng Lớn. Anh hỏi, “Phá một nốt ruồi bao nhiêu tiền?”. Cô chủ quán tầm 17, 18 tuổi trả lời, “Một nốt ruồi 10.000 đồng, hai nốt ruồi 20.000 đồng”. Anh cười giòn tan: “Chuyện nhỏ, phá cho anh hai nốt ruồi này”. Rồi anh nằm lên ghế để cô bé “phẫu thuật thẩm mỹ” cho anh.
Đúng như bạn anh nói thật, việc phá nốt ruồi hôm đó đơn giản lắm, chỉ mất hơn 30 phút đồng hồ. Đầu tiên, cô thợ cắt tóc lấy vật nhọn như kim băng đâm nhẹ vào mụn ruồi của anh. Sau đó, cô bé bôi một loại dung dịch nhờn nhờn màu vàng vào hai nốt ruồi đã được “tiểu phẫu”. Anh hỏi đó là thuốc gì. Cô thợ cắt tóc trả lời: “Vôi ăn trầu trộn với thuốc uốn tóc”. Anh vừa ngạc nhiên vừa ngưỡng mộ.
Trước khi anh ra về, cô chủ tiệm cắt tóc dặn anh rằng, trong vòng 2 ngày, anh không được để nước chạm vào chỗ 2 nốt ruồi cô vừa phá. Anh ngoan ngoãn làm theo lời “bác sĩ thẩm mỹ”. Khoảng một tuần sau, nốt ruồi gần khóe mắt khô và rơi dần. Nhưng, nốt ruồi nơi cánh mũi thì không mất mà lại sưng đỏ, mẩn ngứa rồi đau rát. Chủ quan, anh nghĩ, “Chắc cũng như những cái mụn bình thường, sẽ không có việc gì” nên anh không đến bác sĩ thăm khám.
Ngày qua ngày, nốt ruồi này không khô mà có dấu hiệu lở loét ra xung quanh. Không biết hỏi ai, anh Sỹ chạy đến tiệm cắt tóc hỏi cô chủ quán thì nhận được câu trả lời với nét mặt ngơ ngác: “Em cũng đâu có biết. Phá nốt ruồi cho anh mà coi như không được thì em trả lại anh 20.000 đồng”.
Anh không nhận lại tiền, bởi 20.000 đồng với anh không sá gì. Hơn nữa, anh cũng vốn là người dễ dãi. Dễ dãi tới mức, sau đó chiếc mũi của anh bắt đầu lở loét, anh cũng không hề đến bệnh viện để thăm khám. Rồi vết thương loang dần lên mắt. Ban đầu, nó đục khoét hết con mắt trái của anh. Sau đó, nó khiến con mắt phải sưng vù lên như quả trứng gà rồi từ từ thối rữa. Anh rơi vào bóng đêm vĩnh viễn. Chưa dừng lại đó, vết thương lở loét khắp vùng mặt, làm mất luôn bờ môi trên của anh. Bây giờ, khuôn mặt anh chỉ còn bờ môi dưới, mà nó cũng không nguyên vẹn, bị méo mó đến thảm hại.
Anh Sỹ giờ phải gánh chịu hậu quả khôn lường từ việc phá nốt ruồi.
Hậu quả khôn lường từ suy nghĩ nông cạn
Sinh ra trong gia đình khả giả, lại là con út nên anh Sỹ được cha mẹ rất mực thương yêu. Nhưng rồi, vì ham chơi, mới đến lớp 7 đã anh bỏ ngang chuyện đèn sách. Không còn phải đến trường, anh Sỹ lại càng có thời gian rong ruổi khắp đó đây để đàn đúm bạn bè tán hươu tán vượn. Lớn lên tí nữa là chén tạc chén thù. Tính tình đơn giản nên cuộc sống với anh là tới đâu hay đó, chẳng nghĩ ngợi xa gần.
Ngay cả chuyện lập gia đình của anh cũng đơn giản. Năm 1988, trong một lần đi đám cưới người bạn, có tí men trong người, anh xung phong lên sân khấu làm ca sĩ. Chị thấy anh ngồ ngộ nên xin được làm quen. Thế rồi thành vợ thành chồng. Ngay năm sau, chị cho anh một đứa con trai kháu khỉnh. Rồi 4 năm sau đó, họ có thêm một đứa con trai thứ hai.
Những tưởng anh chị hạnh phúc, nào hay chỉ vừa vặn 10 năm sau cưới, anh chị đường ai nấy đi. Nguyên nhân chia tay, theo chị thì do anh siêng chơi nhác làm, uống rượu thay cơm. Còn anh, không lời giải thích, không lời trách cứ. Anh chỉ buồn và nhớ hai đứa con trai. Từ khi anh và chị ly hôn, hai đứa con trai theo mẹ lên Kà Tum (huyện Tân Châu) sinh sống, còn anh về sống với cha già tại phường 1, thị xã Tây Ninh.
Chị Nguyễn Thị Hà Liên (1970, em họ anh Sỹ) kể, khi thấy vết thương anh có dấu hiệu trầm trọng, anh em trong gia đình đã gom góp tiền để anh đi bệnh viện, nhưng anh không chịu đi vì nghĩ “chuyện nhỏ”. Mãi đến năm 2011, khi vết thương đau nhức quá anh mới để người nhà băng bó khuôn mặt và đưa lên bệnh viện đa khoa Tây Ninh khám. Mới nhìn thấy anh, bác sĩ đã giục gia đình nhanh chóng đưa xuống bệnh viện ung bướu thành phố Hồ Chí Minh. Tại đây, bác sĩ cho biết, anh phá nốt ruồi không đúng cách nên bị hoại tử phần mặt và cần nhập viện để theo dõi. Đợt nhập viện lần đó, anh đã bám trụ được 25 ngày. Vì mỗi ngày tiêu tốn hết 2 triệu tiền viện phí nên anh đành xin xuất viện, ôm vết thương ra về.
Bây giờ, sự sống của anh Sỹ là sự đau đớn không nguôi về thể xác lẫn tinh thần. Ngày ngày, anh gặm nhấm nỗi buồn, sự cô đơn đến tái tê. Anh nhớ vợ cũ, nhớ con trai. Bạn bè cũng ít khi đến chuyện trò với anh, trẻ con trong xóm thấy anh thì hốt hoảng bỏ chạy. Vết thương nơi khuôn mặt anh liên tục chảy thứ nước đục đục vàng vàng kèm theo máu. Thế nhưng, việc điều trị của anh cũng rất đơn giản. “Tủ thuốc” của anh là chiếc bàn gỗ cũ kỹ với những lọ nước ô-xi già và những miếng băng gạc, keo dán để chỏng chơ giữa bàn. Hàng ngày, anh lấy bông thấm ô-xi già rửa vết thương, sau đó lấy miếng gạc to che lên khuôn mặt rồi dùng băng keo dán cố định trên mặt. Đau lúc nào, anh uống thuốc lúc đó, chủ yếu là thuốc giảm đau và một ít thuốc kháng sinh.
Ông Nguyễn Văn Chắc, cha của anh Sỹ nói với chúng tôi, “Bác sĩ bảo, có 150 triệu thì bệnh của hắn (anh Sỹ-PV) sẽ chữa hết. Thấy hắn, tôi đứt từng khúc ruột. Nhưng 150 triệu, đào ở đâu ra…”. Nếu chỉ với hai cha con ông Chắc, 150 triệu, chắc rằng chẳng thể nào có được. Bởi đến bữa cơm hàng ngày của hai cha con ông cũng nhờ người con trai lớn và lòng hảo tâm của mọi người. Hàng ngày, anh Nguyễn Tấn Tài, con trai lớn của ông Chắc mang cơm đến cho cha và em ăn. Dù đã già nhưng sáng nào ông Chắc cũng mang đồ nghề sửa xe ra trước cổng nhà để vá xe cho khách. Ngặt nỗi, mắt ông lại kém nên thay vỏ xe ông cũng loay hoay đến 2, 3 tiếng đồng hồ. Lắm khi thay mãi không được, ông phải điện cho anh Tài đến làm hộ.
Trên đường rời khỏi Tây Ninh, tôi nhớ mãi lời anh Sỹ, người đàn ông không có khuôn mặt thều thào: “Chẳng có nốt ruồi nào phá tướng. Chính tôi đã phá khuôn mặt, phá cuộc đời tôi rồi…”.
Hoàng Phương