Hợp tác năng lượng Việt Nam - Hàn Quốc: Chưa tương xứng tiềm năng
(Petrotimes) - Đó là lời khẳng định của TS Chang Heon-bae, Phó chủ tịch Ủy ban Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Hàn Quốc khi trả lời báo giới bên lề Diễn đàn kỷ niệm 20 năm hợp tác Việt Nam - Hàn Quốc tại Hà Nội ngày 18/7.
An ninh năng lượng – mối quan tâm chung
Hàn Quốc không phải là một nước giàu tài nguyên thiên nhiên. Quốc gia Đông Á này không có nguồn dầu, chỉ có trên 200 triệu tấn than thu hồi và trên dưới 3 tỉ mét khối khí tự nhiên. Để duy trì mức tăng trưởng kinh tế cao trong suốt 2 thập kỷ qua, chính quyền Seoul phải nhập khẩu số lượng lớn các sản phẩm năng lượng.
Đến năm 2007, Hàn Quốc là nước nhập khẩu lớn thứ 4 của dầu (từ Trung Đông, Australia, Nga) và nhập khẩu lớn thứ hai của cả than đá và khí tự nhiên hóa lỏng trên thế giới. Tổng nhập khẩu năng lượng trong năm 2008 lên đến 240.067 nghìn tấn dầu quy đổi, trong đó 49,5% là dầu thô, 25,6% là than đá, 13,9% là khí tự nhiên, 11,0% đã được tinh chế sản phẩm dầu. Hàn Quốc là nhà nhập khẩu lớn thứ hai thế giới của cả than đá và than cốc, chỉ sau Nhật Bản, với nguồn than từ Trung Quốc, Australia, Indonesia, Canada, Nga và Hoa Kỳ. Trong bối cảnh đó, việc Hàn Quốc lo lắng cho an ninh năng lượng quốc gia âu cũng là điều không khó hiểu.
Người Hàn Quốc đã chọn đón đầu khoa học công nghệ tiên tiến, theo đuổi dòng sản phẩm có chất lượng trung bình khá, giá thành rẻ phục vụ một bộ phận quốc gia nghèo, hoặc mới thoát nghèo. Với nền kinh tế tăng trưởng ổn định và một chiến lược đúng đắn, Hàn Quốc đã kịp tạo cho mình được những thành tựu đáng kể, một vị trí vững chắc trên bản đồ công nghiệp nặng thế giới. Tuy vậy, hợp tác giữa Việt Nam - Hàn Quốc hiện mới dừng lại ở mức độ góp vốn, liên doanh, liên danh EPC, nhận thầu một phần hoặc cung cấp trang thiết bị chính cho các nhà máy nhiệt điện và hóa dầu. Trong lĩnh vực tìm kiếm thăm dò dầu khí, ngoại trừ đầu tư tại Lô 11-2 với 75% cổ phần (nắm quyền chi phối), Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Hàn Quốc KNOC chỉ góp 14% cổ phần ở Lô 15-1
.
Tập đoàn Dầu khí Hàn Quốc KNOC tham gia tìm kiếm thăm dò hạn chế trên thềm lục địa Việt Nam
“Điều chúng tôi muốn thông báo là trong bối cảnh Việt Nam đang đa phương hóa ngoại giao kinh tế, Hàn Quốc hiện đã trở thành thành viên tích cực của rất nhiều tổ chức quốc tế và khu vực. Có thể kể ra ASEAN, AFTA, WTO, APEC, đồng thời Việt Nam đã ký Hiệp định thành lập khu mậu dịch tự do ASEAN - Trung Quốc -Ấn Độ - Hàn Quốc - Australia và New Zealand”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Nam Hải tái khẳng định.
Bên cạnh đó, lãnh đạo ngành Công Thương cũng tin tưởng, với tiến trình cải cách thể chế kinh tế và hội nhập quốc tế, với vị trí địa lý hết sức thuận lợi (trung tâm của khu vực Đông Nam Á), tài nguyên thiên nhiên đa dạng và nguồn nhân lực trẻ, có trình độ ăn hóa cũng như tay nghề cao, an ninh đảm bảo, Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư và kinh doanh Hàn Quốc. Hiện Việt Nam đã có quan hệ kinh tế thương mại với 220 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có 76 nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 12.000 dự án với vốn đăng ký lên tới 170 tỉ USD. Đầu tư nước ngoài đang chiếm 15% GDP và 54% kim ngạch xuất khẩu.
Riêng với vấn đề năng lượng, Phó vụ trưởng Vụ QHQT (Tổng cục Năng lượng – Bộ Công Thương), bà Nguyễn Phương Mai tái khẳng định, Việt Nam luôn coi đây là ngành kinh tế mũi nhọn để thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ, rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trong nhiều năm qua, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách và tập trung nguồn lực để phát triển ngành kinh tế mũi nhọn trên. Hiện mức tiêu thụ năng lượng thương mại của Việt Nam vào khoảng 36 triệu tấn dầu quy đổi, trong đó nhu cầu xăng dầu vào khoảng 17 triệu tấn. Theo dự báo, tổng nhu cầu năng lượng thương mại sẽ tăng trung bình khoảng trên 7% mỗi năm trong giai đoạn 2010-2025, trong đó nhu cầu điện tăng khoảng 15%/năm.
Để đáp ứng yêu cầu trên, trong thời gian tới Việt Nam sẽ đẩy nhanh tiến độ các Dự án đầu tư năng lượng, thực hiện các cơ chế chính sách thích hợp để thu hút đầu tư nước ngoài, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài thâm nhập thị trường. Bà Phương Mai cho biết, trữ lượng than của Việt Nam còn trên 200 tỉ tấn (tại Quảng Ninh và bể than sông Hồng). Hiện sản lượng khai thác tại Quảng Ninh đang sụt giảm bởi lượng đất đào lẫn cao và Vinaconmin đang thiếu vốn cũng như công nghệ để hiện đại hóa kỹ thuật hầm lò.
Điều đặc biệt, Chính phủ đã có chủ trương tăng cường dự trữ dầu thô và các sản phẩm dầu để đảm bảo tổng quy mô hệ thống dự trữ dầu mỏ đạt tối thiểu 90 ngày nhập ròng, đáp ứng đầy đủ tiêu chí của Tổ chức năng lượng quốc tế (IEA), tương đương 68 ngày nhu cầu. Ngoài ra, việc tăng cường mở rộng hợp tác quốc tế để chia sẻ thông tin thị trường, tìm kiếm cơ hội đầu tư, cùng xây dựng và thực hiện các nguyên tắc và hướng dẫn để tăng cường thị trường năng lượng ổn định bền vững và minh bạch.
Đối tác trong phát triển năng lượng sạch?
Trong bài phát biểu của mình, Thứ trưởng phụ trách Công nghiệp - Công nghệ, Bộ Kinh tế Tri thức Hàn Quốc, TS Sang Jick-yoon khẳng định, Hàn Quốc sẽ chuyển giao hàm lượng công nghệ và tri thức nhiều hơn cho ngành năng lượng Việt Nam trong tương lai gần.
“Cung cấp năng lượng và cơ cấu nhu cầu từ lâu đã quá phụ thuộc vào dầu nhập khẩu, và chúng tôi không muốn như vậy nữa. Với nguồn tài nguyên thiên nhiên hạn chế, Hàn Quốc phải nhập khẩu năng lượng đột biến trong vòng 5 năm qua. Ngoài ra, việc thiếu các nguồn tài nguyên nhiên liệu thông thường đã dẫn đến phát triển đáng kể về điện hạt nhân, mà là cả hai đều đắt tiền, và xem xét nhiều người không an toàn. Tiêu thụ điện năng dự kiến sẽ tăng ở mức 2,5% mỗi năm từ 2013 trở đi” - Thứ trưởng Sang Jick-yoon phát biểu.
Theo bản báo cáo của đại diện Viện Nghiên cứu Kỹ thuật Công nghiệp Hàn Quốc, công nghiệp điện của Hàn Quốc đang có những bước phát triển hết sức ấn tượng. Tổng công suất điện toàn hệ thống lên tới 73.470 MW (dân số Hàn Quốc vào khoảng 50 triệu người-2011), trong đó nhiệt điện (than, dầu và khí tự nhiên) chiếm 64,6%, điện hạt nhân là 24,%, thủy điện là 7,5% và những nguồn khác (gồm cả nguồn năng lượng tái tạo và cộng đồng) vào khoảng 3,7%.
Vào tháng 1/2009, Chính phủ Hàn Quốc đã công bố kế hoạch phát triển năng lượng tái tạo, theo đó nguồn năng lượng này sẽ chiếm một thị phần ổn định đến năm 2030, với tổng số tiền đầu tư lên tới 858 tỉ USD. Kế hoạch này bao gồm đầu tư, phát triển công nghệ, cơ sở hạ tầng, và các chương trình để thúc đẩy năng lượng tái tạo chiếm tỉ trọng lần lượt 4,3%, 6,1% và 11% năng lượng vào năm 2015, 2020 và 2030.
“Trong một nỗ lực để có một nền kinh tế ít các-bon, Hàn Quốc đang tích cực tham gia các cuộc đối thoại quốc tế hậu Kyoto và định mức xây dựng cho sự thay đổi khí hậu. Quốc gia này được cho là có hoạt động quan hệ đối tác năng lượng tái tạo tương đối hiệu quả trên toàn khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Ngoài ra trong quan hệ với các nước đang phát triển, Hàn Quốc đang kết hợp với Cơ chế phát triển sạch vào đầu tư ở nước ngoài và viện trợ nước ngoài. Tôi cho rằng, đó là cơ hội lớn để hai nước chúng ta cùng bắt tay nhau bước vào thiên niên kỷ mới”, ông Chang Heon-bae - Phó chủ tịch Ủy ban Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Hàn Quốc.
Hữu Tùng
(Báo Năng lượng Mới số 139, ra thứ Sáu ngày 20/7/2012)