Bảo vệ an ninh ranh giới mỏ: Không dễ kiểm soát với chế tài hiện tại
Vùng ranh giới giữa các đơn vị khai thác hoặc giữa các cơ quan quản lý Nhà nước chính là nơi than thổ phỉ nhòm ngó nhiều nhất. Lợi dụng thực tế quyền hạn của lực lượng bảo vệ bị hạn chế, quân số mỏng, rất nhiều vụ khai thác trộm, tài nguyên xảy ra ngoài tầm kiểm soát của Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV) lẫn địa phương, gây tâm lý bức xúc.
Năng lượng Mới số 297
Vì sao than thổ phỉ không biết sợ?
Trước khi trở thành công ty một cấp từ đầu năm 2014, tổ hợp Công ty Than Uông Bí (TUB) gồm khá nhiều đơn vị thành viên. Mỗi thành viên lại phụ trách một mỏ, nằm rải rác trên địa bàn huyện Đông Triều, Hoành Bồ và thành phố Uông Bí. Trong diện tích hàng chục km2 đang khai thác, Công ty phải đối mặt với một vấn đề lớn và thường trực - đó là ranh giới mỏ giữa các đơn vị thành viên và các nhóm khai thác than trái phép.
"Bây giờ, đối tượng khai thác than trái phép dựng hầm lò đàng hoàng chứ không làm lộ thiên như trước nữa. Cả đất Quảng Ninh là mỏ than khổng lồ, mỗi vỉa than lại kéo dài hàng chục kilômét. Bởi vậy bóc đường, bóc nhà lên là có than. Tình trạng mỏ than thổ phỉ ngay trong nhà, với cửa lò dài 3m, rộng 2m, giếng được đào thẳng xuống, chống lò đúng công nghệ như.... TKV đang làm. Đêm họ cho ôtô lùi vào, tháo máng khoảng nửa tiếng sau là đầy rồi chạy, sau đó họ phun nước rửa xóa sạch dấu vết”, Phó chánh văn phòng TUB, ông Trịnh Hoài Vũ cho biết.
Khai trường quá rộng cũng là yếu tố để than thổ phỉ nhòm ngó
Hình ảnh trên là ví dụ sinh động nhất về thực trạng khai thác than trái phép trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Quy mô của các lò than "thổ phỉ" ngày càng đa dạng, hình thức hoạt động ngày càng phức tạp, sự manh động dĩ nhiên cũng không hề giảm đi. Riêng tại TP Uông Bí, trong tổng số 9 phường, 2 xã thì hầu hết đều tồn tại các mỏ than trái phép. Hàng trăm đợt triệt phá trong 5 năm trở lại đây của lực lượng liên ngành thành phố là con số đáng ghi nhận, song vẫn chưa thấm tháp gì nếu so sánh với nguồn lợi khổng lồ mà các đối tượng "thổ phỉ" đang ngày đêm bòn rút tài nguyên khoáng sản quốc gia.
Thống kê nhanh từ Công an TP Uông Bí, chỉ tính từ năm 2009 đến nay đã phát hiện, xử lý hàng chục vụ phạm pháp hình sự tại khai trường thuộc TKV quản lý.
Thực tế cho thấy, điều kiện phải khai thác hầm lò xa trung tâm, gần rừng núi là nơi nguy hiểm nhất. Nói một cách đơn giản, khi đối tượng lưu manh muốn cướp tài sản cá nhân (chứ chưa nói đến than - PV), chúng cũng thực hiện dễ dàng hơn so với khu vực đô thị hoặc có dân cư đang sinh sống. Ngoài việc lực lượng phòng vệ của các công ty than vừa mỏng vừa ít quyền hạn, còn một vấn đề lớn, đó là đối tượng khai thác than trái phép ngày càng manh động và liều lĩnh. Vấn đề mấu chốt lại nằm ở hậu quả cuối cùng.
“Đối tượng xâm phạm ranh giới mỏ vô cùng liều lĩnh, chưa kể bọn chúng còn trang bị cả vũ khí thô sơ (súng hoa cải) và... kiến thức chuyên môn trong khai thác than. Điều đó giải thích vì sao, khi cướp than và khai thác trộm than chúng không chỉ manh động, mà còn mất rất ít thời gian, gọn gàng, tinh vi...”, ông Trịnh Hoài Vũ nêu rõ. “Và dĩ nhiên, khi cán bộ trực của công ty tại khai trường thông tin được về tới đơn vị và chính quyền thì đối tượng đã cao chạy xa bay. Đó là cái khó khăn nhất của chúng tôi. Về số lượng bảo vệ và dân quân, ngành than có thể bổ sung, thậm chí hỗ trợ chính quyền địa phương cho tăng nhanh theo cấp số nhân nếu cần”.
Tăng quyền cho lực lượng bảo vệ
Theo tìm hiểu của người viết, trong khai trường của một số đơn vị, lực lượng bảo vệ ngành than vô cùng mỏng. Vì quyền lợi của chính mình, người công nhân mỏ cũng có thể tham gia bảo vệ khi đơn vị gặp đối tượng xâm phạm trái phép. Tuy nhiên, không phải ai cũng thể hiện trách nhiệm, bởi nói gì thì nói họ vẫn trông chờ... chính quyền là chính. Với trọng trách là chủ mỏ trên toàn quốc, chắc chắn ngành than chẳng dại gì thờ ơ với chính quyền sở tại. 100% đơn vị thành viên TKV đều có biên bản thỏa thuận hợp tác ở mức độ nhất định với công an xã, huyện trên địa bàn, cả trong trường hợp yếu tố linh hoạt của cơ quan công quyền luôn hạn chế.
Tại ranh giới quản lý mỏ của Xí nghiệp Khai thác than Hoành Bồ (Công ty Than Uông Bí) và của Công ty TNHH 45, tình trạng khai thác than trái phép xuất hiện từ đầu năm 2013. Mỗi khi phát hiện dấu hiệu khai thác than trái phép, Xí nghiệp Khai thác than Hoành Bồ đều làm văn bản gửi các cấp, ngành liên quan. Tuy nhiên, ranh giới mỏ thuộc quản lý của nhiều đơn vị như Xí nghiệp than Đồng Vông, than Hoành Bồ và Công ty TNHH 45 nên rất khó kiểm soát. Cái khó trong việc ngăn chặn vấn nạn khai thác than trái phép ở đây là do chế tài quá yếu, chính quyền địa phương chỉ có thể phạt hành chính, tiêu hủy các phương tiện giá trị nhỏ mà không được quyền tịch thu các phương tiện tham gia khai thác, vận chuyển than trái phép có giá trị lớn. Thêm nữa, các điểm khai thác ở xa, sâu trong rừng và than tặc thường tổ chức người cảnh giới từ ngoài nên hễ có động là bọn chúng nhanh chân tẩu tán, chính quyền địa phương không thể bắt quả tang khi chúng thực hiện hành vi khai thác than trái phép.
Nguyên Tổng giám đốc TKV Đoàn Văn Kiển từng chỉ ra 2 yếu tố bất cập trong quản lý khai thác than giữa địa phương và TKV. Đó là đa số khu vực khai thác nằm rải rác, xen kẽ với các khu dân cư. Cho dù có quy hoạch nhưng người dân chưa được tái định cư, do vậy họ vẫn sống trên than và vì thế họ dễ khai thác trái phép. Kế đó, vùng tài nguyên than nằm xen kẽ với các vùng rừng đặc dụng, rừng bảo hộ, dưới các di sản văn hóa, Chính phủ đã quy định nhưng vẫn để xen lẫn, dễ bị xâm hại.
Lê Tùng