ALCII: Siêu nâng giá 1.300 lần để tham nhũng
Tòa án nhân dân TP HCM nhận định các bị can trong vụ tham ô tài sản tại ALCII phải bị truy tố tội danh nặng hơn mức đề nghị của Viện Kiểm sát.
Ngày 3/3, Tòa án nhân dân TP HCM đã trả hồ sơ vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại ALCII để điều tra bổ sung yêu cầu điều tra bổ sung để chuyển tội danh đối với các bị can.
Tòa án nhân dân TP HCM nhận định các bị can phải bị truy tố tội danh nặng hơn mức đề nghị truy tố của Viện Kiểm sát.
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát tối cao, ALCII là doanh nghiệp Nhà nước, có tư cách pháp nhân, hạch toán độc lập, thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam.
Năm 2003, Vũ Quốc Hảo, nguyên Tổng giám đốc ALCII đã chủ động bàn bạc với Khương Minh Hiệp, Tổng giám đốc công ty cổ phần Đại Phú Gia; Phạm Minh Tuấn, Giám đốc công ty TNHH Xuân Việt; Đặng Văn Hai, Chủ tịch Hội đồng thành viên công ty Xây dựng và Thương mại Quang Vinh thành lập công ty “sân sau” Cát Long Hải để rút tiền Nhà nước.
Hảo phân công Tuấn là Chủ tịch Hội đồng quản trị, Vũ Hùng Sơn (em họ của Hảo) làm Giám đốc.
Tổng công ty ALCII.
Đến năm 2004, Tuấn giới thiệu cho Hảo ông Kochi (người Nhật) có tàu lặn tên hiệu Tinro 2, nguồn gốc từ Nga, được sản xuất năm 1975, hiện đang sử dụng tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Người này có ý muốn hợp tác làm ăn tại Việt Nam.
Trong đầu Hảo lóe lên ý nghĩ “hô biến” tàu lặn trên thành tài sản đảm bảo cho thuê tài chính của công ty Cát Long Hải. Mục đích của Hảo muốn rút tiền tại ALCII để thanh toán nợ xấu cho các công ty sân sau và mua khu đất Trạm dừng chân miền Tây tại Cái Bè (tỉnh Tiền Giang).
Trong quá trình “phù phép”, thiết bị lặn Tinro 2 không có pháp lý đăng ký và đăng kiểm về hàng hải nên Hảo cùng Tuấn đã bàn bạc, thống nhất tìm cách hợp thức hóa tàu Tinro 2 cho công ty Cát Long Hải.
Đến ngày 4/6/2007, Tuấn thuê tàu Hải Dương 9 vận chuyển tàu lặn Tinro 2 ra địa phận cảng Cửa Cấm (Hải Phòng) để tạo tình huống bị bắt giữ. Ngày 8/6/2007, Cục Hải quan Hải Phòng kiểm tra và thu giữ thiết bị lặn Tinro 2 đúng như kế hoạch đã định sẵn.
Ngay sau đó, thiết bị lặn Tinro 2 đã bị Hội đồng xử lý tài sản sung quỹ Nhà nước TP Hải Phòng rồi mang ra định giá bán 100 triệu đồng. Sau đó, Tuấn đã “móc nối”, làm thủ tục cho công ty Cát Long Hải mua lại Tinro 2 không qua đấu giá.
Hảo giao cho Tuấn và Lê Thị Minh Huệ, em dâu của Hảo và là Kế toán trưởng công ty Cát Long Hải để móc nối với Hoàng Lộc, Tổng giám đốc công ty cổ phần thẩm định giá Việt Nam nhằm nâng khống giá trị thiết bị lặn Tinro 2.
Lộc đã chỉ đạo Lê Phúc Đức, giám định viên Vivaco, lập khống hồ sơ giám định và thẩm định giá, kết luận khống chất lượng, tình trạng kỹ thuật của thiết bị lặn Tinro 2 còn 85%, trị giá 130 tỉ. Mặc dù, Lộc biết rất rõ thiết bị lặn Tinro 2 không đủ điều kiện để thẩm định giá.
Hoàn tất các thủ tục trên, Hảo đã triệu tập cuộc họp bất thường và chỉ đạo cấp dưới hoàn tất thủ tục, hồ sơ tín dụng không đúng theo quy định pháp luật, giải ngân cho công ty Cát Long Hải được vay số tiền 130 tỉ, lãi suất khoảng 1,17%/tháng, thời hạn 60 tháng.
Trong vụ này, công ty Cát Long Hải đã để lại món nợ cho ALCII 130 tỉ và không có khả năng thanh toán.
Vụ việc bị phanh phui, cơ quan cảnh sát điều tra vào cuộc và thu giữ nhiều tài sản bất động sản của công ty Cát Long Hải tại tỉnh Tiền Giang và Đồng Nai.
Phương Nghi