Kỳ 2: Chân tướng Ba Vương
Từng tham gia quân đội, Ba Vương ăn cắp xăng dầu của đơn vị mang đem bán để lấy tiền tiêu xài. Sau đó, Ba Vương bị giáng cấp từ hạ sĩ xuống binh nhất, rồi đào ngũ.
>> Kỳ 1: Sự thật về “Gia đình Nhà Rồng”
Lộ mặt kẻ cắp “quen tay”
Về lý lịch, Lê Văn Dũng còn có tên gọi khác là Lê Vương Dũng (SN 1956, ngụ xã Dốc Tín, huyện Mỹ Đức, tỉnh Hà Tây). Dũng nhập ngũ tháng 10/1974, biên chế về trạm ra đa 20 Trung đoàn 920, Sư đoàn 375 Quân chủng Phòng không - Không quân Bộ Quốc phòng Việt Nam.
Trong thời gian tham gia quân đội, Dũng vô tổ chức kỷ luật, nhiều lần bỏ trực chiến, bị nhắc nhở, kiểm điểm nhiều lần nhưng không sửa chữa, sau đó Dũng lấy cắp xăng dầu của đơn vị, bị điều tra, xử lý. Tháng 5/1979, Lê Văn Dũng bị đơn vị kỷ luật, giáng cấp từ hạ sĩ xuống binh nhất, sau đó Dũng đào ngũ.
Sau khi đào ngũ khỏi Quân đội, Lê Văn Dũng về sinh sống tại xã Hòa Thắng, TP Buôn Mê Thuột, tỉnh Đắk Lắk từ năm 1980 đến nay. Năm 2002, Lê Văn Dũng bị Công an TP Buôn Mê Thuột bắt giữ về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” của 11 cá nhân và bị Tòa án nhân dân TP Buôn Mê Thuột kết án tù giam.
Đến năm 2005, Dũng ra tù và về sinh sống tại địa phương, Dũng mở phòng khám chữa bệnh không có giấy phép, đã bị chính quyền xử lý hành chính và buộc ngừng hoạt động. Thời gian gần đây, Công an Đắk Lắk còn nhận được một số đơn thư tố cáo những sai phạm trong hoạt động khám chữa bệnh của Dũng và hành vi sàm sỡ với bệnh nhân, có dấu hiệu lừa đảo với một số bệnh nhân đến khám chữa bệnh.
Kho báu Nhà Rồng - chuyện bịa như thật
Lê Văn Dũng (SN 1937, tự xưng là Lê Vương Dũng, tức Ba Vương) bịa chuyện tại cơ quan điều tra là không cha mẹ. Từ nhỏ, Ba Vương sống với sư thầy T.T.T ở chùa Hương, học nghề bốc thuốc. Năm 1952, Dũng tham gia du kích ở Mai Châu và đi học tài chính tại Vân Nam, Phúc Kiến, Trung Quốc.
Chưa hết về những dòng lý lịch tự vẽ. Ba Vương còn tự xưng được sang Pháp học ngành thống kê tài chính quốc tế, về Sài Gòn tiếp nhận tài chính. Từ năm 1965 – 1970 phụ trách hậu cần, quản lý các Thủ kho giữ kho báu. Năm 1974, Ba Vương được đưa ra Nghệ An và Quảng Bình, rồi theo Đoàn 559 vào Kon Tum giải phóng. Năm 1980 vào Đắk Lắk lấy vợ tên N.T.T (mất năm 1995) và sống tại địa phương đến nay.
Liên quan đến việc tìm kho báu, Lê Văn Dũng khai, tài sản “Gia đình Nhà Rồng” xuất xứ từ Trung Quốc. Ba Vương là người đứng đầu “Gia đình Nhà Rồng” đời thứ 7, tiếp nhận từ Tôn Trung Sơn. Trong các kho tiền chủ yếu là USD sản xuất từ năm 1939 đến 1945 (sê-ri 2003 – 2006) các tờ tiền có AND của Ba Vương.
Muốn mở các kho tiền thì Tổng tài chủ - Vua tài chính toàn cầu (Ba Vương) lệnh yêu cầu Tổng quản mở kho, Tổng tổng quản yêu cầu Tổng quản, Tổng quản yêu cầu Thủ kho mở kho, nếu không có lệnh, chữ ký, con dấu của Ba Vương là bất hợp pháp. Hiện nay có nhiều kho tiền do Ba Vương cai quản nằm rãi rác ở Cà Mau, Đồng Tháp, Gia Lai, Đắk Nông, Quảng Nam, Bạc Liêu, Kiên Giang; ở nước ngoài có Lào, Campuchia, Singapore, Mianma, Trung Quốc…
Ba Vương đã giao nộp cho cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an một số tài liệu, hình ảnh liên quan, chứng minh Ba Vương là Tổng tài chủ các kho báu của “Gia đình Nhà Rồng” thuộc tổ chức “Hoa Mai Hội” ở Việt Nam, như: “Lệnh xuất kho”, “Lệnh mở kho”, “Quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh cho một số thành viên trong hội”.
Trong đó, Ba Vương đã bổ nhiệm Ngô Văn Hân làm trợ lý đối ngoại cấp cao cho Ba Vương; lệnh ủy quyền cho Nguyễn Phú Quốc được giao dịch những kho báu của “Gia đình Nhà Rồng”; giấy bảo lãnh thân thể, danh dự, ủy quyền giao lệnh cho một số người, trong đó có giấy bảo lãnh của Ba Vương cho Tổng Tổng quản kho 102 (tên thật là Phạm Minh Tuấn, sinh năm 1935, còn gọi là To Ship Fa, Đại Lai Lạt Ma ở chùa Từ Bi, huyện Bình Chánh, TP HCM) để liên lạc với các kho tài chính của “Gia đình Nhà Rồng”.
Kho báu ảo 9,6 tấn… “vàng”
Cơ quan An ninh điều tra đã làm việc với một số nguồn tin tại Đắk Lắk cung cấp. Ba Vương tự xưng là Tướng quân đội, “Vua tài chính toàn cầu”, “Tổng tài chủ” đời thứ 7 của “Gia đình Nhà Rồng” tiếp quản từ Tôn Trung Sơn, nắm giữ các kho tiền trên khắp đất nước Việt Nam.
Cấp dưới của Ba Vương là chủ các kho báu, Ba Vương biết vị trí của các kho và khi có lệnh của Ba Vương thì mới được mở kho. Tháng 7/2013, Ba Vương thông báo có ông Ngô Văn Hân, Nguyễn Phú Quốc và một số người… sẽ lên Đắk Lắk cùng với Ba Vương khai thác kho vàng 9,6 tấn thuộc “Gia đình Nhà Rồng” đang cất giấu trong khu vườn nhà ông Y Nơ Ông tại xã Đắk Liêng, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk.
Ông Ngô Văn Hân được các thành viên trong nhóm giới thiệu là Trung tướng an ninh (thực chất Hân là lao động tự do) là người đảm bảo an ninh khai thác kho báu. Sau đó, cả nhóm đến nhà Y Nơ Ông ở huyện Lắk , tỉnh Đắk Lắk đặt vấn đề đào bới kho báu.
Kỳ tới: “Gia đình Nhà Rồng”, chân rết của “Hoa Mai Hội”
Hưng Long