"Mắt thần biển Đông" tìm kiếm Boeing 777
Sáng 11/3, Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn cho biết, hiện tại có 8 máy bay của phía Việt Nam được huy động tìm kiếm cứu nạn máy bay của hãng hàng không Malaysia Airlines. Trong đó có 2 máy bay đặc chủng vừa được biên chế vào lực lượng không quân là máy bay tuần thám hiện đại CASA-212 và thủy phi cơ DHC6.
CASA-212 là máy bay tuần thám hiện đại, có thể trinh sát, phát hiện tàu chiến, tàu ngầm của đối phương bất kể ngày đêm. Đây là loại máy bay thế hệ thứ 4 do Tây Ban Nha chế tạo với nhiều trang bị kỹ thuật hiện đại theo tiêu chuẩn châu Âu, thiết kế nhỏ gọn, có sải cánh 20,2 m và chiều dài 16,1 m.
Trang bị động cơ turbin cánh quạt cho phép CASA-212 hoạt động với tốc độ bay thấp và bay trên biển liên tục 7 giờ, có thể đạt tốc độ bay 360 km/giờ, tầm bay đạt 1.800 km, trọng tải cất cánh đạt 8,1 tấn. CASA-212 được trang bị các thiết bị cho tầm kiểm soát 80 km và có khả năng tìm kiếm, theo dõi mục tiêu đa chế độ bất kể ngày, đêm.
Máy bay tuần thám CASA-212
CASA-212 là phương tiện vừa xuất hiện trong lực lượng Không quân Việt Nam. Sự xuất hiện của loại máy bay tuần thám này sẽ giúp nhiệm vụ bảo vệ lãnh hải hiệu quả hơn. Phi đội máy bay tuần thám cũng sẽ là chỗ dựa vững chắc cho ngư dân đánh bắt cá ngoài biển Đông thường xuyên bị tàu bè lạ bắt nạt, giúp họ vượt bão trong những chuyến đi biển dài ngày.
Công cụ lợi hại nhất của máy bay tuần thám CASA-212 là hệ thống radar MSS-6000 tối tân, cho phép bao quát vùng biển, vùng trời tuần thám. “Mắt thần” của CASA-212 có thể quan sát mọi phương tiện hoạt động trong bán kính 120 km khi máy bay hoạt động ở độ cao dưới 3.000m.
Theo Thượng tá Nguyễn Hoài Thủy - Phi đội trưởng Phi đội CaSa, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Quốc phòng, sau hơn 4 giờ bay, hiện hai chiếc CaSa đã có mặt để tham gia công tác tìm kiếm cứu hộ chiếc máy bay của Malaysia được cho là mất tích. Máy bay CaSa hiện nay đảm nhiệm toàn bộ nhiệm vụ tuần tra kiểm soát trên biển. Hiện tại, máy bay CaSa đang thực hiện 6 nhiệm vụ chính đó là tuần tra chung trên biển, tuần tra giám sát hoạt động của các tàu cá, tuần tra biên giới, tuần tra chống buôn lậu buôn người qua lãnh hải Việt Nam, tuần tra bảo vệ môi trường (Vết dầu loang, sinh vật được bảo vệ trong sách đó) và tìm kiếm cứu nạn hàng hải.
Ngoài ra, chúng ta còn có thủy phi cơ DHC6. Đây là chiếc thủy phi cơ đầu tiên của Quân chủng Hải quân Việt Nam, tiếp nhận vào tháng 10/2013, do Công ty Viking (Canada) sản xuất, có tốc độ bay tối đa là 300 km/giờ; tầm hoạt động xa nhất có thể lên tới 1.832 km; thời gian bay lâu nhất là 8,76 giờ và có thể cất cánh, hạ cánh trên đường băng ngắn, ở cả những đường băng cỏ, đất, cát và tất nhiên cả trên mặt nước.
Thủy phi cơ DHC6 được sử dụng trong tuần tra, tuần thám, bảo vệ chủ quyền trên các vùng biển, đảo; tham gia chở khách, cứu hộ, cứu nạn trên biển.
Được biết, trong ngày hôm nay (11/3), vệ tinh Vinasat -1 sẽ bay qua vùng biển này và sẽ chụp ảnh với tầm bao quát lớn giúp cho việc phân tích, đánh giá những thay đổi khác thường và hy vọng phát hiện những dấu hiệu, vật thể nghi liên quan đến máy bay Malaysia mất tích.
T.M