Lao động ngoại tỉnh mòn mỏi lo tết (Bài 1)
Những ngày này, khi nhiều người dân Hà Nội bắt đầu sắm sửa đón tết, thì dân lao động ngoại tỉnh vẫn bươn chải trong cái lạnh kiếm tiền lo cho cái tết nơi quê nhà. Phần lớn người lao động ngoại tỉnh đều cho biết: “Đây là một năm vô cùng khó khăn, khi người mong mỏi việc thì việc lại chẳng cần người”…
Năng lượng Mới số 288
Bài 1: Cửu vạn nhàn cư...
Một ngày - trăm ngàn
Chiếc xe máy chưa kịp dừng hẳn một nhóm “cửu vạn” khoảng hơn chục người ở ngã ba Bưởi, quận Tây Hồ, Hà Nội nháo nhào lao đến như “xâu xé” chúng tôi. Kẻ vịn xe, người kéo tay luôn miệng hỏi: “Làm gì anh, ở đâu, cần mấy người?”… Nghe chúng tôi bảo là phóng viên đi tìm hiểu đời sống người lao động ngoại tỉnh để viết bài thì cả đám tản ra nhanh như “thuốc sủi”, kèm vài cái bĩu môi dè bỉu.
Không biết tâm lý dân cửu vạn ghét mấy ông nhà báo có từ bao giờ. Nhưng có lẽ bắt nguồn bởi họ không muốn lãng phí thời gian đi “hầu chuyện không công” và chẳng có ai thích chường mặt lên báo vì ngại “lộ diện” khiến công an phường sở tại để ý rồi thu giữ “bộ cần câu cơm” là mấy cái xe thồ, cái cuốc cái xẻng. Đó là chưa kể đến chuyện xóm giềng ở quê nhận ra mặt mình trên báo, với công việc chẳng lấy gì làm tự hào… Chính vì vậy, cánh báo chí như chúng tôi phải chọn cách làm “khách” thuê họ làm việc theo giờ, để khai thác thông tin.
Cửu vạn nam thất thểu chờ việc ở dốc Bưởi
Loằng ngoằng hỏi han một lúc, chúng tôi thuê được Hồng, một thanh niên còm nhom mới tròn 17 tuổi, đang co ro run rẩy trong cái lạnh 9oC của Hà Nội. Búng tàn thuốc một cách “điệu nghệ”, Hồng thong thả bắt chuyện. Là con út trong một gia đình có 9 anh em ở Diễn Châu, Nghệ An, bố mẹ Hồng làm nông, cách đây mấy tháng gia đình Hồng phải chịu một mất mát lớn khi người anh trên Hồng qua đời bởi một tai nạn điện giật trong khi đi cắt cỏ thuê. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, không có điều kiện học hành nên mấy anh em rủ nhau lên Hà Nội mưu sinh. Do quá bé lại còm nhom nên gần một năm nay Hồng vẫn chưa xin được việc nên đành ra dốc Bưởi làm nghề cửu vạn.
Hồng kể, đợt gần nhất cách đây hơn một tháng có “công ăn việc làm” là chuyến dọn phế liệu cho một gia đình. Hôm nay trời mưa rét buốt, “chợ người” lại càng hiu hắt hơn khiến đội của Hồng khoảng chục người cùng quê sống trong thấp thỏm, lo âu vì tết nhất đã quá gần. “Năm nay chúng em khó khăn vô cùng, cả tháng “đứng chợ” mà không có việc, mong rằng mấy ngày giáp tết tới khách có nhu cầu sửa sang, dọn dẹp nhà cửa thì may ra còn hy vọng”.
Theo chân Hồng về khu trọ ở ngõ 81 Hoàng Quốc Việt mới thấy rằng, cuộc sống mưu sinh của những người làm nghề cửu vạn mới khốn cùng thế nào. Căn phòng chật chội, ẩm ướt, lạnh như hầm băng, mùi ẩm mốc và mùi quần áo lâu ngày không giặt từ trong mấy cái chiếu rách tỏa ra nồng nặc. Căn phòng khoảng 30m2 là nơi 9 người tá túc, được thuê với giá 1,5 triệu đồng/tháng, không có phòng tắm và bếp, chủ yếu được thuê để lấy chỗ ngủ, còn việc ăn uống, tắm rửa phải mất tiền riêng với chủ nhà. Nếu tính chi li ra thì phí sinh hoạt cả ăn uống bình quân mỗi người cũng rơi vào khoảng 100.000 đồng/ngày. Nếu bảo “khéo ăn thì no, khéo co thì ấm” nhưng có lẽ không nghề nào đảm bảo được điều đó, đặc biệt là nghề cửu vạn. Với tình trạng thiếu việc như hiện nay, Hồng dự tính trước mắt phải vay tiền ăn của mấy anh em cùng phòng và lo nhất là không biết lấy gì gửi về cho bố mẹ ở quê trong tháng tới.
Nhàn cư vi… bất thiện
Thuộc nhóm nghề có tính “may rủi”, người làm nghề cửu vạn luôn ở tình trạng bấp bênh. Thuộc bậc đàn anh gắn bó với nghề đã hơn 3 năm, anh Cần cùng quê với Hồng chia sẻ thêm về cuộc sống của mấy anh em: “Nghề cửu vạn chúng tôi, nếu không gắn bó, thương nhau thì không thể tồn tại nổi. Năm nay đúng là khó khăn, ít việc lắm. Mọi năm vào dịp giáp tết các chủ công trình thường thuê chúng tôi làm, nhưng năm nay lĩnh vực xây dựng như bị đóng băng khiến chúng tôi không có việc làm”.
Phận nữ gánh thuê tại chợ Long Biên
Chính vì tình hình kinh tế khó khăn nên nhiều cửu vạn đâm ra nhàn cư, có người chờ việc trong giá rét, cộng với lo toan suy nghĩ đã phát ốm, có người buồn bã với những ngày dài chờ việc nên có khi chả thiết “đứng chợ” mà quay về phòng rồi loanh quanh kiếm chai rượu uống để... giải sầu. Kiếm ra tiền đã khó khăn như vậy, nhưng không ít người trở thành nghiện rượu. Như anh Cần cũng thừa nhận mình là một con “nghiện rượu” hạng nặng, hôm nào trời mưa nghỉ ở nhà, hay không có việc là Cần lại đi “họp bàn tròn” cùng với mấy anh em “đồng nghiệp”. “Nhiều lúc chỉ xác định uống tí cho vui, ấm người nhưng cuối cùng lại xem ra tốn kém. Có hôm hứng lên anh còn ra đầu ngõ ghi mấy con lô, con đề mong sao “đổi vận” hay chí ít cũng trúng được ít tiền bù lại cho những ngày vất vưởng chẳng ai thuê. Nhưng rồi đến tối, so kết quả thì lại trượt, tiếc tiền, tiếc cả nhưng hy vọng hão huyền, vậy mà không tài nào bỏ được thói quen đó. Ngày “không việc” mà không rượu chè hoặc có tí bài bạc thì chẳng biết làm gì - quan niệm của Cần về việc rượu chè, cờ bạc… đơn giản như thế.
Nghề cửu vạn cơ cực nhưng cũng đầy rủi ro. Chị Liên, một lao động tự do ở khu vực chợ Bưởi cho biết: “Bị công an phường thu giữ phương tiện làm việc là chuyện xảy ra như cơm bữa, vì nhóm lao động tự do ở đây từ lâu đã bị “quy kết” là đội quân bát nháo, gây ảnh hưởng đến trật tự, mỹ quan trong khu vực. Không những bị thu quang gánh mà dân lao động tự do ở đây còn bị phạt tiền, phải viết giấy cam kết không tụ tập, di dời đi nơi khác. Chính điều này càng khiến cho cuộc sống của những người lao động ngoại tỉnh với loại hình công việc “nay có mai không” đó thêm bấp bênh, đầy lo âu”.
Trước câu hỏi về những mong muốn cho một năm mới sắp đến của chúng tôi, những người lao động tự do đều ngậm ngùi, lo lắng. Cậu thanh niên 17 tuổi, tên Hồng thở dài: “Làm gì, dù cực đến đâu em cũng sẽ gắng chịu để có được một khoản dành cho bố mẹ và các em ở quê. Bọn em cũng xác định rồi, nghề cửu vạn trước sau gì cũng không sống nổi ở Hà Nội. Mấy anh em chỉ có một mong muốn rằng, qua tết năm nay mỗi người sẽ kiếm được cái nghề ổn định hơn, công việc lâu bền hơn”.
“Chợ người” ở ngã ba Bưởi tồn tại hàng chục năm nay, việc giải tán cái chợ tự phát này mỗi năm đều được đề ra, nhưng vẫn không sao hoàn thành. Công an đến thì những người chờ việc bỏ chạy, khi công an đi thì họ tụ lại như trước. Lâu dần cái cảnh đó cũng thành chuyện thường ngày mà người dân phường Bưởi vẫn hàng ngày chứng kiến. Cho dù nhếch nhác đô thị nhưng nhìn từ một khía cạnh khác nơi đây có cơ hội để kiếm việc, kiếm miếng cơm manh áo, là nơi mưu sinh của hàng ngàn người lao động ngoại tỉnh trong những năm qua…
Kiên Công