Vẫn chuyện tiền “trắng” các sân chùa
(Petrotimes) - Không biết đây là năm thứ bao nhiêu nạn đặt lễ tiền mặt tại các đình, đền, chùa được đề cập đến. Mà không chỉ không được đặt trang trọng, tiền đặt lễ còn “tiện đâu để đấy” một cách tùy tiện, thậm chí dán lên cả mặt, mình Phật trông rất phản cảm hay chính xác hơn là cực kỳ thiếu văn hóa, phỉ báng, xúc phạm thần thánh quá đáng.
Mặc dù, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) từ trước Tết, đã có văn bản cấm việc đổi tiền lẻ tại các lễ hội hay ngay Ngân hàng Nhà nước cũng đã “hành động” bằng cách không in thêm tiền mệnh giá thấp để giải quyết tình trạng này. Nhưng hình như, như “nước đổ lá khoai”, nạn này vẫn diễn ra như chưa bao giờ được nói đến.
Mất 300 tỷ đồng để in tiền lẻ
Từ sau phút giao thừa đến giờ và chắc chắn sẽ đến hết tháng Giêng hay bất kỳ một dịp lễ lạt nào, nếu đến đền, đình, chùa mà không thấy tiền đặt lễ là chuyện… lạ.
Tiền rải khắp nơi, từ ban thờ lớn đến ban thờ bé, từ trong ra ngoài, từ cao xuống thấp, kể cả ở những nơi có thể coi là “vô thưởng vô phạt”, “vô tri vô giác” như gốc cây, hồ nước, tảng đá… với mệnh giá thấp nhất là 1 nghìn đồng, cao nhất là 500 nghìn đồng (đặt chủ yếu trên mâm lễ).
Tiền được nhét cả vào mũi, miệng con sư tử đá ở chùa Hương
Người ta đã thống kê ra, nơi duy nhất trong đền, đình chùa không có tiền mặt có lẽ chỉ là… nhà vệ sinh. Còn chỗ nảo nào nao cũng có hết.
Như ở chùa Hương, từ mồng 2 Tết đến nay và hiện đang là đỉnh điểm mùa lễ ở Chùa Hương, mặc dù đây là địa chỉ “điểm” được ngành văn hóa chuẩn bị từ trước Tết với những quy định chặt chẽ, “bày binh bố trận” không những hòm công đức, nơi đặt tiền, biển hướng dẫn, biển cấm… mà cả con người (công an, nhân viên an ninh) tưởng như khó ai có thể “lách” được, vậy mà đâu vẫn vào đấy, tiền rải trắng bất kỳ chỗ nào, đặc biệt là ở suối Giải oan, trong động Hương tích, trên cả các nhũ đá, khu giếng trời…
Nực cười nhất là con sư tử đá đặt ở sân chùa Thiên Mụ, được nhét tiền cả vào mũi, miệng khi mà nó không còn chỗ nào để đặt tiền. Mà điều quan trọng là con sư tử đá ở đây đơn giản chỉ là con sư tử đá chứ không phải để thờ, ngay cả khi nó được đặt trong sân chùa.
Chứng kiến cảnh ấy thì người viết bài này lại liên tưởng đến một nhận định của TS.GS Ngô Đức Thịnh, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn văn hóa dân gian Việt Nam về việc loạn tâm linh hiện nay của người dân: “Có cảm giác như bây giờ cứ chỗ nào cắm hương là chỗ ấy người dân lại khấn vái, xì sụp mà không cần biết chỗ đó vì sao cắm hương, thờ tự cái gì… Vô lối quá!”.
Theo chị Lê Thị Hoa, nguyên giám đốc chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp huyện Mỹ Đức, mùa lễ hội chùa Hương mỗi năm, riêng tiền mặt thu được ở chùa Hương phải đóng 1200 bao tải mới hết, mỗi bao có khoảng 20 bó tiền và để chở từ chùa Hương ra trụ sở chi nhánh của ngân hàng, phải cần đến 15 xe chuyên dụng.
Còn ở Bà chúa kho, Bắc Ninh, nơi được cho là linh thiêng, nhất là đối với những người làm kinh doanh, theo một người trong Ban quản lý, chỉ tính riêng tiền lẻ mệnh giá từ 500 đồng đến 5 nghìn đồng đã hàng tỷ đồng.
Tiền rải trên mái chùa Đông ở Yên Tử, Quảng Ninh
Và có một điều gần như trở thành quy luật: chùa càng lớn, càng được coi là linh thiêng, tiền đặt lễ càng nhiều, cách đặt càng vô lối.
Nói vậy để thấy, mỗi mùa lễ hội đầu năm, bao nhiêu tiền mặt đã được dùng vào việc đi lễ. Chưa biết tiền trôi về đâu, hữu ích hay không, nhưng cách đặt tiền cho thấy bên cạnh việc xúc phạm thần thánh còn là một sự lãng phí, không coi trọng chính thành quả lao động của con người, thậm chí còn vi phạm pháp luật vì hủy hoại đồng tiền.
Không chỉ ở chùa Hương mà Yên Tử trong những ngày này, tiền lễ cũng rải như thảm. Tiền vứt trắng cả trên mái chùa đồng, mặc dù ở đây chẳng liên quan gì tới việc “chắp tay lễ phật”. Hay ở Đền Hùng, từ ngày mồng 1 Tết, tiền vứt kín giếng ngọc đến nỗi cứ một tiếng, người của đền lại ra lấy vợt vớt hết lên.
“Thực mục” cảnh này, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phải thốt lên: “Đâu đâu cũng thấy tiền lễ tràn lan. Thật là phí phạm!”.
Sở dĩ phải thốt lên như vậy là bởi ông xót xa cho việc để in tiền mệnh giá nhỏ, mỗi năm Ngân hàng Nhà nước phải bỏ ra 300 tỷ đồng, trong đó chi phí in ấn gấp 3-5 lần mệnh giá đồng tiền đó. Đáng nói hơn là sau khi vào chùa, đình, đền, phần lớn số tiền ấy lại quay về ngân hàng và một lần nữa ngân hàng lại tốn kém vì… bảo quản nó.
“Ngân hàng Nhà nước phải căng mình ra bảo quản các loại tiền lẻ rất tốn kém và lãng phí”, ông Đào Minh Tú bức xúc nói.
Cần cái tâm
Vậy việc đặt tiền lễ thực sự có linh?
Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam nói: “Thần thánh là những bậc vĩ nhân, không thể đem cái phàm phu tục tử của con người đối xử với các bậc vĩ nhân. Bậc vĩ nhân không tham tiền, vàng, lễ vật giống như người phàm phu. Chỉ cần cái tâm hướng thiện, lòng thành kính Phật là đủ…”.
Đồng quan điểm, Thượng tọa Thích Thanh Nhã chia sẻ: “Người dân đi lễ chùa cốt là thành tâm, không nên thực dụng hóa thánh thần, vô tình làm khổ thêm các bậc tu hành, xúc phạm chốn tôn nghiêm”.
Còn TS.GS Ngô Đức Thịnh bức xúc: “Tôi không hiểu vì sao người ta có thể rẻ rúng đồng tiền của đất nước đến vậy? Xưa kia, với sinh hoạt tâm linh truyền thống, dâng tiền công đức và tiền giọt dầu nén nhang là một việc làm đẹp, có văn hóa. Người xưa đến chùa bỏ tiền công đức vào đúng nơi, tiền giọt dầu thì để lên đĩa và trao cho sư trụ trì một cách thành kính. Còn ngày nay tôi thực sự đau lòng khi đến nhiều nơi thấy tiền rải đầy ra đất dày đến chục phân. Sự thành kính với các thần linh ở đâu? Người ta đã thô thiển hóa cách hiểu “trần sao âm vậy” đối với thần thánh”.
Nhét tiền cả vào tay tượng Phật bà nghìn mắt nghìn tay.
Vật chất hóa tư duy?
Thực ra, câu trả lời này, đã được nói mãi đến mức “biết rồi, khổ lắm…”. Nhưng nhận thức của người dân dường như “nạp” những điều dung tục, trần thế hơn là những thuyết giáo thiêng liêng của Phật pháp. Bởi tư duy của họ nói một cách chính xác đã bị vật chất hóa. Mà sự vật chất hóa này bắt nguồn từ chính xu thế chung trong xã hội.
Ngay Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Tổng thư ký văn phòng giáo hội Phật giáo Việt nam cũng cho biết: “Trong lần thuyết giảng nào cho Phật tử, các thầy trụ trì bao giờ cũng nói rõ quan điểm của Giáo hội Phật giáo Việt Nam là không nên đặt tiền lẻ trên các ban thờ, nhất là việc cài tiền lên tay Phật không những phản cảm mà còn làm sai lệch đi hình ảnh của các bậc tôn kính, đấng tối cao khi ta đặt niềm tin vào. Đến chùa lễ Phật cần cái tâm”.
Thế nhưng không hiểu sao ý thức của Phật tử vẫn không thay đổi.
Và không chỉ Phật tử mà ngay chính một số ông từ, bà sãi, những người làm việc trong chùa, đền… cũng có tư tưởng như vậy.
Bởi vậy, như TS.GS Ngô Đức Thịnh nhận định: “Phải thay đổi suy nghĩ của con người dù bằng cách nào và dù bao nhiêu thời gian, nếu không tâm linh sẽ không còn giá trị văn hóa và tinh thần nữa, ngược lại còn kéo theo nhiều vấn đề xã hội nghiêm trọng khác”.
Tuy nhiên, cùng với đó ngành văn hóa cũng nên có những biện pháp mạnh mẽ để xử lý những trường hợp phỉ báng, xúc phạm thần thánh, làm lộn xộn sinh hoạt tâm linh, mất đi một nét đẹp văn hóa vốn đã hình thành từ lâu đời, cụ thể như những đối tượng kinh doanh và đổi tiền lẻ, những người khuyến khích đặt lễ bằng tiền và đặt tiền lễ không đúng quy định…
Quan điểm của Giáo hội Phật giáo Việt Nam là không nên đặt tiền lẻ trên các ban thờ, nhất là việc cài tiền lên tay Phật tạo nên hình ảnh phản cảm. Những việc làm đó xuất phát từ việc chúng ta chưa hiểu về việc phát tâm công đức. (Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Tổng thư ký VP Giáo hội Phật giáo VN) |
Nguyễn Anh