Giải cứu 23 cá thể rắn hổ mang chúa
Một vụ mua bán, vận chuyển rắn hổ mang chúa với khối lượng lớn đã bị Công an thành phố Hà Nội bắt phát hiện, bắt giữ.
Khoảng 19h ngày 14/2, Đội phòng chống tội phạm trong lĩnh vực y tế và an toàn thực phẩm (Đội 6, Phòng Cảnh sát Môi trường, Công an Hà Nội) phối hợp với Công an quận Hoàng Mai tiến hành tuần tra, kiểm soát trên tuyến đường Ngọc Hồi. Khi đến trước cửa nhà số 7 đường Ngọc Hồi (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội), tổ công tác phát hiện một nam thanh niên đi xe máy hiệu Honda Air Blade mang biển kiểm soát 30X2-9679, chở chiếc thùng xốp, có biểu hiện chở động vật hoang dã.
Tiến hành kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trong các thùng xốp là những bao cước, bên trong chứa các cá thể rắn có trọng lượng 70 kg với 23 cá thể. Kết quả giám định nhanh cho biết, toàn bộ số hàng này là rắn hổ mang chúa, thuộc nhóm 1B rất quý hiếm có trong sách đỏ Việt Nam và thế giới.
Đỗ Ngọc Khánh và 23 cá thể rắn trong các túi cước màu xanh.
Tại cơ quan công an, nam thanh niên khai nhận tên là Đỗ Ngọc Khánh. Số hàng trên được mua về để nuôi và bán kiếm lời.
Trung tá Phạm Giang Sơn - Đội trưởng Đội 6 cho biết, toàn bộ số rắn nói trên là rắn tự nhiên được người dân bắt ở rừng thuộc các tỉnh miền Nam, rồi vận chuyển ra miền Bắc tiêu thụ. Đây là vụ mua bán, vận chuyển rắn hổ mang chúa lớn nhất từ trước đến nay được Công an Hà Nội phát hiện.
Tháng 8/2013, Phòng Cảnh sát Môi trường cũng đã giải cứu thành công 20 cá thể rắn hộ mang chúa với trọng lượng gần 65 kg.
Sáng ngày 15/2, số rắn này đã được cơ quan chức năng đưa về Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã Sóc Sơn (Hà Nội) để nuôi và thả về rừng. Riêng đối tượng Khánh đã được bàn giao cho Công an quận Hoàng Mai mở rộng điều tra, xử lý.
Rắn hổ mang chúa (Ophiphagus hannah) thuộc nhóm 1B của Nghị định 32/2006/NĐ-CP, là nhóm các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm nghiêm cấm khai thác và sử dụng vì mục đích thương mại. Điều 190 Bộ luật Hình sự quy định về bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm: Người nào săn bắt, giết, vận chuyển buôn bán trái phép động vật hoang dã quý hiếm bị cấm theo quy định của Chính phủ hoặc vận chuyển, buôn bán trái phép sản phẩm của loại động vật đó, bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, bị phạt từ 2 năm đến 7 năm: Có tổ chức; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; Sử dụng công cụ hoặc phương tiện săn bắt bị cấm; Săn bắt trong khu vực bị cấm hoặc trong thời gian bị cấm; Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng. |
Thiên Minh