Tài xế và tài công
Bạn đọc: Xin ông An Chi cho biết, chữ “tài” trong “tài xế” và “tài” trong “tài công” có phải là một hay không và do đâu mà ra? Xin cảm ơn. Nguyễn Văn Kính (TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình)
Học giả An Chi: Tunguyenhoc.blogspot có đăng bài “Cầm tài là cầm cái gì?” (22-11-2011), theo đó thì Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức cho rằng “tài” là bánh lái và bắt nguồn ở một từ tiếng Hán ghi bằng chữ [舵] mà âm Hán Việt là “đà” còn âm Quảng Đông là “tài”. Vẫn theo bài đó thì trong từ điển của Lê Văn Đức, ta còn tìm thấy từ “tài” này trong “tài công” (“đà công” 舵工), nghĩa là người lái thuyền và “tài xế” (“đà xa” 舵車), nghĩa là lái xe. Rồi cũng theo bài này, ta còn biết được rằng trước đó “tài công” đã được Đại Nam quấc âm tự vị của Huình-Tịnh Paulus Của ghi chú là “đà công”, nghĩa là lái phụ, kẻ coi chèo bánh. Cuối cùng, bài đó có nhận xét rằng với trường hợp “tài xế” thì ngoài từ điển của Lê Văn Đức, không thấy sách nào khác quy “tài” về “đà” còn Nguyễn Ngọc San thì cho rằng “tài xế” tương đương với từ Hán Việt “tải xa”.
Kể ra, ngoài từ điển của Lê Văn Đức, không thấy sách nào khác quy “tài” về “đà” [舵] cũng là chuyện dễ hiểu vì hai hình vị này tuyệt nhiên không hề có quan hệ gì với nhau về mặt từ nguyên, nhất là vì âm của chữ “đà” [舵] trong tiếng Quảng Đông không phải là “tài” như Lê Văn Đức đã nêu. Quảng Châu âm tự điển do Nhiêu Bỉnh Tài chủ biên (Quảng Đông Nhân dân xuất bản xã, 1997, tr. 438) ghi cho nó âm “to4”, mà nếu ghi theo chữ quốc ngữ của tiếng Việt thì sẽ là “thò”. Đồng thời nó cũng chỉ được dùng với tính cách danh từ (chứ không phải động từ) nên dân Tàu cũng không bao giờ nói “đà xa” để chỉ thao tác lái xe! Riêng “đà công” [舵工] thì quả nhiên là một danh ngữ có nghĩa là người lái tàu (thủy), là “kẻ coi chèo bánh”, như Huình-Tịnh Paulus Của đã giảng, nhưng “đà” thì không bao giờ cho ra “tài” được!
Còn nói rằng “tài xế” tương đương với hai tiếng Hán Việt “tải xa”, như Nguyễn Ngọc San đã nêu thì đó chẳng qua cũng chỉ là chuyện ráp chữ cho ra nghĩa mà thôi chứ Tàu không bao giờ nói “tải xa” để chỉ “tài xế”. Mà “tải xa” cũng không hề là một từ tổ cố định trong tiếng Hán. Vậy thì Tàu gọi tài xế là gì? Thưa rằng “tài xế”, tiếng Tàu là “tư cơ” [司機], âm Bắc Kinh (ghi theo pinyin) là sījī, còn âm Quảng Đông thì được Quảng Châu âm tự điển ghi là xi1 géi1.
Nhưng có lẽ nào “tài xế” lại là hai tiếng đã thật sự mất gia phả? Thưa không, “tài xế” chẳng qua chỉ do hai tiếng “đại xa” [大車] đọc theo âm Quảng Đông mà ra. Quảng Châu âm tự điển ghi âm của hai chữ này là dai6 cé1, đọc theo tiếng Việt thì gần như là “tài sé”. Có điều là ở đây, “đại xa” (“tài sé”) không có nghĩa là xe to. Nghĩa của danh ngữ này đã được Mathews’ Chinese English Dictionary đối dịch là “chief engineer”, nghĩa là trưởng máy. Đương đại Hán ngữ từ điển của nhóm Lý Quốc Viêm (Thượng Hải từ thư xuất bản xã, 2001) giảng (phiên theo âm Hán Việt) là “đối hỏa xa tư cơ hoặc luân thuyền thượng phụ trách quản lý cơ khí đích nhân đích tôn xưng”, nghĩa là “tiếng tôn xưng đối với người lái tàu hỏa hoặc người phụ trách việc quản lý máy móc trên tàu chạy bằng hơi nước”. Hiện đại Hán ngữ từ điển của Phòng Biên tập từ điển, Sở Nghiên cứu ngôn ngữ thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc (Thương vụ ấn thư quán, Bắc Kinh, 1992) thì cũng giảng với 20 chữ y chang. Cứ như trên thì, chỉ với một sự “nhích nghĩa” không lớn lắm, “đại xa”, đọc theo âm Quảng Đông “tài sé”, hiển nhiên là nguồn gốc của hai tiếng “tài xế” trong tiếng Việt. Ngoài nó ra, chắc sẽ không thể có nguyên từ (etymon) nào khác.
Còn “tài công” thì sao? Huình-Tịnh Paulus Của có ghi chú hai tiếng “tài công” bằng hai tiếng “đà công” trong ngoặc đơn, nghĩa là đã ghi chú một danh ngữ bằng một danh ngữ. Nhưng Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức thì còn tách riêng chữ “tài” thành một mục từ mà giảng là “Bánh lái (tức Đà, đọc theo giọng Quảng Đông)”. Ở trên, chúng tôi đã chứng minh rằng âm Quảng Đông của chữ “đà” không phải là “tài”. Nhưng dù có được đọc theo âm nào thì, trong tiếng Việt, “tài” cũng tuyệt đối không phải là một từ độc lập, có nghĩa là “bánh lái”, để có thể đứng thành một mục từ, như Lê Văn Đức đã làm. Chẳng những thế, nó cũng không hề là một hình vị phụ thuộc mang nghĩa đó.
Theo chúng tôi thì thực ra “tài công” chỉ là một cách nói méo mó, bắt nguồn từ “đà công” [舵工] nhưng không phải do “đà” chuyển biến thành “tài” về mật âm lý. Ở đây đã xảy ra hiện tượng đan xen hình thức mà chúng tôi đã có nói đến vài lần trước đây. “Đà công” là một danh ngữ có nội dung liên quan đến việc điều khiển phương tiện giao thông đường thủy mà “tài xế” thì cũng nằm trong cùng một trường nghĩa đó, nhưng ở trên bộ. Có thể là do “tài xế” có tần số cao hơn, do đó quen thuộc hơn nên người sử dụng ngôn ngữ mới lấy “tài” của “tài xế” thay cho “đà” của “đà công” mà biến danh ngữ này thành “tài công” chăng? Và ta có “tài xế” là người lái ôtô, phương tiện giao thông đường bộ và “tài công”, người lái tàu chạy bằng hơi nước, phương tiện giao thông đường thủy. Có lẽ như thế chăng?
A.C