Ăn theo lễ hội
Theo số liệu mới nhất thì ở nước ta mỗi năm có đến 8.000 lễ hội các loại. Như vậy là mỗi ngày có hơn 20 lễ hội diễn ra. Có lễ hội cấp quốc gia, cấp tỉnh, thành nhưng cũng có những lễ hội chỉ ở phạm vi làng xã. Nhưng dù ở cấp nào, lễ hội cũng lôi cuốn nhiều người tham dự, lãng phí thời gian và tiền bạc.
Năng lượng Mới số 299
Một dịp sang công tác ở Lào, tôi nghe nói mỗi ngày ở đất nước Triệu Voi có trung bình 3 lễ hội đã thấy lạ. Thế mà ở nước ta bây giờ, số lễ hội nhiều gấp 7 lần nước Lào thì quả là một vấn đề đáng suy nghĩ.
Thời bao cấp khó khăn, cái ăn, cái mặc còn chưa đủ thì rất hiếm lễ hội. Nhưng từ ngày đất nước đổi mới, kinh tế khá giả hơn, lễ hội cứ phát sinh và phát triển không ngừng. Một mặt đáp ứng nhu cầu của cuộc sống tâm linh và vui chơi giải trí của người dân, mặt khác lễ hội là dịp để địa phương “gặt hái”. Có lễ hội thì mới kêu gọi được đầu tư, tài trợ và lòng hảo tâm của con cháu xa quê. Lễ hội diễn ra ở những di tích văn hóa lịch sử quốc gia với thời gian dài thì số tiền địa phương thu được gần bằng làm ăn cả năm. Chùa Hương, chùa Đồng - Yên Tử, Bái Đính mỗi ngày thu về hàng tỉ đồng tiền công đức. Những lễ hội ở phạm vi nhỏ hơn nhưng sau mỗi ngày, ban tổ chức đếm tiền đến nửa đêm chưa hết. Nguồn thu ấy địa phương cũng được ăn theo.
Một trò chơi bịp bợm ăn tiền ở lễ hội
Đã tổ chức lễ hội thì phát sinh nhiều việc, tích cực có, tiêu cực có. Trước hết là quan chức địa phương phải thành lập ban tổ chức, phân công nhiệm vụ cho từng thành viên. Tiếp đó là việc xin kinh phí, kêu gọi tài trợ, lên chương trình và quảng cáo. Các ban, ngành, đoàn thể đều phải vào cuộc. Nam phụ, lão ấu được huy động tham gia những trò diễn xướng hoặc văn nghệ, thể thao. Trang phục và đạo cụ được mua sắm hoặc bổ sung. Và một việc mang tính vụ lợi mà ở lễ hội cấp nào địa phương cũng hết sức quan tâm là các dịch vụ ăn theo. Để có được vị trí đắc địa kinh doanh dịch vụ ở lễ hội, không phải ai cũng dễ dàng đăng ký và nộp lệ phí là được mà phải phụ thuộc vào mối quan hệ với chính quyền địa phương, thuộc hạng “có máu mặt”. Những dịch vụ ăn theo này phục vụ nhu cầu của khách thập phương nhưng cũng gây rất nhiều hệ lụy phiền toái như cờ bạc, trộm cắp, cò mồi chèo kéo, chặt chém, ép khách rất lộn xộn. Người hành hương về lễ hội mất đi cảm giác thư thái, thay vào đó là sự khó chịu. Mặc dù dư luận đã nhiều năm lên tiếng về sự bát nháo của các loại hình dịch vụ này nhưng vì lợi nhuận mà chính quyền địa phương vẫn không thể ra tay chấn chỉnh hoặc dẹp bỏ.
Để tận thu, nơi có di tích đền chùa đặt quá nhiều hòm công đức và hàng dãy bàn để nhân viên ghi phiếu công đức. Khách có cảm giác như lọt vào xứ sở Cái Bang lịch sự và hợp pháp chứ không còn là nơi đến chiêm bái, thưởng ngoạn.
Từ xa xưa dân gian đã có câu: “Tháng Giêng là tháng ăn chơi. Tháng Hai cờ bạc, tháng Ba hội hè”. Nghe thật vô lý. Thế mà bây giờ lại là sự thật đã và đang diễn ra trên khắp đất nước ta. Sau một kỳ nghỉ tết dài ngày nhưng nhiều cơ quan công sở vẫn vắng vẻ. Cán bộ, công nhân viên vẫn bỏ việc đi lễ hội cầu may đầu năm. Có một điều nghịch lý là có đền thờ thần buôn bán, nghiện hút; cán bộ, đảng viên buôn bán gì đâu lại đi cầu cúng ông ấy? Còn nơi thờ người phù hộ cho lên chức tước; dân thường có làm quan chức đâu cũng đi cầu cạnh ở đây?
Đi lễ hội và cầu cúng là quyền tự do tín ngưỡng của mọi người. Nhưng tín ngưỡng đến mù quáng và chỉ nhằm mục đích cầu lộc, tài là điều đáng phê phán. Đi lễ hội còn tranh cướp nhau ấn tín, đánh nhau gây thương tích, mất trật tự an ninh. Thế thì còn đâu nét đẹp văn hóa.
Lễ hội quá nhiều và nhiều lễ hội kéo dài hàng tháng trời. Có người hành lễ ở khắp các đền chùa, miếu mạo cả tháng Giêng. Sự may mắn, phát đạt đâu chưa thấy nhưng sự lãng phí thời gian, tiền bạc, sức khỏe và đặc biệt là bỏ việc làm, bỏ nhà bỏ cửa đã gây nên sự trì trệ, ách tắc bao công việc đầu năm. Ở một cơ quan, công sở mà cả vợ chồng người đứng đầu say mê đi cầu cúng thì làm sao trách được nhân viên dưới quyền. Thậm chí nhiều nhân viên còn phải đi theo phục vụ. Chỉ riêng tháng Giêng này, số lượng xe công đi lễ chùa, lễ hội không biết bao nhiêu mà kể.
Mấy năm nay, việc chấn chỉnh các lộn xộn ở nhiều di tích, lễ hội đều được triển khai nhưng hiệu quả còn thấp. Ngành văn hóa cần vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa mới mong lập lại nền nếp và thuần phong mỹ tục của dân tộc; đừng để phú quý lễ hội nhiều quá!
Bùi Đức