Phương pháp phẫu thuật tật khúc xạ hiện đại nhất
(Petrotimes) - Tỉ lệ người mắc tật khúc xạ đang ngày một tăng, nhất là đối với những người trẻ tuổi ở thành phố hiện nay. Người bị tật khúc xạ ngoài việc đeo kính với độ phù hợp của bệnh, thì việc phẫu thuật là phương pháp tối ưu để trả lại thị lực. Bệnh viện Mắt TP Hồ Chí Minh đang áp dụng phương pháp phẫu thuẫn tật khúc xạ tiên tiến nhất hiện nay.
Bệnh của xã hội hiện đại
Tật khúc xạ được coi là bệnh của xã hội hiện đại và nó đang là một trong những nguyên nhân gây giảm thị lực nghiêm trọng. Nếu người bị tật khúc xạ không được chữa trị sẽ làm giảm thị lực tới mức có thể dẫn đến tình trạng mù lòa.
Với mắt bình thường, ánh sáng từ một vật ở xa tập trung chính xác lên bề mặt võng mạc, tạo nên một hình ảnh rõ nét. Nhưng người bị tật khúc xạ thì không thể tập trung hình ảnh một cách rõ nét lên võng mạc. Có 4 loại tật khúc xạ, đó là cận thị (tật nhìn gần); viễn thị (tật nhìn xa); loạn thị và lão thị. Đối với người trẻ tuổi thường bị tật khúc xạ là cận thị, viễn thị và loạn thị.
Cận thị thường xuất hiện ở người trẻ tuổi, vào tuổi dậy thì hoặc trước lúc dậy thì và có xu hướng tăng độ cho đến khoảng 30 tuổi. Tuy nhiên, số tuổi này còn tùy thuộc vào từng người. Hiện tại, cận thị đang xuất hiện khá nhiều ở lứa tuổi học đường, nhất là học sinh ở thành phố. Theo thống kê, tỉ lệ học sinh ở thành phố bị tật khúc xạ chiếm trên 30%, trong khi đó con số này ở các tỉnh chỉ là 15%.
Phẫu thuật tật khúc xạ theo phương pháp Relex Smile
Viễn thị thường xuất hiện ở người lớn tuổi, vì mắt của người trẻ tuổi có một cơ chế tự nhiên để thích nghi với tật này. Tuy nhiên, tới một ngưỡng nào đó, mắt không còn khả năng thích nghi nữa, hình ảnh sẽ bị mờ đi như trong trường hợp lão thị. Còn mắt bị loạn thị có thể đi cùng với cận và viễn thị. Điều chỉnh kính cho mắt loạn thị phức tạp hơn nhiều so với mắt cận và viễn thị.
Hầu hết các loại tật khúc xạ đều có thể được giải quyết bằng việc dùng kính đeo mắt với độ phù hợp và người bệnh có thể nhìn rõ. Nếu cận thị thì đeo kính lõm, còn viễn thị thì đeo kính lồi và loạn thị thì sử dụng kính hình trụ, nhưng tùy theo kết quả đo mắt của mỗi bệnh nhân, những loại kính kết hợp nhiều dạng kính khác nhau có thể được sử dụng.
Phẫu thuật tật khúc xạ để trả lại thị lực
Đối với những người bị tật khúc xạ nặng thì việc phẫu thuật là phương pháp tối ưu để trả lại thị lực. Các phương pháp phẫu thuật tật khúc xạ truyền thống đã được áp dụng rộng rãi như Lasik - Laser - Assisted In Situ Keratomileusis. Lasik dùng tia laser làm thay đổi vĩnh viễn hình dạng của giác mạc, là phần trong suốt che phủ phía trước của mắt. Nhưng phương pháp phẫu thuật Lasik truyền thống này (thời gian phẫu thuật khoảng 40 phút/mắt) vẫn còn một số khuyết điểm. Dù tỉ lệ thấp, nhưng phương pháp phẫu thuật này vẫn có thể gây biến chứng trong phẫu thuật như rách vạt giác mạc, thủng vạt, đứt vạt… Về lâu dài có nguy cơ gây ra quang sai, chói, khó nhìn về đêm và kéo dài tình trạng khô mắt cho bệnh nhân.
Hiện, phương pháp phẫu thuật tật khúc xạ tiên tiến Relex Smile không gây biến chứng đã xuất hiện ở nhiều quốc gia (thời gian phẫu thuật khoảng 15 phút/mắt). Phẫu thuật Relex Smile chỉ mở một đường cắt vòng cung 30-400 thay vì 3000 như phẫu thuật Lasik. Vết cắt nhỏ cho phép chỉnh khúc xạ với độ chính xác cao, tránh được biến chứng, đồng thời giảm thiểu tình trạng khô mắt sau phẫu thuật, chất lượng thị giác sau mổ tốt hơn, tỉ lệ tái cận ít xảy ra. Đây được coi là công nghệ ứng dụng hàng đầu trong điều trị tật khúc xạ...
Trước sự thành công gần như tuyệt đối của phương pháp phẫu thuật tật khúc xạ tiên tiến này, Bệnh viện Mắt TP Hồ Chí Minh đã đầu tư trang bị công nghệ hiện đại đó. Từ tháng 11/2011, bệnh viện bắt đầu thực hiện phẫu thuật mắt bằng phương pháp tiên tiến Relex Smile - dùng hoàn toàn laser femtosecond để chỉnh tật khúc xạ chỉ trong một bước bắn laser. Đến nay đã có hàng chục bệnh nhân thực hiện phẫu thuật tật khúc xạ bằng phương pháp mới này tại Bệnh viện Mắt TP Hồ Chí Minh.
Nhưng điều đáng nói ở đây là, nếu như những ca phẫu thuật tật khúc xạ theo phương pháp truyền thống với chi phí chỉ 9-10 triệu đồng (cho một mắt), thì phẫu thuật bằng phương pháp Relex Smile bệnh nhân phải chi trả lên đến 35 triệu đồng. Chi phí quá cao đó là một trong những nguyên nhân làm cho người bệnh khó tiếp xúc với công nghệ hiện đại này.
Vĩnh Hà