Sự thật về vũ khí siêu thanh của Trung Quốc
Trung Quốc vừa chính thức xác nhận họ đã tiến hành thử nghiệm một thiết bị bay siêu thanh. Sự kiện này đã thu hút sự chú ý của đông đảo chuyên gia quân sự thế giới, đặc biệt là các quan chức quân sự của Mỹ.
Năng lượng Mới số 293
Mỹ lo lắng vì thiết bị bay siêu thanh Trung Quốc
Điều khiến các quan chức quân sự Mỹ quan tâm bởi vì Mỹ đã 2 lần phóng thử thất bại (trên tổng số 4 lần) thiết bị bay siêu thanh X-51A Waverider, 1 số thiết bị thuộc các chương trình phát triển khác cũng khi thành công, khi thất bại chứ người Mỹ cũng chưa thực sự làm chủ hoàn toàn công nghệ này. Nếu Trung Quốc thành công, họ sẽ bước chân vào hàng ngũ những cường quốc có khả năng nắm được công nghệ vũ khí siêu thanh, bao gồm: Mỹ, Nga và Trung Quốc.
Ngày 13/1 vừa qua, tờ “Hải đăng tự do Washington” (Washington Free Beacon) đã có bài viết cho biết, người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Mỹ, Trung tá Jeffrey Poole xác nhận, Lầu Năm Góc đã nắm được thông tin về vụ thử nghiệm thiết bị bay siêu thanh lần đầu tiên của Trung Quốc. Thiết bị này tạm thời được Bộ Quốc phòng Mỹ định danh là WU-14.
Hình ảnh mô tả toàn cảnh cuộc thử nghiệm WU-14 của Trung Quốc
Rất nhiều quan chức quốc phòng Mỹ đã lên tiếng phát biểu, mục đích của cuộc thử nghiệm này là muốn khảo nghiệm xem các tên lửa Trung Quốc có đủ khả năng xuyên thủng các lá chắn phòng thủ tên lửa Mỹ hay không. Washington sợ rằng, nếu thành công Bắc Kinh sẽ có một loại tên lửa siêu thanh, có khả năng tấn công hủy diệt bất cứ khu vực nào trên thế giới trong vòng 1giờ.
Theo các phương tiện truyền thông Mỹ, trong cuộc thử nghiệm trên, WU-14 là một thiết bị bay siêu thanh được phóng từ một tên lửa đạn đạo liên lục địa. Sau khi tách khỏi tên lửa đẩy, nó bay vượt lên trên tầng khí quyển với vận tốc gấp 10 lần tốc độ âm thanh (Mach10 - tương đương 15.000km/h), sau đó lại tái nhập tầng khí quyển. Khi bay trên tầng không cách mục tiêu khoảng 30km, nó tiếp tục điều chỉnh quỹ đạo, bổ nhào xuống tấn công mục tiêu.
Tốc độ siêu thanh là khái niệm dùng để chỉ một vật thể có khả năng bay với vận tốc tối thiểu là gấp 5 lần tốc độ âm thanh (từ Mach5 trở lên). Chỉ cần với vận tốc này, một vũ khí siêu thanh phóng từ Trung tâm phóng thử nghiệm tên lửa Điểu Lỗ Mộc Tề (Urumqi) - thủ phủ của khu tự trị Tân Cương có thể bay đến Thượng Hải (từ phía tây đến phía đông Trung Quốc) trong vẻn vẹn 30 phút, thậm chí có thể ít hơn nếu vận tốc thiết bị được nâng cao hơn.
Thiết bị bay siêu thanh phóng từ máy bay
Các thiết bị bay siêu thanh bao gồm 3 loại là tên lửa hành trình, máy bay và phi thuyền vũ trụ. Để sở hữu những thiết bị này, vấn đề đầu tiên là phải nghiên cứu, chế tạo ra động cơ xung áp (ramjet) vận tốc siêu cao, đây chính là trái tim của những vũ khí siêu thanh trong tương lai. Sự ra đời của loại động cơ tĩnh phản lực này được các chuyên gia quân sự gọi là “cuộc cách mạng động lực lần thứ 3”.
Cựu quan chức không quân Mỹ, phụ trách mảng các hệ thống vũ khí chiến lược Trung Quốc - ông Mark Stokes cho biết, Trung Quốc đang nghiên cứu chế tạo 2 loại thiết bị bay siêu thanh với mục đích tấn công tầm xa chiến lược. Đồng thời, Trung Quốc cũng đang phát triển một loại tên lửa siêu thanh được trợ đẩy bằng một động cơ ramjet siêu thanh, có bệ phóng độc lập hoặc phóng từ máy bay ném bom chiến lược.
Ông Stokes kết luận, tuy hiện Trung Quốc mới đang bắt đầu giai đoạn thử nghiệm nguyên lý nhưng trong tương lai, loại tên lửa siêu thanh này có thể trở thành mối đe dọa lớn nhất đối với các hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ, bao gồm các hệ thống phòng thủ tên lửa tầm trung, tầm xa phóng từ trên biển và trên lục địa cùng với các hệ thống đánh chặn các mục tiêu tên lửa tầm gần khác.
Hiện tại, chỉ có 3 nước Mỹ, Nga, Trung Quốc và phần nào đó là Ấn Độ có thể làm chủ những thành tựu tiên tiến nhất về tên lửa siêu thanh. Trong đó, loại tên lửa hành trình có vận tốc nhanh nhất thế giới là tên lửa BrahMos - một sản phẩm liên doanh giữa Nga và Ấn Độ, tuy nhiên nó vẫn chưa đạt đến tốc độ siêu thanh, mà mới chỉ vượt qua được Mach3.
Công nghệ tên lửa siêu thanh có nhiều ưu điểm vượt trội so với các tên lửa thông thường tốc độ cận âm và siêu âm như: tốc độ tấn công nhanh gấp bội, năng lực xuyên phá qua các hệ thống phòng thủ tên lửa rất mạnh và độ chính xác cực cao.
Mỹ vẫn đi đầu trong lĩnh vực siêu thanh
Hiện nay, được chú ý nhất là chương trình thử nghiệm thiết bị bay siêu thanh X-51 Waverider do không quân Mỹ phụ trách nghiên cứu, chế tạo. Một vị quan chức quốc phòng Mỹ tham gia chương trình tiết lộ, X-51 có khả năng tái sử dụng, ngoại hình lại nhỏ hơn nhiều so với các loại tên lửa khác, thậm chí chỉ bằng một nửa, phạm vi tấn công thấp nhất là 5.000km. Có thể khẳng định là trong tương lai, Waverider sẽ trở thành một loại vũ khí chống vệ tinh giá rẻ mà hiệu quả lại cao.
Theo tin cho biết, loại tên lửa siêu thanh do Mỹ chế tạo ra, sau khi thả hết lượng nổ mang theo, có khả năng bay trở lại căn cứ. Trong tương lai, nó còn được trang bị thêm khả năng trinh sát tức thì, triển khai cấp tốc và tấn công chính xác trong thời gian nhanh nhất. Sự ra đời của thiết bị bay siêu thanh Mỹ sẽ cải biến hoàn toàn hình thái chiến tranh tương lai, thay đổi nhịp điệu của chiến tranh tương lai trở lên nhanh hơn, thời gian của cuộc chiến cũng ngắn hơn.
Trước đây, giới quan sát phương Tây cũng rất quan tâm đến các kế hoạch nghiên cứu phát triển thiết bị bay siêu thanh của Mỹ và Nga. Họ cho rằng, Nga là đối thủ có tiềm năng và thực lực nhất để đuổi kịp Mỹ trong lĩnh vực này. Trong khoảng thời gian từ 2005-2009, Moskva đã từng thử nghiệm tên lửa siêu thanh, trong năm 2012 và 2013 cũng đã có thông tin về việc họ đã thử nghiệm thành công. Tuy nhiên, người Nga bảo mật rất kín các thông tin nên không mấy người biết chính xác kết quả thử nghiệm của Nga ra sao.
Theo tiết lộ của các chuyên gia Mỹ, phát triển thành công công nghệ tên lửa hành trình siêu thanh tiên tiến còn phải trải qua rất nhiều nút thắt công nghệ khó khăn, ví dụ như kỹ thuật động lực, tích hợp đầu đạn vào thân tên lửa, vật liệu siêu nhẹ và siêu bền có khả năng quá tải lớn. Trong số các cường quốc hiện đang nghiên cứu chế tạo, chỉ có kế hoạch của Mỹ là tiến triển khả quan nhất, còn lại đều chưa bước qua giai đoạn thử nghiệm nguyên lý.
Toàn Thắng (tổng hợp)