Thành lập Ban Chỉ đạo xử lý nợ xấu liên ngành
Thủ tướng Chính phủ vừa ra Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo liên ngành triển khai Đề án “Xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng” do Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh làm Trưởng Ban Chỉ đạo.
Ban Chỉ đạo trên cũng sẽ triển khai cùng lúc Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011 - 2015”.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình làm Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo, bên cạnh đó, đại diện Văn phòng Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính... cùng lãnh đạo UBND TP Hà Nội, TP HCM cũng tham gia triển khai đề án.
Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ tham mưu giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo triển khai các giải pháp cơ cấu lại và xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng theo các mục tiêu, định hướng nêu tại Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011 - 2015” và Đề án “Xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng”.
Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo nghiên cứu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ phương hướng, giải pháp xử lý những vấn đề quan trọng trong quá trình triển khai thực hiện các Đề án; tham mưu, giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành và địa phương xử lý các vấn đề thuộc chức năng, nhiệm vụ của các Bộ, ngành và địa phương trong phạm vi các Đề án.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo.
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, việc thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương để xử lý phần “khúc mắc” nhất - nợ xấu - là điều hiển nhiên. “Sự có mặt của một Phó Thủ tướng Chính phủ cùng nhiều lãnh đạo Bộ, cơ quan ngang Bộ sẽ giúp sự minh bạch trong xử lý nợ xấu được đẩy lên một bước. Điều quan trọng là bao giờ Ban Chỉ đạo bắt tay vào công việc và xác định sự quan trọng của công tác xử lý nợ xấu ở mức nào mà thôi”, TS Hiếu cho hay.
Phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) hồi cuối năm 2013, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho hay, tổng số nợ xấu đã được xử lý trong năm 2012 và 9 tháng đầu năm 2013 là 101,7 ngàn tỷ đồng, trong đó năm 2012 là 69,2 ngàn tỷ đồng và 9 tháng đầu năm 2013 là 32,5 ngàn tỷ đồng.
Với các giải pháp quyết liệt để xử lý nợ xấu, tính đến cuối tháng 9/2013, tổng nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống ngân hàng là 142,33 ngàn tỷ đồng, chiếm 4,62% tổng dư nợ, tăng 20,2% so với cuối năm 2012.
Tuy nhiên, tốc độ gia tăng nợ xấu bình quân trong 9 tháng đầu năm 2013 đã giảm đáng kể so với năm 2012, chỉ ở mức 2,2%/tháng so với mức 3,91%/tháng trong năm 2012.
Lê Tùng